Quyền tiếp cận thông tin của dân: Khó bằng trời cũng phải bảo đảm!

Chủ Nhật 03:29 28-06-2009
Đồng thời phải ngăn ngừa việc đòi hỏi cung cấp thông tin vô lối, vu vơ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước.

“Từ Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược lập pháp đến năm 2020, Nghị quyết Trung ương 3 về phòng chống tham nhũng, đề án về chiến lược phòng chống tham nhũng, Đảng đều đề cập tới việc phải nghiên cứu, xây dựng một luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Tiếp cận thông tin dù khó khăn thế nào cũng phải khẳng định được cam kết chính trị đó với tính chất như một bộ phận thực thi quyền con người”.

Ý kiến trên của TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đã nhận được sự đồng tình của các thành viên ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin trong buổi họp chiều 28-4.

Dân chẳng biết hỏi ai

Khảo sát do Bộ Tư pháp chủ trì tiến hành mới đây cho thấy các quy định về công khai, minh bạch ở Việt Nam không thiếu. Gần như luật nào cũng có một vài điều liệt kê các loại thông tin mà cơ quan nhà nước, tổ chức sử dụng ngân sách có trách nhiệm chủ động công khai, minh bạch. Còn chiều ngược lại - thực hiện yêu cầu của người dân về cung cấp thông tin thì còn thiếu vắng cơ chế giám sát.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, thành viên tổ biên tập dự luật, cho biết người dân muốn hỏi thông tin chẳng biết ai có trách nhiệm trả lời; hoặc gửi được câu hỏi nhưng cơ quan, tổ chức đó có trả lời hay không chẳng có cơ chế gì ràng buộc. Bà nói: “Ngay cả cơ quan nhà nước nhiều khi cũng lúng túng. Ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều cơ quan thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm nói họ phát hiện doanh nghiệp vi phạm, muốn công bố cho dân biết lắm mà chả biết có được phép không. Thế là họ dừng lại ở mức công bố cho doanh nghiệp đó biết để nộp phạt và báo cáo lên cho UBND”.

Đến báo chí cũng trầy vi tróc vẩy

Từ kinh nghiệm quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn lo ngại rằng thực tế các cơ quan báo chí đều là cơ quan nhà nước, của Đảng cả mà tiếp cận thông tin còn khó. Tới đây đặt ra cả quyền tiếp cận thông tin cho từng người dân, liệu có làm được không? “Chưa biết luật về quyền thông tin thế nào chứ bàn việc sửa đổi Luật Báo chí thôi, ra Chính phủ đã mỗi người một ý. Người thì kêu quyền tự do báo chí như hiện hành rộng quá, phải siết lại! Người khác lại muốn nới rộng ra” - ông Doãn cung cấp thêm.

Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, cho rằng tiếp cận thông tin là quyền cơ bản. Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân thì quyền cơ bản đó dù khó khăn thế nào cũng phải tìm cơ chế bảo đảm thực hiện. “Tất nhiên phải cân đối lợi ích với chi phí, mục tiêu với khả năng của nhà nước, phù hợp với trình độ phát triển dân chủ. Làm sao để người dân nào thực sự có nhu cầu thông tin thì được đáp ứng thuận lợi, đầy đủ, đồng thời ngăn ngừa việc đòi hỏi cung cấp thông tin vô lối, vu vơ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước” - ông Cường nhấn mạnh.

Không được tùy tiện từ chối cung cấp

Vì vậy, ông Cường đồng ý với hướng tiếp cận của tổ biên tập dự án luật là trước mắt liệt kê những nhóm thông tin đã được các luật khác quy định phải công khai, minh bạch. Kèm theo đó, thiết kế cơ chế giám sát thực hiện, chẳng hạn để Quốc hội giao cho một cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin. Cơ quan đó có thể là Ủy ban Dân nguyện - vốn có chức năng, nhiệm vụ khá gần gũi với các vấn đề quyền công dân.

Dự luật cũng phải thể hiện như một luật chung với đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu được tiếp cận thông tin của người dân. Giới hạn những trường hợp cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách được từ chối thông tin, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc bố trí đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin. Đặc biệt, dự luật phải có chế tài do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, bồi thường thiệt hại do việc từ chối cung cấp thông tin, cung cấp muộn hoặc thông tin sai lệch... Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng cần bổ sung vào dự luật các quy định về trách nhiệm người đứng đầu cũng như vấn đề kinh phí, nhân lực giải quyết quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

Được biết, theo kế hoạch, tháng 6 tới dự án Luật Tiếp cận thông tin phải báo cáo Chính phủ. Và với tính chất quan trọng, nhạy cảm, dự luật này có thể sẽ trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Dân được biết cả chuyện Thủ tướng tiêu tiền

Theo kinh nghiệm của các quốc gia Bắc Âu có truyền thống về công khai, minh bạch và có nền dân chủ phát triển ở trình độ cao thì cần phải có một luật xây dựng theo nguyên tắc “Dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Luật như vậy chỉ liệt kê các loại thông tin thuộc loại an ninh quốc gia, cấm hoặc hạn chế công khai vì lợi ích công cộng. Các thông tin còn lại người dân có quyền tiếp cận hết kể cả việc chi tiêu, mua hàng của thủ tướng, bộ trưởng... Kèm theo đó là cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng thông qua một cơ quan độc lập của Quốc hội. Người dân, nhất là giới truyền thông, nếu gặp trở ngại trong tiếp cận thông tin có quyền khiếu nại lên cơ quan giám sát này, cũng như kiện ra tòa.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP HCM

Các văn bản liên quan