Quy định chung (Mục 5 Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ DS)

Thứ Sáu 15:37 26-05-2006
Ý kiến bình luận của các chuyên gia tư vấn pháp lý Dự án STAR Việt Nam (Support for Trade Acceleration Project) về các quy định của Mục 5 Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (ý kiến bình luận trên cơ sở Dự thảo 10 Bộ Luật dân sự sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo BLDS) - Bản trình Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, khoá XI.

Báo Pháp luật

1. Về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 324 bổ sung)

Khoản 1 Điều 324 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm các giao dịch bảo đảm (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, bảo lưu quyền sở hữu), đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, phạt vi phạm.

Bình luận:
Chúng tôi cho rằng không nên quy định tập trung các biện pháp bảo đảm vào một khoản mà phải tách riêng thành hai khoản cho hai biện pháp bảo đảm: Một là biện pháp bảo đảm không hình thành nên việc bảo đảm bằng tài sản (đặt cọc), hai là các biện pháp bảo đảm hình thành nên việc bảo đảm bằng tài sản (các biện pháp bảo đảm còn lại).

Về biện pháp phạt vi phạm, chúng tôi cho rằng các quy định về phạt vi phạm đã được nêu trong Phần III, vì thế không cần thiết đưa vào Mục 5. Nếu đưa vào mục này vấn đề vi phạm thì không nên quy định các quy tắc về các biện pháp chế tài ở Phần III.

Chúng tôi ủng hộ việc bổ sung một khoản quy định nguyên tắc quan trọng là các bên cần được tự do thoả thuận các giao dịch dân sự vào Điều 324.

2. Về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 325 sửa đổi, bổ sung)

Khoản 2 Điều 325 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) bổ sung quy định: "các bên được thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện".

Bình luận:
Quy định này cho phép các bên mở rộng khả năng sử dụng tối đa tài sản của mình để vay vốn trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

3. Về vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 326 bổ sung)

Khoản 1 Điều 326 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) quy định: vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thuộc quyền sở hữu hoặc quyền định đoạt của người bảo đảm hoặc thuộc quyền sở hữu của người thứ ba, nếu người thứ ba thoả thuận với bên có quyền về việc dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ".

Bình luận:

Chúng tôi đồng ý với quy định của pháp luật cho phép các bên có liên quan thảo thuận về quyền sở hữu đối với tài sản sẽ được dùng làm biện pháp bảo đảm. Ví dụ, một biện pháp bảo đảm bằng tài sản có thể được tạo lập đối với tài sản cho thuê nếu biện pháp đó không vi phạm các điều khoản hợp đồng cho thuê. Ngoài ra, vì tài sản được tạo lập hoặc có được trong tương lai có thể được sử dụng để bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này, khoản 1 nên làm rõ là tài sản không cần phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm cho đến khi xử lý bằng tài sản bảo đảm.

Khoản 2 Điều 326 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) quy định: "vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết".

Bình luận:
Chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ việc sửa đổi đối với khoản 2 Điều này vì nó làm rõ được vấn đề là tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm trong tương lai có thể được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ theo Bộ Luật dân sự cũng như tài sản mà bên bảo đảm sở hữu vào thời điểm đưa ra biện pháp bảo đảm bằng tài sản cho bên nhận bảo đảm. Đồng thời, quy định này cho phép bên bảo đảm thoả thuận một biện pháp bảo đảm đối với tài sản sẽ thuộc sở hữu của mình trong tương lai dù hiện đã tồn tại hoặc chưa tồn tại nhưng sẽ được hình thành trong tương lai. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong pháp luật dân sự của Việt Nam trong vấn đề cho vay vốn.

4. Về việc sử dụng tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 327 sửa đổi)

Điều 327 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) quy định: "Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và các giấy tờ khác trị giá được bằng tiền được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ"

Bình luận:

Chúng tôi cho rằng các biện pháp bảo đảm có thể được tạo lập đối với chứng từ nếu những chứng từ này xác nhận quyền. Tuy nhiên chúng ta không thể tạo lập các biện pháp bảo đảm đối với chứng từ như hợp đồng bằng văn bản vì nó chỉ là chứng từ của một quyền.

5. Về quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Điều 328 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) quy định: "Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp; quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng hoặc từ căn cứ pháp lý khác thuộc sở hữu của người bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ".

Bình luận:

Tính cần thiết của quyền sở hữu đã được quy định tại Điều 326. Đó không phải là một khái niệm đơn giản vì nó bao gồm quyền sở hữu trong tương lai và cũng phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên. Việc quy định quyền tài sản dùng để bảo đảm phải "thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm" tại khoản 1 Điều 328 đã bổ sung một yêu cầu chặt chẽ hơn những gì đã được quy định tại Điều 326 về cho phép các bên sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để bảo đảm. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sửa bỏ cách diễn đạt "thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm" tại Điều 328.

Khoản 2 Điều 328 Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) quy định: "Quyền tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc sở hữu của người thứ ba cũng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, nếu người thứ ba thoả thuận với bên có quyền về việc dùng quyền tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ"

Bình luận:

Nên bỏ khoản 2 Điều này vì nó lặp lại những gì đã được nêu tại khoản 3 Điều 326.

6. Về thứ tự ưu tiên thanh toán (Điều 328b mới)

Bình luận:

Chúng tôi cho rằng cần thiết bổ sung vào Điều 328b Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) những nội dung sau:

1. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký, thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký. Trong trường hợp có thoả thuận giữa các bên thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm sẽ dành cho toàn bộ nghĩa vụ của bên bảo đảm đối với bên được bảo đảm, cho dù nghĩa vụ đó được hình thành ở thời điểm nào.

2. Trong trường hợp tài sản bảo đảm được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm hoặc người thứ ba giữ, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thời điểm chuyển giao; nếu giao dịch bảo đảm được đăng ký trước khi chuyển giao tài sản bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán được tính theo thời điểm đăng ký; nếu đăng ký sau khi chuyển giao tài sản, thì thứ tự ưu tiên thanh toán được tính theo thời điểm chuyển giao; tuy nhiên với điều kiện là, đối với tài sản được mô tả trong Điều 327, bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản sẽ luôn được ưu tiên so với các biện pháp bảo đảm đã được đăng ký trước đó liên quan tới cùng một tài sản.

3. Biện pháp bảo đảm bằng tài sản dựa vào việc bảo lưu quyền sở hữu được ưu tiên hơn tất cả các biện pháp bảo đảm khác đối với cùng một tài sản nếu bên nhận bảo đảm đăng ký biện pháp bảo đảm đó trong vòng mười ngày kể từ ngày bên bảo đảm (bên mua) chiếm hữu tài sản.

4. Trừ khi các bên nhận bảo đảm có thoả thuận khác, trong trường hợp có từ hai bên nhận bảo đảm trở lên, bên có quyền ưu tiên cao nhất có thời gian dựa vào việc chiếm hữu hoặc đăng ký sẽ có quyền được hoàn trả tất cả các nghĩa vụ còn nợ bên đó trước khi bên nhận bảo đảm có quyền ưu tiên tiếp theo có thể được hoàn trả nghĩa vụ nợ mình. Sau đó, bên nhận bảo đảm thứ hai có quyền được hoàn trả tất cả các nghĩa vụ còn nợ bên đó và tiếp tục cho tới khi khoản nợ của tất cả các bên thoả mãn hoặc tài sản bảo đảm đã hết. Tuy nhiên, với điều kiện trong trường hợp các chứng từ có khả năng chuyển nhượng theo quy định tại Điều 327, cầm cố có quyền ưu tiên cao hơn một biện pháp bảo đảm được đăng ký trước đối với cùng một tài sản".


Cần phải bổ sung thêm một số quy định nêu trên vì một số lý do sau:
1. Việc quy định về việc ưu tiên đối với mọi nghĩa vụ được bảo đảm bằng một tài sản bất kể thời gian hình thành nghĩa vụ là một việc làm quan trọng.

2. Cần quy định các nguyên tắc đặc biệt áp dụng đối với người bán hàng trong trường hợp người đó vẫn nắm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán để đảm bảo việc thanh toán của người mua. Thông thường quyền ưu tiên dựa vào thời điểm biện pháp bảo đảm bằng tài sản được đăng ký hoặc chuyển giao theo quy định trong khoản 1 và 2 trên đây. Tuy nhiên, hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường đều quy định một ngoại lệ đối với quy định này trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu: Khi bên bán bảo lưu quyền sở hữu thì phải có quyền ưu tiên cao nhất đối với tài sản mới nhận được này của người có nghĩa vụ nuéu người đó đăng ký trong thời gian hợp lý, có thể là mười ngày. Lý do của việc quy định này là thúc đẩy thương mại - như các hoạt động mua bán trên thị trường. Nghĩa vụ thanh toán của người mua đối với người bán cần được bảo đảm bằng việc người bán phải có quyền lấy lại tài sản đã bán nếu như người mua không trả tiền đúng hạn. Để xúc tiến thương mại, luật cũng không nên yêu cầu người bán phải dành thời gian kiểm tra sổ đăng ký để xem tài sản trong tương lai của người mua có là đối tượng của giao dịch bảo đảm nào đã được đăng ký vào thời điểm mua hay không. Điều đó sẽ làm cho hoạt động thương mại bị chậm lại. Để làm điều này, luật pháp của nhiều nước vẫn duy trì quyền ưu tiên đối với các bên nhận bảo đảm đã được đăng ký trước đó đối với tài sản đã bán đó. Thường thì người bán sẽ cho người mua thời gian thanh toán và có quyền lợi đối với việc đăng ký biện pháp bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp mua bán các thiết bị đắt tiền.

3. Một ngoại lệ nữa đối với thứ tự ưu tiên đăng ký là bên nhận cầm cố cần được ưu tiên so với các biện pháp bảo đảm đã được đăng ký trước đó liên quan tới các tài sản liệt kê tại Điều 327. Theo tính chất của tài sản đó, những chứng từ này được xem là chứng từ xác nhận quyền và nếu bên có quyền chiếm hữu những chứng từ này, đó là biện pháp bảo đảm bằng tài sản hiệu quả nhất. Tuy biện pháp bảo đảm liên quan đến các tài sản quy định tại Điều 327 dựa trên việc đăng ký là có giá trị, có lẽ nó phải nhường quyền ưu tiên cho một biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Điều này là do chính sách của pháp luật làm cho một số giấy tờ có giá trị "chứng từ có thể chuyển nhượng" có thể được chuyển giao sớm bởi người giữ những chứng từ đó và người nhận chuyển giao các chứng từ có thể chuyển nhượng đó phải có được chúng mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ khiếu nại (quyền) của bên thứ ba nào.

Các văn bản liên quan