Sự cần thiết ban hành hai luật chung

Thứ Sáu 10:05 26-05-2006
(Nội dung sau được trích từ Tờ trình của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư)

Dự kiến thời gian xây dựng là trình Chính phủ Dự án 02 luật vào đầu năm 2005, để có thể trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp giữa năm 2005 và thông qua vào cuối năm 2005, để 02 luật có hiệu lực vào 2006, khi đó những cam kết với AFTA được thực hiện đầy đủ và phần lớn các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được thực hiện, lại thêm cam kết mới khi gia nhập WTO.

Hai luật cần được soạn thảo, trình và ban hành đồng thời, nếu không, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thiếu khung pháp lý về thành lập; đăng ký và tổ chức quản lý nội bộ, vì những nội dung này dự kiến sẽ được đưa vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất).

Việc ban hành hai luật chung là cần thiết, vì những lý do sau đây:

a) Từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành, hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã không ngừng được cải thiện theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những điều khoản liên quan đến thành lập, tổ chức, quản lý nội bộ doanh nghiệp đã được quy định trong nhiều luật: Luật Doanh nghiệp 1999, Luật DNNN ban hành năm 1995 và sửa đổi, bổ sung năm 2003; Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 1987 và sửa đổi, bổ sung các năm 1990, 1992, 1996, 2000). Về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiện có 2 luật: Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ban hành năm 1994 và sửa đổi, bổ sung năm 1998 và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2000.

Tuy nhiên, trong các luật nói trên, vẫn còn những quy định khác biệt không cần thiết, ngay từ khái niệm về loại hình doanh nghiệp, về thủ tục thành lập và rút khỏi thị trường, về cơ cấu tổ chức và quản lý nội bộ, dẫn đến khác nhau về thẩm quyền và địa vị pháp lý, khác nhau về nội dung quản lý nhà nước, kể cả giữa doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Có những loại hình doanh nghiệp nhà nước vừa thực hiện Luật Doanh nghiệp nhà nước, lại vừa thực hiện Luật Doanh nghiệp. Những khác biệt đó làm cho hệ thống pháp luật về kinh doanh thiếu nhất quán: còn sự phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư và các loại hình doanh nghiệp khác nhau, đã hạn chế việc phát huy các nguồn lực, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự phát triển năng động, đa dạng của doanh nghiệp, sự đan xen giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hình thành ngày càng phổ biến các doanh nghiệp đa hình thức sở hữu, cũng làm bộc lộ những bất hợp lý của hệ thống pháp luật tách biệt theo thành phần kinh tế. Muốn khắc phục tình trạng đó, phải xây dựng Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, trong đó quy định việc hình thành, tổ chức và phương thức vận hành của từng loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và các nguồn vốn đầu tư khác nhau (nhưng không loại trừ những quy định cần thiết áp dụng riêng cho một thành phần kinh tế hoặc nguồn vốn đầu tư).

cool.gif Các chủ trương, chính sách mới đối với các thành phần kinh tế theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, thứ 5 và thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX đòi hỏi phải được cụ thể hóa và thể chế hóa bằng Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với những quy định gần nhau hơn về quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm và tổ chức, quản lý nội bộ doanh nghiệp, không tách biệt theo thành phần kinh tế và nguồn vốn đầu tư.

c) Nước ta đang từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, phải tuân thủ các cam kết quốc tế, trong đó một nội dung quan trọng là nguyên tắc đối xử quốc gia (không phân biệt chính sách kinh tế đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh ở nước ta). Vì vậy, hệ thống pháp luật nước ta cũng phải điều chỉnh phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO; đương nhiên có lộ trình thực hiện từng bước phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội nước ta.

Tóm lại, việc thống nhất Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp và các nguồn vốn đầu tư đã trở nên cần thiết do nhu cầu bức xúc của cuộc sống, nhằm mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, phát huy mọi nguồn nội lực và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích tối đa các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Xin được trình bày thêm rằng: trong việc hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, yêu cầu cơ bản và bức thiết đối với doanh nghiệp hiện nay là hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho doanh nghiệp Việt Nam được tự do kinh doanh; tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bình đẳng trước pháp luật và chính sách nhà nước. Để đáp ứng được yêu cầu đó, còn phải kiên trì phấn đấu lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trên nhiều mặt của hệ thống thể chế. Việc ban hành Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lần này là một khâu mở đầu rất quan trọng và cần thiết, nhưng mới giải quyết được một cách cơ bản quyền tự do kinh doanh và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp ở khâu thành lập và tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp; cũng mới thực hiện được một phần quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhất là trong chính sách khuyến khích và bảo hộ đầu tư, không phải là toàn bộ môi trường đầu tư kinh doanh. Tinh thần cốt lõi của luật là tạo môi trường luật pháp bình đẳng, không phân biệt đối xử, nhưng trong tình hình hiện nay, vẫn không loại trừ một số ít quy định đặc thù theo những loại hình và đầu tư trong nước và nước ngoài (như trong thành lập doanh nghiệp, trong điều kiện kinh doanh...).

Đến nay, đã có những tiền đề thuận lợi cho việc soạn thảo hai luật chung, vì qua thực tế gần 15 năm xây dựng các luật liên quan đến doanh nghiệp, rất nhiều nội dung tuy được quy định ở các luật khác nhau, nhưng qua nhiều lần sửa đổi, hầu hết các vấn đề lớn hoặc đã hoàn toàn giống nhau hoặc còn khác biệt rất nhỏ. Vì vậy, đã đến lúc cần gộp lại luật chung để dễ quản lý và áp dụng luật. Thời gian gần đây, những quy định có tính phân biệt đối xử và quy định khác nhau theo thành phần kinh tế trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã giảm dần, như các loại giá, phí và lệ phí, các loại thuế và mức thuế, đối tượng, hình thức và điều kiện ưu đãi đầu tư... về cơ bản đã áp dụng chung đối với các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp cũng đã làm quen dần với môi trường cạnh tranh và mong muốn có môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định, không phân biệt đối xử.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, qua sắp xếp, đổi mới, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần có vốn nhà nước hoặc Nhà nước giữ cổ phần chi phối đều được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà số doanh nghiệp nhà nước còn giữ 100% vốn ngày càng thu hẹp; công ty nhà nước theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 thực chất cũng là côgn ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này đều đã theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc ban hành Luật Doanh nghiệp (thống nhất) trên thực tế cũng sẽ mở rộng thêm cơ hội, chuẩn bị sẵn điều kiện thuận lợi về tổ chức, quản lý nội bộ cho các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX.

Đối với đầu tư nước ngoài, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, những khác biệt về đầu tư, kinh doanh (như ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu...) giữa trong nước và nước ngoài cũng đã được thu hẹp một bước quan trọng. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Các hiệp định thương mại và đầu tư nước ta ký với Mỹ, Nhật đã cam kết tiếp tục gỡ bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
[size=12][/size]

Các văn bản liên quan