Không đơn thuần là phép cộng

Thứ Sáu 10:15 26-05-2006
Không đơn thuần là phép cộng

Báo Đầu Tư
Ngày 19/01/2005


Việc thống nhất chung Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (ĐTTN) về làm một đã không còn dừng lại ở mức độ ý tưởng. Từ đầu tuần qua tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức bước vào giai đoạn hoàn thiện Dự thảo luật chung về đầu tư theo hướng thống nhất những điểm còn khác biệt giữa Luật ĐTTN và Luật ĐTNN nhằm làm cho môi trường đầu tư trở lên thông thoáng, hấp dẫn hơn, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia luật pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc làm trên là bước đi cần thiết để đảm bảo lịch trình đã đặt ra là cuối năm nay có thể đưa luật chung này ra báo cáo trước Quốc hội để xin ý kiến đóng góp trước khi đi đến biểu quyết thông qua. Hiện tại, Dự thảo luật chung về đầu tư được xây dựng với tên gọi "Luật Khuyến khích và Bảo đảm đầu tư". Với tên gọi như vậy, Dự thảo luật sẽ tập trung vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc khuyến khích đầu tư và xây dựng những quy định về bảo đảm đầu tư (như không trưng thu, trưng dụng, quốc hữu hóa về đầu tư hoặc bồi thường theo giá thị trường khi quốc hữu hóa)...

Hiện tại, các chuyên gia luật pháp đang tiến hành đối chiếu các quy định trong Luật ĐTNN, Luật ĐTTN, Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp nhà nước để tìm ra những điểm đã thống nhất và những điểm còn khác biệt. Với những điểm còn khác biệt, quan điểm khi đưa vào luật chung là phải được thống nhất trên cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, khuyến khích giải phóng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phù hợp với tiến trình hội nhập và các cam kết quốc tế.

Ý tưởng được thể hiện xuyên suốt trong Dự thảo luật chung về đầu tư là các nhà đầu tư (không phân biệt trong hay ngoài nước), doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân)... đều được đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Để cụ thể hóa nguyên tắc này, trong Dự thảo luật chung sẽ tiến hành xây dựng một danh mục những lĩnh vực cấm đầu tư và danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện (trong đó nêu rõ những ngành nghề, địa bàn hạn chế đầu tư...). Danh mục này sẽ được xác định có tính chất định hướng lâu dài, nhất quán, trên cơ sở lợi ích tổng thể của Nhà nước, xã hội và có lộ trình dỡ bỏ dần dần...

Rút kinh nghiệm từ các lần sửa đổi luật và các nghị định hướng dẫn gần đây, các chuyên gia luật pháp đã đặc biệt lưu ý tới yếu tố khi hợp nhất các luật phải theo nguyên tắc ngày càng dễ dàng hơn, thông thoáng hơn và không hồi tố. Điều này đảm bảo cho luật mới ra đời sẽ hấp dẫn hơn trên cơ sở minh bạch, dự đoán được và thân thiện với các nhà đầu tư.
Xây dựng những ưu đãi đầu tư theo hướng nào đã trở thành vấn đề đại sự khi tiến hành soạn thảo luật chung. Hiện tại, Luật ĐTTN thiên về việc bảo hộ các doanh nghiệp, trong khi Luật ĐTNN lại nặng về ưu đãi. Do vậy, các ưu đãi đầu tư theo các luật hiện có quá nhiều tiêu chí (riêng xuất khẩu có xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp; xuất khẩu mặt hàng mới, thị trường mới, năm sau cao hơn năm trước...). Theo dự kiến của các chuyên gia luật pháp, khi tiến tới một luật chung về đầu tư, các ưu đãi thuế chỉ tập trung vào lĩnh vực, địa bàn kinh doanh và hướng về miễn thuế thay vì chia ra nhiều mức thuế khác nhau như hiện nay...

Cuối cùng, tình trạng quản lý nhà nước về đầu tư hiện được các đầu mối khác nhau tiến hành theo sự phân biệt giữa trong nước và ngoài nước; giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân... đã khiến nhiều người đề nghị cần phải quy về một cơ quan để tạo sự thống nhất. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và mở cửa như hiện nay, tình trạng này sẽ gây khó cho công tác quản lý và rất có thể vì thế mà vốn Nhà nước dễ biến thành vốn của cá nhân thông qua một số "động tác" vòng vèo từ liên doanh, liên kết đến thành lập công ty con, mở chi nhánh...

Các văn bản liên quan