Để quyền tiếp cận thông tin thành hiện thực

Chủ Nhật 03:30 28-06-2009
Quyền tự do thông tin là một trong những quyền tự do cơ bản. Và quyền tiếp cận thông tin là một phần cấu thành quan trọng của quyền tự do thông tin nói trên. Cố gắng xây dựng dự án Luật tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp tiến hành, vì vậy một mặt góp phần bảo đảm quyền cho người dân, mặt khác phát huy bản chất pháp quyền của Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng.

Nhà nước pháp quyền được sinh ra để bảo vệ các quyền của người dân. Các quyền này bao gồm quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền xã hội.

Ngoại trừ quyền xã hội, các quyền tự do và quyền bình đẳng đều được coi là những quyền tự nhiên và đương nhiên. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” - bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào trong ngày thành lập nước VN mới hơn 60 năm về trước đã long trọng khẳng định các quyền trên.

Tuy nhiên, dự luật chỉ có thể được thiết kế mạch lạc nếu như nó thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân, chứ không phải việc tiếp cận thông tin đơn thuần. Việc thứ nhất là việc pháp lý, việc thứ hai là việc kỹ thuật. Thế nhưng, tên dự Luật tiếp cận thông tin rất dễ dẫn dắt các nhà soạn thảo đi theo hướng thứ hai.

Nếu tiếp cận thông tin là một quyền thì các điều kiện để người dân thực thi quyền đó là quan trọng nhất. Như vậy trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc tổ chức và cung cấp thông tin phải được quy định rõ. Ngoại trừ những thông tin thuộc bí mật quốc gia, mọi loại thông tin khác đều phải cung cấp cho người dân khi người dân có yêu cầu. Các cơ quan đều phải có bộ phận làm nhiệm vụ cung cấp thông tin; có địa chỉ, có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại để người dân có thể hỏi và được trả lời. Xây dựng mô hình chính phủ điện tử cũng là một cách hết sức hiệu quả để cung cấp thông tin cho người dân. Ngoài ra, các bộ ngành cần có người phát ngôn của mình. Các quyết định đều không chỉ được thông báo mà còn được giải trình (đặc biệt là giải trình cho các cơ quan báo chí).

Nếu tiếp cận thông tin là một quyền thì cơ chế để người dân bảo vệ quyền này của mình là rất quan trọng. Thủ tục để người dân kiện ra tòa án khi quyền này của mình bị xâm phạm phải được quy định rõ ràng và phải dễ thực hiện. Hệ thống cơ quan xét xử cũng phải được tăng cường năng lực để làm chỗ dựa cho người dân trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ  điện tử

Các văn bản liên quan