Sửa Luật DN để “đánh thức” mọi nguồn vốn đầu tư

Thứ Sáu 10:14 26-05-2006
Sửa Luật Doanh nghiệp để “đánh thức” mọi nguồn vốn đầu tư

Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất

“Dù Luật Doanh nghiệp hiện hành được coi là một hình mẫu trong soạn thảo và thực thi luật ở Việt Nam song để đạt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 rất cần đánh giá lại Luật Doanh nghiệp hiện hành để rút kinh nghiệm xây dựng một bộ luật tiên tiến hơn trong bối cảnh mới”

Thời điểm này chúng ta đặt vấn đề xây dựng một luật mới trước hết là yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách theo định hướng thị trường và thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế thì Luật Doanh nghiệp cũng phải là một luật áp dụng chung cho mọi loại hình DN.

Hiện nay Luật Doanh nghiệp tuy được đánh giá là rất thành công, được ca ngợi nhưng mới chỉ “đánh thức” được khu vực tư nhân trong nước. Đóng góp của nó khoảng 10% GDP, 27% tổng đầu tư xã hội, gần 5% tổng số việc làm. Còn Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm 50% GDP thì không hoạt động theo luật này.

Thứ hai là áp lực từ bên ngoài do hội nhập. Người ta đang trông đợi với những cam kết đã và sẽ ký, Việt Nam phải thiết lập một môi trường kinh doanh bình đẳng không những không phân biệt các thành phần kinh tế trong nước mà còn không phân biệt cả thành phần kinh tế nước ngoài, tức là vấn đề đối xử bình đẳng giữa các quốc gia.

Thứ ba, chính sự tiến bộ và thành công của Luật Doanh nghiệp là cơ sở, bằng chứng rất thuyết phục thúc đẩy tiếp tục cải cách mở rộng phạm vi áp dụng của luật đối với DNNN, doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp thống nhất (chữ thống nhất để phân biệt với Luật Doanh nghiệp hiện hành) đang được soạn thảo. Nếu kịp ban hành trong năm nay thì có thể sẽ lấy tên là Luật Doanh nghiệp 2005.


Đã là Luật Doanh nghiệp thống nhất thì tại sao lại không “đụng” đến DNNN?

- Mục tiêu soạn thảo của luật là áp dụng cả cho DNNN. Nhưng muốn hoạt động theo luật này thì các DNNN phải được chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Các DNNN của Việt Nam hiện nay chưa phải là công ty TNHH và công ty cổ phần phổ biến trong nền kinh tế thị trường cũng như theo Luật Doanh nghiệp mới. Nghĩa là chưa hoạt động theo nguyên tắc quản trị tập trung thống nhất.

Luật Doanh nghiệp đã từng bị đánh giá là quá “thoáng”, quá “mở”, khiến Nhà nước không quản lý được. Tháo gỡ những hạn chế của Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng có nghĩa là “mở” thêm ra. Như thế liệu có giải quyết hết được trong một luật chung không?

Hoàn toàn giải quyết được, bởi trong năm năm qua có không ít nghiên cứu, đánh giá nhận diện được các điểm yếu nội tại của Luật Doanh nghiệp. Sửa đổi bổ sung luật lần này sẽ cố gắng khắc phục được những điểm yếu đó.

Cái mới xuất hiện bao giờ cũng có sự đánh giá khác nhau. Còn gọi là “thoáng” hay “mở”, đó là ngôn ngữ báo chí. Thực chất mà nói, Luật Doanh nghiệp đã làm được một việc hết sức căn bản, đó là thừa nhận quyền kinh doanh là quyền của người dân, đồng thời nó tạo ra cơ cấu và thể chế để quyền đó được thực hiện trên thực tế chứ không phải chỉ trên giấy.

Theo Luật Doanh nghiệp, công chức Nhà nước không có quyền cho “ông” này hay “ông” kia kinh doanh mà phải làm đăng ký chấp nhận kinh doanh của người dân. Nó là sự thay đổi cả tư duy lẫn phương thức quản lý.

Trong đó thì đâu là vấn đề nổi bật?

Phạm vi hoạt động của luật. Luật Doanh nghiệp mới chỉ áp dụng cho kinh tế tư nhân trong nước, bây giờ phải mở rộng ra cho cả DNNN và doanh nghiệp ĐTNN. Đó có thể là một thay đổi bước ngoặt, thay đổi căn bản và cũng là mục tiêu đối với Luật Doanh nghiệp. Như thế, khu vực Doanh nghiệp có vốn ĐTNN mới được tự do nhiều hơn trong gia nhập thị trường. Nói cách khác là đơn giản hóa hơn thủ tục và chi phí gia nhập vào thị trường Việt Nam của các nhà ĐTNN. Họ cũng được tự do hơn, có quyền tự chủ cao hơn trong kinh doanh, được áp dụng chung một cơ cấu quản trị Doanh nghiệp giống như của doanh nghiệp Việt Nam.

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp sẽ giúp ích được gì cho các doanh nghiệp?

Hình như là đầu tiên. Nó giúp soạn thảo nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, đầy đủ các văn bản dưới luật. Giám sát phát hiện những cản trở trong thi hành luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Đây là một nhân tố để luật được thực hiện nhất quán trên địa bàn cả nước. Chúng tôi cũng thường xuyên đánh giá quá trình thực hiện luật để tìm ra những điểm yếu, điểm mạnh, làm rõ nguyên nhân nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện luật nhất quán, triệt để hơn. Đó thực sự là yếu tố quan trọng để luật này thực sự phát huy hiệu lực.

[i]Theo Người Lao Động

Các văn bản liên quan