“Rào cản” cuối cùng?

Thứ Sáu 13:32 26-05-2006
“Rào cản” cuối cùng?

Mặc dù thừa nhận mục tiêu rõ ràng của Dự thảo Luật Đầu tư là tạo nên sự bình đẳng, minh bạch trong hoạt động đầu tư mà các chuyên gia Ban soạn thảo đã nỗ lực thể hiện trong dự thảo lần thứ 8, song đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, họ chưa thấy nhiều thay đổi đáng kể mang tính đột phá ngoài việc đưa tất cả thành phần kinh tế trở thành đối tượng của một dự luật chung về đầu tư. Đặc biệt là với những điều khoản liên quan đến thủ tục đầu tư, không ít ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào đầu tuần này còn cho rằng, họ cảm thấy dường như bất cứ hoạt động đầu tư nào cũng phải xin phép.

Ông Vũ Văn Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM bình luận: “Đầu tư là quyền của người có tiền. Tôi không hiểu tại sao nhà đầu tư tư nhân lại phải xin giấy phép đầu tư đối với mọi dự án không có nguồn vốn nhà nước, không vi phạm đến các quy định về quy hoạch, môi trường...”. Ông Tiền đề nghị phải có quy định rõ ràng dự án nào phải xin cấp phép đầu tư, dự án nào không... “Chúng tôi đã từng chứng kiến một công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải làm tới 12 bộ hồ sơ, mỗi bộ nặng 12kg và phải chở bằng ô tô để đi làm thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư. Nếu có vướng mắc gì, dù nhỏ, nhà đầu tư sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí”, ông Tiền nói.

Hiện tại, quy định về cấp phép đầu tư chỉ áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài và đó cũng được coi là giấy đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong dự thảo lần thứ 8, mặc dù việc cấp giấy phép được đề nghị áp dụng cho cả các dự án của nhà đầu tư trong nước song lại không trả lời được câu hỏi giấy phép này có phải là giấy đăng ký kinh doanh hay không? Ông Nguyễn Võ Liễu, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thắc mắc: khi đầu tư mua ô tô về kinh doanh vận tải, các DN vận tải có phải lập dự án để xin phép hay không. “Nếu hoạt động đầu tư nào cũng phải xin phép thì DN vận tải ô tô chỉ đủ tiền để đi... xin phép”, ông Liễu nhận xét. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh thủ tục đầu tư chỉ do những điều khoản quy định tại Dự thảo không rõ ràng, không giúp cho nhà đầu tư hiểu được họ cần phải làm gì khi thực hiện một hoạt động đầu tư.

Thêm vào đó, theo nhiều DN, do không ít thuật ngữ được sử dụng không được định nghĩa hoặc giải thích rõ, nên nhiều quy định trong Dự thảo trở nên rất khó hiểu. Ông Trần Bình An, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển thị trường thắc mắc về việc phân loại dự án thông thường và không thông thường. Sự không rõ ràng này cũng khiến ông Vũ Ngọc Phương, Tổng giám đốc Công tư TNHH Đầu tư xây dựng thương mại thắc mắc về việc tại sao lại phải Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư bằng văn bản đối với các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn trong nước. “Thủ tục như thế nào, trình bằng cách nào lên Thủ tướng Chính phủ để xin phép đầu tư?”- ông Phương đặt câu hỏi và đánh giá, đây cũng là “một rào cản đầu tư”.
Tương tự, trong thẩm tra cũng cần quy định rõ loại dự án. Theo các DN, nếu bất cứ dự án nào cũng phải thẩm tra thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Ông Bình An cho biết, do Dự án Sản xuất sơn bột tính điện bị thẩm tra đến 6 tháng, nên DN của ông buộc phải làm chui. “Chúng tôi không thể chờ được và đành phải vi phạm quy định vì thị trường yêu cầu, khách hàng đòi hỏi. Cách quy định không thực tế sẽ khiến DN buộc phải “nói dối”, ông An khẳng định...

Rõ ràng, Ban soạn thảo sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể hoàn thiện một cách tốt nhất Dự thảo Luật Đầu tư cho dù đến ngày 20/5/2005, dự luật sẽ được đồng thời trình Thủ tuớng Chính phủ và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng ban soạn thảo, tuy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận, song mục tiêu chính mà Ban soạn thảo đặt ra vẫn là tạo sự minh bạch trong hoạt động đầu tư; các nhà đầu tư có quyền được thông tin, tiếp cận nguồn vốn như nhau, phải giảm bớt các thủ tục đầu tư... “Nếu không đạt được mục đích là thủ tục đầu tư đơn giản, dễ hiểu, chấm dứt cơ chế xin - cho... thì cũng đỗng nghĩa với việc tạo thêm những rào cản trong đầu tư”, ông Dũng thừa nhận.

Theo Đầu tư

Các văn bản liên quan