Giới thiệu hệ thống Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng

Thứ Bảy 21:45 14-03-2009

Bảo vệ quyền lợi NTD là một trong những nhiệm vụ của quản lý nhà nước và là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại càng gia tăng thì càng nảy sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi NTD.

Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 1999, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (>>Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/04/1999).

Ngày 02/10/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD, theo đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.

Từ năm 2004, tại Nghị định số 29/2004/NĐ-CP, Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD còn được đề cập ở các mức độ khác nhau tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Dân sự (2005), Bộ luật Hình sự (2000), Luật Thương mại (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (2006), Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (2005), Pháp lệnh Chất lượng sản phẩm (1999), Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (2003), Pháp lệnh Quảng cáo (2001), v.v…

Cơ quan, tổ chức về bảo vệ NTD

* Cơ quan quản lý nhà nước

- Bộ Thương mại là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện chức năng này trong phạm vi cả nước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh về bảo vệ quyền lợi NTD được quy định tại Nghị định của Chính phủ số 06/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006.

Ban Bảo vệ NTD thuộc Cục Quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể quy định tại Quyết định số 27/2006/QĐ-BTM ngày 28/08/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Cục Quản lý cạnh tranh.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương. Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lịch là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng này trên địa bàn tỉnh (>>Thông tư Liên tịch Bộ Thương mại và Bộ Nội vụ số 08/2005/TTLT/BTM-BNV).

- Các cơ quan quản lý chuyên ngành

Bên cạnh các cơ quan nêu trên, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD còn bao gồm các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Giao thông vận tải, v.v…

* Tổ chức phi chính phủ

Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hóa, đo lường, chất lượng và bảo vệ NTD Việt Nam gọi tắt là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (tên giao dịch: VINASTAS) là tổ chức phi chính phủ thực hiện vai trò bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định của pháp luật. Hiện nay, VINASTAS có tổng cộng 27 Hội Bảo vệ NTD thành viên ở 27 tỉnh, thành trên cả nước. Hội Bảo vệ NTD ở các tỉnh, thành phố do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định công nhận và trở thành thành viên của VINASTAS khi được sự chấp thuận của VINASTAS.

Công tác bảo vệ NTD bên cạnh sự chủ động phối hợp, thực hiện của các cơ quan, tổ chức nêu trên còn cần sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng cũng như chính bản thân NTD.

Các văn bản liên quan