Những yêu cầu chung về nội dung của hai luật

Thứ Sáu 10:05 26-05-2006
(Nội dung sau được trích từ Tờ trình của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư)

Nội dung của hai luật phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Thể chế hóa sâu sắc đường lối đổi mới và các chủ trương, chính sách đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ IX của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành trung ương Khóa IX (tháng 02-2004), như chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa nội lực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước... đồng thời kế thừa và phát huy những tư duy mới, kinh nghiệm tốt từ những nhân tố mới trong cuộc sống xã hội. Nội dung của luật không xóa bỏ hoặc đi ngược lại mà phải phát triển thêm những cải cách, đổi mới và tiến bộ đã đạt được trong thành lập, tổ chức quản lý nội bộ của doanh nghiệp đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Doanh nghiệp 1999.

cool.gif Tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh: các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền đầu tư và kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được pháp luật bảo hộ. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng phổ biến chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xóa bỏ những quy định "xin - cho", "phê duyệt", "chấp thuận" bất hợp lý, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

c) Tiếp tục đổi mới chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, coi việc khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp doanh nghiệp là chức năng chính, coi nhà đầu tư và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cần quy định rõ và đủ chi tiết cụ thể về trách nhiệm, các quan hệ giữa cơ quan nhà nước đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, về việc thực hiện các mối quan hệ đó cũng như chế tài khi có những vi phạm từ hai phía: phía nhà đầu tư kinh doanh và phía cơ quan, công chức không thực hiện đúng các quy định. Những quy định có lợi cho doanh nghiệp thì được tiếp tục thực hiện trong thời gian đã cam kết trước đó, không hồi tố. Tôn trọng quyền của doanh nghiệp trong việc đề ra các quy chế quản lý nội bộ, tự do thỏa thuận và định đoạt các quan hệ nội bộ doanh nghiệp phù hợp với luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế.

d) Nội dung của hai luật phải phù hợp với những điều mà nước ta đã cam kết trong các thỏa thuận đa phương và song phương trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là nguyên tắc cơ bản là đối xử quốc gia và tối huệ quốc, đồng thời, đón trước được xu thế hội nhập, góp phần vào việc hình thành môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao so với khu vực.

Các văn bản liên quan