Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay

Thứ Sáu 15:50 26-05-2006
Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay

Thông tấn xã VN

Hà Nội (TTXVN) - Chiều 30/5, Quốc hội bắt đầu thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ. TTXVN trích đăng ý kiến của TS. Hồ Đức Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

TS. Hồ Đức Việt cho biết: “Những quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã có ở Việt Nam từ đầu những năm 80 (Ðiều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và sáng chế 1981, Ðiều lệ về nhãn hiệu hàng hóa 1982, Ðiều lệ về kiểu dáng công nghiệp 1988, v,v.), nhưng chỉ từ sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (1995), chúng ta mới có những quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mang đầy đủ hiệu lực pháp lý. Phần 6 Bộ luật Dân sự (Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ) với 61 điều thừa nhận quyền dân sự đối với các thành quả trí tuệ là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

“Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự, Nhà nước đã ban hành khoảng 40 văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các quy định về sở hữu trí tuệ. Các luật ra đời sau Bộ luật Dân sự (Luật Khoa học và công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản v,v.) đều có một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
“Cho đến nay, hầu hết các dạng tài sản trí tuệ đều đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận là đối tượng của quyền sở hữu và được Nhà nước bảo hộ. Về quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về sở hữu trí tuệ, gồm Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước Bơn về bản quyền tác giả, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Hiệp ước Hợp tác bằng sáng chế - PCT và Công ước Stockholm về thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).

“Nước ta cũng đã cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tại thời điểm gia nhập tổ chức này, mọi nghĩa vụ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định trong Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) sẽ được Việt Nam thực hiện ngay mà không cần thời gian chuyển tiếp.
"Ðồng thời, theo Hiệp định TRIPS, Việt Nam có nghĩa vụ phải tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về sở hữu trí tuệ như Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống lại sự sao chép trái phép (1971), Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát thanh, truyền hình (1961), Công ước Brussels về phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa (1974) và Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới (văn kiện 1991).

“Có thể nói, đến thời điểm này, pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn về tính đầy đủ theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế quan trọng khác về sở hữu trí tuệ. Ngoại trừ tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hóa chưa được bảo hộ, pháp luật Việt Nam đã quy định về các đối tượng bảo hộ, quyền, thời hạn được hưởng quyền, cơ chế bảo hộ phù hợp với chuẩn mực của các điều ước quốc tế.

“Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ của nước ta còn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả. Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài dân sự, hành chính, hình sự còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo” ...
Theo TS. Hồ Đức Việt, để nâng cao hiệu lực và hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ. Trong Luật, cần xác định cơ quan làm đầu mối phối hợp, đồng thời tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ với nhau và giữa các cơ quan thực thi với chủ sở hữu quyền; nâng cao vai trò của Toà án trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức của xã hội đối với quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích các dịch vụ về sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng của hoạt động này.

Ông Việt nói: “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực mới mẻ đối với nước ta. Ðể tăng cường hiệu quả của công việc mới mẻ này, tránh những rủi ro có thể xảy ra do thiếu kinh nghiệm làm việc với các đối tác, chúng ta cần vừa phát huy cao độ nội lực vừa tích cực học hỏi kinh nghiệm hay của các nước phát triển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tranh thủ sự trợ giúp quốc tế trong việc đào tạo cán bộ; tăng cường năng lực thông tin cho các cơ quan thực thi; nghiên cứu khả năng ký kết các Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với một số nước, nhất là các nước láng giềng”./.

Các văn bản liên quan