Ý kiến của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Sáu 15:49 26-05-2006
Góp ý Bộ Luật Thương mại (sửa đổi)

Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Việt nam xin có ý kiến như sau về Dự thảo 8 Luật thương mại sửa đổi:

Bộ luật sửa đổi lần này đã thể hiện đường lối mở cửa và hội nhập quốc tế của Chính phủ Việt Nm đồng thời tạo ra khung pháp lý cho thương nhân, người tiêu dùng và hoạt động thương mại. Tuy nhiên cần bổ sung thêm một số vấn đề sau.

1. Tại Điều 14: Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cần bổ sung thêm: Người cung cấp sản phẩm dịch vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm dịch vụ của mình nếu làm phương hại đến sức khoẻ, tính mạng tài sản của người tiêu dùng.

2. Cả mục 3 Chương những quy định chung:
- Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam gồm Công ty (liên doanh, 100% vốn nước ngoài), chi nhánh, văn phòng đại diện đã được đề cập trong Luật Đầu tư nước ngoài (cũng như thương nhân Việt nam quy định trong Luật doanh nghiệp). Vì vậy, phần này chỉ đề cập đến quyền hạn nghĩa vụ của họ trong hoạt động thương mại, lược bỏ các phần luật khác đã quy định. Riêng quy định Văn phòng đại diện có thể nhận uỷ quyền để ký kết hợp đồng sẽ trái với luật hiện hành và dẫn đến không không cần lập chi nhánh công ty để trốn nộp thuế (nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước Việt Nam).

- Cần mở thêm 2 hoạt động mà Hiệp định thương mại Việt Mỹ đã cam kết là hiện diện thể nhân và cung cấp ngoài biên giới.

3. Mục 1: Các quy định chung đối với hoạt động mua bán hàng hoá; Chương mua bán hàng hoá

- Cần có Điều trên Điều 27 quy định về tiêu chuẩn hàng hoá dịch vụ được mua bán tại Việt nam đảm bảo lợi ích người tiêu dùng (thấp hơn tiêu chuẩn đã đăng ký, hoặc thấp hơn tiêu chuẩn Việt nam, quá hạn sử dụng, cảnh báo về độc hại phụ gây ra khi sử dụng sản phẩm);
- Cần có thêm điều quy định với chuyển nhượng sử dụng hàng hoá như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê nhà xưởng căn hộ, chuyển nhượng quyền sử hàng hoá, chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, bằng phát minh sáng chế, bí quyết kỹ thuật....
- Cần có thêm điều kiện mua hàng trả góp.

4. Mục 2: Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá
- Thứ nhất cần nhấn mạnh Luật tôn trọng quyền và nghĩa vụ các bên đã được thoả thuận trong hợp đồng mua bán hàng hoá nếu không trái với luật pháp hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

- Thứ hai là luật chỉ điều chỉnh những quy phạm mà hợp đồng 2 bên đã ký kết không được đề cập đến dễ gây tranh chấp. Vì vậy, cần phải điểm lại các yếu tố có thể đề cập đến trọng một hợp đồng mua bán hàng hoá như tên, địa chỉ người mua người bán, mô tả hàng hoá và tài liệu đính kèm, số lượng, trọng lượng, bao bì đóng gói, ký kã hiệu, thời hạn và địa điểm giao hàng, phương thức giao nhận vận chuyển, giá cả, số tiền thời gian địa điểm thanh toán, bảo hiểm bảo hiểm, tố tụng khiếu nại...Có như vậy mới dễ dàng xét xử khi tranh chấp xảy ra.

- Thứ ba là cần quy định những quy phạm theo hướng có lợi cho người tiêu dùng cho người mua nếu người bán không đề cập đến các yếu tố nói trên vào hợp đồng mua bán hàng hoá. Ví dụ: địa điểm giao hàng nếu không đề cập rõ trong hợp đồng thì địa điểm giao hàng phải là địa điểm tập kết hàng, nơi phân phối hàng, nơi sản xuất hoặc nơi cư trú của người mua hàng.

- Thứ tư là nên đề cập phần thời điểm chuyển giao quyền sở hữu và rủi ro với hàng hoá được mua bán thành 2 phần liền kề nhau để người mua và người bán thấy rõ phần trách nhiệm của mình khi bị đe doạ mất quyền sở hữu hay rủi ro tổn thất ập đến (thiên tai địch hoạ...)

5. Chương III Cung ứng dịch vụ Mục 2 Quyền và nghĩa vụ của các bên

- Điều 75 nghĩa vụ của các bên cung ứng dịch vụ: Cần bổ sung thêm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do việc cung ứng dịch vụ sau hoặc yếu kém gây nên như tiêm nhầm thuốc, gội đầu rụng tóc, mỹ viện gây hậu quả... uống thuốc đến hàng chục năm sau mới phát hiện hậu quả

- Trách nhiệm phát sinh do hậu quả của ngừng cung cấp dịch vụ: mất sóng điện thoại, mất điện, mất nước,....

6. Các mục: Uỷ thác bán hàng hoá, đại lý thương mại, gia công thương mại, đấu giá hàng hoá, logistics, quá cảnh, trưng bày giới thiệu, hội chợ triển lãm, cho thuê hoàng hoá cần có phần nói rõ thêm về quyền sở hữu hàng hoá, trách nhiệm đối với rủi ro xảy ra đối với hàng hoà như bị cháy, nổ, mất trộm mất cắp, lụt bão...khi những tổ chức cá nhân nhận hàng hoá tài sản để thực hiện các hoạt động thương mại trên.

7. Chương V Chế tài và giải quyết tranh chấp
Bổ sung thêm chế tài có quyền phong toả tài khoản, cầm giữ, câu thúc, câu lưu tài sản để bắt buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại (thường xảy ra trong xuất nhập khẩu giữ hàng và tàu nước ngoài).

8. Về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm:
Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã quy định việc tổ chức thành lập và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có đặc thù riêng nên tuân thủ theo Luật chuyên ngành.

Điều 4 Nghị định 42/CP Hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm quy định các tổ chức cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm tại:
- Các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt nam
- Mua bảo hiểm tại nước ngoài khi các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam không có sản phẩm bảo hiểm đó hoặc các điều ước quốc tế Việt nam đã tham gia quy định.

Rất tiếc là một khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đã mua tại nước ngoài mà đến nay chúng ta chưa có biện pháp nào xử lý.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bảo hiểm Việt nam đối với Luật Thương mại sửa đổi, xin gửi tới Ban pháp chế của Phòng TM & CN Việt nam.

Các văn bản liên quan