Song hành quy chuẩn và tiêu chuẩn: ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội

Thứ Hai 11:22 12-09-2011

Kính thưa Chủ tọa Hội thảo, kính thưa các đồng chí,

Tôi xin phép được trao đổi một số ý kiến đối với Hội thảo với tính chất cá nhân và đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để các đồng chí tham khảo, hoàn chỉnh việc rà soát này.

Trước hết, cảm ơn Ban Tổ chức đã mời các địa phương, trong đó có Hà Nội tham gia cuộc Hội thảo này. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội phát biểu, trên cơ sở đó thấy những bức xúc trong quá trình hoạt động sản xuất liên quan đến bảo vệ môi trường làm sao đạt được mục đích của Nhà nước đặt ra - phát triển bền vững. Việc phát triển phải đi đôi với bền vững là cần thiết, giữ gìn môi trường mà không phát triển thì không được. Vì phát triển mà không bảo vệ môi trường thì không được. Chúng ta sẽ phải trả giá vì việc đó.

Về Luật BVMT 2005, tôi đã được tham dự 27 cuộc hội thảo và 27 lần chỉnh sửa. Trong đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cũng tổ chức đến 5 cuộc hội thảo để xây dựng Luật BVMT 2005. Vì thế tôi cho nên Luật có thể coi là đủ và rõ ràng, có tính pháp lý cao hơn Luật 1993 rất nhiều. Luật đã đi vào cuộc sống. Trong quá trình chúng ta gia nhập WTO, chính các tổ chức thương mại quốc tế đã đánh giá cao luật về môi trường của chúng ta. Tất nhiên, Luật nào thì cũng thế thôi, dù sao chăng nữa vẫn có một chút chủ quan, vẫn có một chút chưa sát với thực tế từ cơ sở lên. Nên tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp là xây dựng Luật phải tiếp cận từ dưới lên thì sẽ có được những bộ luật ít bị chỉnh sửa hơn. Nếu bảo không phải chỉnh sửa thì cũng khó, chẳng có luật nào không phải xem xét, chỉnh sửa sau khi ban hành vào cuộc sống cả.

Đi vào báo cáo tổng hợp rà soát của TS. Nguyễn Văn Phương, tôi có thêm một số ý kiến như sau: tính tất yếu là chuyện thay quy chuẩn cho tiêu chuẩn. Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn ban hành sau Luật BVMT cho nên tất yếu phải sửa. Nhưng tôi cho rằng phải song hành quy chuẩn và tiêu chuẩn. Việc ban hành quy chuẩn trên thực tế là chậm. Chính vì vậy, chúng ta không có một hàng rào kỹ thuật, kể cả xuất nhập khẩu…Đối với các nước khác, họ có đầy đủ quy chuẩn về tất cả hàng hóa, phế liệu, phế thải. Khi đã có hàng rào kỹ thuật rồi thì kể cả việc cấm hay không cấm các doanh nghiệp cũng không thể nào làm được. Ví dụ muốn nhập một phế liệu gì đấy đáp ứng được hàng rào kỹ thuật thì anh được nhập, không đáp ứng được thì đừng có mất thời gian, tốn kém.

Về vấn đề làng nghề: Hà Nội chiếm 1/3 số làng nghề của toàn quốc với trên 1100 làng có nghề và trên 284 làng nghề được công nhận. Nhưng kỳ thực ra thì gần như đầy đủ các loại ngành nghề của toàn quốc. Cái bức xúc nhất của Hà Nội hiện nay chính là làng nghề. Chúng tôi hết sức đau đầu, thành phố sẵn sàng bỏ chi phí ra để quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề…Nhưng cơ chế đặc thù cho làng nghề cũng cần phải được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, trên cơ sở đó có hỗ trợ. Ví dụ lấy được một quỹ đất làm quy hoạch cụm làng nghề, nếu các hộ làm nghề muốn di dời ra đó thì phải có kinh phí. Làng nghề thì thường gắn bó với gia đình và họ không thoát khỏi nông dân, đến mùa vụ họ vẫn sản xuất nông nghiệp. Cái đó cũng cần những giải pháp hết sức cụ thể. Tôi cho rằng phải có định hướng hết sức rõ ràng, làng nghề nào cần phát triển, làng nghề nào hạn chế. Thực tế cho thấy làng nghề giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội về lao động và thu nhập của nhân dân. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta tính một bài toán thật là chi tiết thì thu nhập từ làng nghề không đáng bao nhiêu so với việc xử lý ô nhiễm môi trường từ làng nghề. Chúng ta phải tính định hướng.

Phải đưa công nghệ mới vào các làng nghề. Làng nghề thủ công thì không thể cạnh tranh nổi với thế giới. Đưa chất xám, đưa công nghệ vào thì mới tạo nên thương hiệu của làng nghề. Hiện nay, ở biên giới chúng ta làm đồ mộc thô, rồi mang sang biên giới làm tinh xảo lại, bán gấp 10 lần. Đã có một tiến sỹ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào làm khảm nhưng khi đưa về làng nghề Chương Mỹ thì không ai ứng dụng. Xung quanh câu chuyện làng nghề thì có thể nói cả ngày, rất phức tạp và mệt mỏi. Hà Nội đang rất tích cực trong vấn đề môi trường làng nghề. Trong đó, 3 xã nghề có hàm lượng nước thải lớn nhất là Cát Quế, Dương Liễu và Minh Khai chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên môi trường, đã được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ sẽ xây một nhà máy xử lý nước thải cho cụm 3 xã đó với kinh phí khoảng trên 260 tỷ. Đó là chưa tính hệ thống ống dẫn khoảng 14, 15 tỷ nữa. Như vậy phải có khoảng 300 tỷ để giải quyết thu được trên 80% nước thải. Số hộ xóm ngoài đê thì không thu được. Mô hình làng nghề của chúng ta là hộ gia đình, sản xuất phân tán thế nên việc đầu tư công trình bảo vệ môi trường là rất tốn kém và khó khả thi.

Có pháp luật nhưng phải có người thực hiện. Hiện nay, tổ chức bộ máy của cán bộ làm công tác môi trường ở Việt Nam là rất mỏng, chưa nói đến năng lực là yếu. Tôi cho rằng, cần báo cáo Chính phủ để quy định loại hình doanh nghiệp nào, quy mô là bao nhiêu thì bắt buộc phải có cán bộ chuyên môn về môi trường. Hiện nay chúng tôi đang cùng với một tổ chức của Nhật Bản nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình kiểm soát ô nhiễm. Trong đó có nói đến bộ máy. Nói đến bộ máy chính quyền, Hà Nội hiện đang đi đầu cả nước cho phép mỗi xã phường được tuyển một hợp đồng lao động chuyên viên về môi trường. Hà Nội hiện có 577 cán bộ cấp xã phường làm chuyên trách về môi trường đang được đào tạo về chuyên môn, quản lý nhà nước.

Về vấn đề ĐTM, thực tế trong quá trình vận hành của Hà Nội, rất cần thiết phải có và cam kết BVMT. Đối với từng dự án một bao giờ trong thành phần hội đồng cũng có ít nhất 1/3 các nhà khoa học đầu ngành (đó là lợi thế của Hà Nội) nhất là các dự án trọng điểm đặc biệt. Hội đồng làm việc rất nghiêm túc, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh báo cáo ĐTM, đáp ứng được yêu cầu của pháp luật. Cái cần thiết với ĐTM hiện nay là ý thức chấp hành cam kết. Trách nhiệm của doanh nghiệp phải được đề cao. Trong 2 năm vừa rồi, chúng tôi đã phải tiến hành nhiều cuộc hậu kiểm ĐTM, bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành. Năm ngoái một doanh nghiệp đã bị đình chỉ vì không thực hiện.

Tôi xin hết, xin cảm ơn!

Các văn bản liên quan