Quyền của người tiêu dùng theo hệ thống pháp luật hiện hành

Thứ Bảy 21:47 14-03-2009

Theo quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD, NTD được hiểu là “người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức” và có các quyền chính như sau:

- Quyền lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; được cung cấp các thông tin trung thực về chất lượng, giá cả, phương pháp sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ và môi trường khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được hướng dẫn những hiểu biết cần thiết về tiêu dùng.

- Quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật.

- Quyền đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.

- Quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, dịch vụ thuộc nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường và các hàng hoá, dịch vụ khác đã đăng ký, công bố.

- Quyền được thành lập tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. NTD trực tiếp hoặc thông qua đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về cơ bản, những quyền được quy định tại Pháp lệnh là phù hợp với 8 quyền mà Liên hợp quốc, cộng động quốc tế và chính phủ nhiều nước thừa nhận, bao gồm:

- Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản

- Quyền được an toàn

- Quyền được thông tin

- Quyền được lựa chọn

- Quyền được lắng nghe

- Quyền được khiếu nại và bồi thường

- Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng

- Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững

Trách nhiệm của người tiêu dùng

 - Trách nhiệm tự bảo vệ mình trong việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ; thực hiện đúng hướng dẫn về phương pháp sử dụng hàng hoá, dịch vụ; không được tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ gây tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục, gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình và cộng đồng.

- Trách nhiệm phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá, giá cả và các hành vi lừa dối khác của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, gây thiệt hại cho mình và cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan