Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Bỏ hay không

Thứ Sáu 13:31 26-05-2006
Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Nên bỏ hay không

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Ngày 18/5/2005

Đây là chủ để được đưa ra bàn thảo và chưa có kết luận thống nhất tại hội thảo toàn quốc về đánh giá tác động của giấy chứng nhận (GCN) ưu đãi đầu tư và việc thực thi Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước, do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua. Phần lớn các ý kiến đều đồng ý việc bỏ hay không Giấy chứng nhận ưu đãi đầu trước tiên phải xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp, vì vậy cần phải tham khảo rộng rãi ý kiến các doanh nghiệp trước khi quyết định.

Theo ông Vũ Xuân Thuyên - chuyên viên cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây không phải là lần đầu tiên mà vấn đề bỏ hay không đã được đưa ra bàn thảo từ năm 2001. Trong cuộc lấy ý kiến rộng rãi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp GCN ưu đãi đầu tư năm 2002 cho thấy có 25/49 đề nghị bỏ, 22/49 đề nghị giữ nguyên, số còn lại lưỡng lự hoặc không có ý kiến. Còn cuộc lấy ý kiến gần đây nhất, năm 2004, thì có 11/37 cơ sở đề nghị bỏ, 18/37 đề nghị giữ, 5/37 lưỡng lự và 3/37 không có ý kiến. Đối với cơ quan quản lý ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì chưa có ý kiến ngoài một số tham luận tại một vài hội thảo mà GCN ưu đãi đầu tư không phải là vấn đề chính có đề cập đến vấn đề này. Việc bỏ hay không cũng chưa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong giới doanh nghiệp. Ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, người có quan điểm nên bỏ cho rằng ý kiến từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan cấp GCN ưu đãi đầu tư sẽ khó cho kết quả khách quan.


Cấp GCN ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp có lợi

Tại cuộc hội thảo các ý kiến ủng hộ quan điểm giữ nguyên cho rằng, GCN ưu đãi đầu tư không phải là giấy phép mà là giấy xác nhận và thủ tục cấp giấy này không khó khăn với nhà đầu tư. Giấy này giúp các doanh nghiệp làm các thủ tục ưu đãi dễ dàng hơn. Đây là cơ sở để các cơ quan chấp hành như thuế, hải quan, địa chính, Quỹ hỗ trợ phát triển thực hiện nghiêm túc trong việc giải quyết ưu đãi cho nhà đầu tư. Giấy này cũng bảo đảm cho doanh nghiệp không bị hồi tố khi luật lệ, chính sách thay đổi. Ngoài ra, GCN ưu đãi còn là phương tiện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến khích đầu tư trong phạm vi địa phương, là cơ sở để theo dõi, kiểm tra việc chấp hành thực hiện ưu đãi của các cơ quan liên quan. GCN ưu đãi sẽ giúp các doanh nghiệp đơn giản quá trình tiếp cận các ưu đãi. Họ chỉ phải đến một cửa là Sở Kế hoạch và Đầu tư thay vì phải đến rất nhiều cơ quan như hải quan, thuế, địa chính, Quỹ Hỗ trợ phát triển...

Quan điểm của người có ý kiến nên giữ có vẻ muốn nhấn mạnh đến ích lợi của GCN ưu đãi đối với nhà đầu tư trước khi coi đây là một thủ tục rườm rà. Theo họ không phải bất cứ thủ tục nào hay giấy tờ nào cũng mang lại sự phiền hà, có những thủ tục hay giấy tờ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp phải mất chút ít thời gian và công sức để có nó.

Bùa không thiêng, để làm gì?

Trái với quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Dân - Giám đốc DANATOL - là một trong 3 đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh hưởng ưu đãi đầu tư của tp. Đà Nẵng cho đến nay, việc có được GCN ưu đãi là không dễ dàng, sau khi có GCN ưu đãi muốn được hưởng ưu đãi cũng là việc đầy khó khăn. Lợi ích từ ưu đãi nhiều khi không bù lại được tốn kém thời gian, công sức và cả tiền bạc để có được ưu đãi. Theo ông Dân, GCN chỉ là "lá bùa" mà "thiêng" hay không còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, ông Dân còn nhiều lưỡng lự, đề nghị bỏ nhưng không phải tức khắc mà có thể phải kéo dài thêm một thời gian nữa.

Cùng quan điểm với ông Dân, ông Nguyễn Diễn - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, đây là loại giấy tờ hoàn toàn không cần thiết. Ông Diễn lấy ví dụ khu du lịch 5 sao Hòn Tre, Nha Trang được UNBD tỉnh Khánh Hoà cấp GCN ưu đãi miễn thuế nhập khẩu là đúng luật khuyến khích, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến nhưng Hải quan vẫn yêu cầu truy thu 12 tỷ đồng tiền thuế. Nếu GCN ưu đãi chỉ là thứ bùa không thiêng, các cơ quan liên quan muốn thực hiện hay không cũng được thì để làm gì? Ông Diễn nói, tình trạng này sẽ rất xấu là nếu các cơ quan muốn làm thì GCN ưu đãi sẽ là tấm giấy "bảo kê' để thoát trách nhiệm khi có việc gì sai trái. Còn nếu không muốn thì dẫu có GCN ưu đãi các doanh nghiệp cũng phải "xin" ưu đãi của các cơ quan này như là không có giấy mà thôi. Từ điểm then chốt ấy, ông Diễn không đồng ý các lập luận về ích lợi của GCN ưu đãi và cho rằng Nhà nước hoàn toàn có thể làm được những điểm cho là lợi ích bằng các biện pháp khác mà không cần dựa vào Giấy ưu đãi đầu tư, một lá bùa mà các cơ quan muốn thì "thiêng", không muốn thì "thăng".

Lửng lơ giữa dòng - chờ ý kiến doanh nghiệp

Nhìn chung các ý kiến tranh luận việc bỏ hay không GCN ưu đãi vẫn chưa ngã ngũ. Theo ông Vũ Xuân Thuyên, việc minh bạch và công khai hoá các chính sách sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, và một khi chính sách được hoàn thiện thì có thể xem xét bỏ GCN ưu đãi đầu tư. Trước mắt, theo ông Thuyên, việc bỏ hay không trước tiên xuất phát từ lợi ích của các nhà đầu tư nên cần phải tham khảo ý kiến doanh nghiệp nếu cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sẽ khó khách quan. Theo Phó Giám đốc Sở KH - ĐT Đồng Nai thì cơ quan này đã tổ chức lấy ý kiến, có nhiều doanh nghiệp cho rằng nên giữ, nhưng bà cảm nhận họ nói vậy là do sợ mếch lòng vì Sở KH ĐT là cơ quan cấp giấy, trong thâm tâm doanh nghiệp có khi họ nghĩ khác.

NGUYỄN ĐÔNG

Các văn bản liên quan