Phỏng vấn GS. Đặng Hùng Võ: Chưa hướng tới mục tiêu chống đầu cơ!

Thứ Năm 10:07 03-09-2009

Chưa hướng tới mục tiêu chống đầu cơ!

Dự thảo Luật thuế nhà, đất đang được dư luận quan tâm với những quy định về giá tính thuế nhà, đất mà trước đây vốn chỉ có quy định về thuế đất. DĐDN có cuộc trao đổi cùng Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính của Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh dự thảo này. Phương Thảo thực hiện.

Ông Võ cho rằng, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã yêu cầu: “Hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đất được giao nhưng không đưa vào sử dụng theo cam kết và các trường hợp sở hữu, sử dụng nhà, đất vượt quá hạn mức quy định, ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ bất động sản, đặc biệt là đất đai”. Tuy nhiên, về mục tiêu, như trong phần thuyết minh của Bộ tài chính và tờ trình thì mục tiêu giải quyết tình trạng đầu cơ, tích trữ nhà đất hiện nay lại đặt ra quá nhẹ. Nhẹ trước hết vì chỉ được đặt với chữ nghĩa chưa thật quyết tâm. Trong mục tiêu, yêu cầu thứ nhất chỉ là: "góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất" và trong mục tiêu, yêu cầu thứ tư cũng chỉ là: "động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất nhất là những đối tượng sử dụng nhà, đất vượt hạn mức quy định vào ngân sách nhà nước". Ngoài ra, các mục tiêu và yêu cầu chủ yếu khác của Luật này là "tăng cường quản lý Nhà nước đối với nhà, đất; khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành; nâng cao tính pháp lý của pháp luật hiện hành về thuế nhà, đất; tiếp cận với thông lệ quốc tế về thuế nhà, đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế". Như vậy là chưa thật quyết tâm thực hiện chủ trương chính trị của Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Trên thế giới, cả từ lý luận cũng như thực tiễn đều thấy rằng thuế sử dụng đất là công cụ duy nhất để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ bất động sản trong mọi nền kinh tế thị trường. Một mặt ngăn chặn các tiêu cực, một mặt công cụ thuế giúp cho thị trường ngày càng công khai hơn, minh bạch hơn và lành mạnh hơn. Trong Dự thảo Luật thuế này, tất cả những điểm lên quan đến lành mạnh hoá thị trường bất động sản, tăng cường hiệu quả sử đụng đất, tăng thêm hiệu quả đầu tư cũng còn rất mờ nhạt. Nhìn vào mục tiểu và yêu cầu của việc ban hành Luật thuế này, có thể gây cảm giác duờng như chúng ta đưa Luật Thuế nhà, đất vào hệ thống pháp luật lần này như một việc phải làm để làm đầy đủ thêm hệ thống pháp luật nước ta, tương thích với pháp luật các nước trong quá trình hội nhập. Như vậy, chắc chắn là chưa đủ.

Như vậy, theo ông, Dự thảo chưa đủ mạnh để đạt được mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới?

Theo tôi, đối với Luật này, không nên đặt mục tiêu tăng thu cho ngân sách nhà nước lên đầu tiên, chỉ nên coi đó là hệ quả tất nhiên của thuế. Yêu cầu trước hết cần đặt ra là tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng hiệu quả đầu tư, lành mạnh hoá thị trường bất động sản, ngăn chặn được đầu cơ, tích trữ vượt giới hạn trong thị trường bất động sản. Như vậy, Dự thảo của Luật chưa đạt được những mục tiêu quan trọng cần hướng tới.

Vậy theo ông, Dự thảo nên hoàn thiện theo hướng nào?

Quan điểm của tôi về luật thuế này đã được trình bầy khá rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ nhất là không nên quan tâm quá nhiều vào thuế nhà, mà hãy coi nhà là đang trong tình trạng không đánh thuế nay chuyển sang có đánh thuế. Như vậy, cũng cần một lộ trình nhất định. Bước đầu đưa nhà vào đánh thuế cần xây dựng một nguyên tắc rành mạch, tập trung chủ yếu vào khu vực đô thị phát triển và điều chỉnh mạnh bằng thuế đối với trường hợp có nhà nhưng không sử dụng và trường hợp sử dụng nhà lãng phí so với mức bình quân trong thực tế. Chúng ta cần xem xét phương án không thu thuế nhà đối với khu vực nông thôn ở đồng bằng và toàn bộ khu vực trung du, miền núi ; hoặc phương án chỉ thuế nhà đối với các đô thị từ cấp 3 trở lên.

Thứ hai, thuế nhà đất cần đánh vào giá trị nhà đất, nhưng hạn mức tính thuế lại xác định theo diện tích đang sử dụng. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay đang chuyển từ thuế đánh vào nhà đất sang thuế đánh vào giá trị nhà đất, đấy là một xu hướng tiến bộ. Nhưng việc tính hạn mức theo giá trị lại không phù hợp với hoàn cảnh yếu tố đầu cơ, tích trữ nhà đất vượt giới hạn đang rất phổ biến ở ta hiện nay. Việc tính hạn mức theo diện tích sử dụng có tác động rất đáng kể làm giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ đó. Hơn nữa hạn mức theo diện tích là một tiêu chí định lượng rất cụ thể, hạn mức theo giá trị là một định lượng khó xác định hơn, để xác định cụ thể sẽ rất tốn kém, dễ phát sinh tranh chấp và dễ kéo theo tham nhũng. Bên cạnh các hạn mức tính thuế và hạn mức tính lũy tiến từng phần phù hợp với trường hợp sử dụng nhà đất lãng phí, không tiết kiệm, cần để riêng mức thuế cao nhất đối với trường hợp có nhà, có đất nhưng không đưa vào sử dụng.

Thứ ba là hạn mức cần xác định theo đầu người, không xác định theo hộ gia đình. Đây là một điểm rất quan trọng trong nguyên tắc chung tính thuế nhà đất. Nếu hạn mức tính theo hộ gia đình thì sẽ phát sinh tình trạng người dân đòi hỏi tách hộ, gây áp lực lớn lên bộ máy hành chính cũng như lên tâm lý người dấn, hơn nữa còn có thể kéo theo nhiều tiêu cực trong quá trình tách hộ.

Về tính thuế nhà theo giá trị trên 600 triệu đồng trong Dự thảo quy định đang khiến dư luận quan tâm, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cũng không nhất trí quan điểm xác định hạn mức tính thuế nhà theo giá trị nhà. Thứ nhất, khó tính định giá trị cho từng căn nhà thật chính xác, để làm được sẽ rất tốn kém, dễ phát sinh khiếu kiện và tham nhũng đối với trường hợp giá trị được xác định xấp xỉ 600 triệu đồng, cao một chút là phải nộp thuế, thấp một chút là không phải nộp thuế. Ngoài ra, xét một cách tương đối thì giá trị nhà 600 triệu đồng có thể là dinh cơ nhỏ ở Hà Nội nhưng lại là dinh cơ rất lớn ở vùng đồng bằng.

Như trên tôi đã nói, thuế cần tính theo giá trị nhưng hạn mức phải tính theo diện tích sử dụng trên đầu người. Giá trị để áp thuế suất có thể được xác định gần đúng: giá trị đất được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định nhân với diện tích, giá trị nhà có thể tính theo diện tích sử dụng nhân với giá nhà quy định theo loại nhà, cấp nhà, thời gian đã sử dụng và chỉ số giá tiêu dùng tại địa phương.

Mặt khác, đối với thuế suất áp vào nhà cũng cần được xác định phù hợp với mục đích sử dụng để khuyến khích đầu tư xây dựng các ngôi nhà có giá trị văn hoá, du lịch… Đừng làm để gây hậu quả là những nhà đẹp sẽ ít đi.

Vì vậy, theo tôi, hạn mức tính thuế nhà vẫn nên xác định theo diện tích sử dụng trên đầu người, và đặc biệt chỉ cần quan tâm đến trường hợp có nhà mà không sử dụng, sử dụng quá rộng rãi so với mức trung bình.



 

Theo như trong tờ trình của Bộ tài chính về Dự thảo, mức trung bình trên đầu người là 37.5 m2, gấp đôi quyết định của Thủ tướng về tạo quỹ nhà đến năm 2020 có là diện tích quá lớn trong điều kiện nhà ở còn khó khăn của chúng ta hiện nay không thưa ông?

Mức đó có thể cho là rộng rãi đối với đô thị, không rộng đối với nông thôn. Tuy nhiên, chúng ta cần hướng đến một mức ở trên đầu người ngày càng tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ vì mục tiêu thu thuế. Chúng ta có thể chọn hạn mức tính thuế nhà theo con số tính toán đến năm 2020 như trên: cứ dưới 40m2 trên đầu người thì không tính thuế, từ 40m2 tới 80m2 trên đầu người thì thuế suất là 0,03%, từ 80m2 tới 120m2 trên đầu người thì thuế suất là 0,06%, nếu có nhà mà không sử dụng thì thuế suất là 0,1%... Cũng có thể hạn mức cơ bản chọn rộng hơn là 50m2 trên đầu người, hướng tới một nhu cầu cao hơn về không gian ở không chịu thuế.

Điều đáng chú ý nữa là cần xác định mức thuế suất cụ thể, phù hợp cho những trường hợp đưa nhà ở vào kinh doanh như phần mặt phố làm cửa hành, phần nhà ở cho thuê, v.v. Chúng ta biết rằng giá nhà tại trung tâm đô thị cao hơn giá nhà tại các khu vực khác không phải vì điều kiện ở tại đó tốt hơn mà vì ở tại đó có lợi hơn trong đưa mặt phố vào kinh doanh theo phương thức hộ gia đình.

Vậy theo ông, khung chung về giá tính thuế, thuế suất của đất như trong Dự thảo đã hợp lý?

Khung chung về 3 mức luỹ tiến từng phần đối với thuế đất là phù hợp về nguyên tắc: thuế được tính trên giá trị đất (diện tích sử dụng nhân với giá đất do UBND cấp tỉnh quy định); hạn mức được tính theo diện tích sử dụng (dưới hạn mức thì chịu thuế theo thuế suất 0,03%, từ hạn mức 1 tới tới 3 lần hạn mức thì chịu thuế với thuế suất 0,06% và trên 3 lần hạn mức thì chịu thuế với thuế suất 0,09%); thuế suất cơ bản lựa chọn là 0,03% cũng có thể tạm chấp nhận để đưa vào thực tế triển khai và sẽ điều chỉnh sau khi có hồi âm từ cuộc sống. Theo cơ chế này, tôi thấy có một số vấn đề cần xem xét thêm như sau:

1. Cần đặt thêm một mức lũy tiến thứ tư đối với trường hợp có đất nhưng không đưa vào sử dụng với thuế suất 0,12% - 0,15% để giải tỏa tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai, khuyến khích sử dụng đất.

2. Hạn mức sử dụng đất cần tính theo cá nhân, không tính theo hộ gia đình như đã nói ở trên.

3. Đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thuế đất được tính một mức với thuế suất 0,03% cần được xem xét thêm trong mối quan hệ với thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc các sắc thuế kinh doanh của hộ gia đình. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện đang chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 25% của thu nhập chịu thuế, trong dó có thu nhập được sinh ra từ sử dụng đất. Điều cần xem xét là nên thống nhất tính chung một loại thuế đất bao gồm cả thu nhập từ sử dụng đất. Cách tính thuế này tiến bộ hơn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp vì mức thu ổn định phụ thuộc vào diện tích đất sử dụng nên sẽ khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả để tăng thu nhập. Hộ gia đình sử dụng đất ở mặt phố để kinh doanh hiện chịu thuế kinh doanh không cao, và đó chính là nguyên nhân làm tăng giá đất tại những khu vực có nhiều lợi thế kinh doanh ở các trung tâm đô thị. Trong trường hợp này, thuế đất với thuế suất 0,03% lại là thấp, không đủ điều tiết làm giảm giá đất tại trung tâm các đô thị lớn. Trên thực tế là không ai đi mua đất Hàng Đào chỉ để ở mà để kinh doanh theo hình thức kinh tế hộ gia đình, đấy chính là điều cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp, cách tính thuế cao hơn đối với đất ở được hộ gia đình sử dụng vào kinh doanh mặt phố sẽ khắc phục được tình trạng đất ở những khu phố trung tâm cao ngất ngưởng.

Theo ông, mức thuế trong dự thảo theo ông là cao hay thấp?

Khó có thể nói chung là cao hay thấp. Hiện nay mức lũy tiến đối với thuế đất chỉ tính cho trường hợp đất ở có nhà do một hộ gia đình gia đình sử dụng, tất cả các trường hợp khác đề chịu chung thuế suất ở mức sàn là 0,03%. Theo tôi, mức sàn 0.03% áp dụng cho những nơi có lợi thế kinh doanh như trung tâm Hà Nội là quá nhẹ, nhưng áp dụng cho các khu công nghiệp ở xa trung tâm đô thị thì lại quá nặng. Khu công nghiệp chỉ sinh ra lợi nhuận từ sử dụng đất, đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nay lại thêm thuế đất nữa thì qúa nặng.

Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn thuế đất đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thuế nhà - đất đối với đất ở sử dụng vào kinh doanh cho thuê nhà ở hoặc sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Nhiều nước ở Châu Âu người ta đánh thuế nhà - đất rất cao ở các khu trung tâm đô thị. Lúc đó người dân sẽ tìm tới các khu ngoại vi để ở, giá đất tại các khu trung tâm sẽ giảm, giao thông đô thị giảm, môi trường đô thị bớt đi gánh nặng.Thuế có vai trò điều chỉnh lại dân cư các đô thị lớn trên thế giới. Đến nay, nhiều đô thị ở Châu Âu lại phải giảm thuế ở các khu vực trung tâm để kéo người trở lại vì trước đây mọi người đã chuyển hầu hết ra khu vực ngoại vi.

Vậy cách tính thuế suất đó có phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới không, thưa ông?

Thông lệ của thế giới tuỳ từng nước theo hoàn cảnh lịch sử, mức độ phát triển hiện tại và tiến trình cải cách thuế nhà đất. Có nước tình trạng đầu cơ đất đai không nhiều thì họ tính chung 1 mức thuế đối với bất động sản, thường ở mức 1 - 1,5% giá trị bất động sản. Có những nước gặp tình trạng đầu cơ đất đai nhiều, họ cũng áp dụng mức lũy tiến đối với giá trị bất động sản hoặc diện tích đất đang sử dụng.

Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, đầu cơ đang làm thị trường bất động sản thiếu hiệu quả, bất công bằng, nhiều rủi ro. Chắc chắn tập trung vào việc chống đầu cơ cần là mục tiêu rất lớn như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định. Tình trạng đầu cơ không chỉ gây hại cho thị trường bất động sản mà còn tạo nguy cơ bất ổn định cho nền kinh tế như chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế thế giới đang suy thoái hiện nay.

Như ông đã nói ở trên, một trong những cơ sở để có thể thu được thuế là dữ liệu về nhà, đất, tuy nhiên cơ sở dữ liệu về nhà, đất ở Việt Nam còn thiếu và yếu, theo ông, chúng ta cần khắc phục như thế nào?

Về hồ sơ nhà đất, chúng ta đã xây dựng liên tục từ năm 1993 đến nay. Tại khu vực đô thị, ít nhất cũng đã cấp giẩy chứng nhận được khoảng trên 50% (tính trung bình), những thửa đất chưa có giấy chứng nhận cũng đã có hồ sơ trong hệ thống quản lý. Có những đô thị cũng đã cấp xong giấy chứng nhận như Đà Nẵng. Nhiều đô thị loại 2, loại 3 cũng đã hoàn thành, còn Hà Nội và Tp. HCM cũng hoàn thành cỡ 50%.

Hiện nay, hồ sơ địa chính cung cấp được cho chúng ta trước hết là diện tích đất, diện tích nhà. Căn cứ tính thuế nếu tính theo 2 yếu tố này thì chúng ta đã có dữ liệu sẵn. Còn ai ở nhà nào thì lực lượng công an hộ khẩu của xã, phường nắm rất rõ, tổ dân phố họ cũng biết rất cụ thể chuyện này. Nắm được tình hình sử dụng nhà đất trên thực tế không có gì quá khó khăn, không khó trả lời câu hỏi ai đang sử dụng cái nhà nào.



 

Teeheoan heo ông có hay không nên thu thuế đối với đất được Nhà nước cho thuê?

Về nguyên tắc, nhà nước có giao đất hay cho thuê đất không có gì khác nhau về bản chất, chỉ khác nhau về hình thức trả tiền. Điều đó có nghĩa là cần phải tính thuế đất cho cả trường hợp thuê đất của Nhà nước. Vấn đề là nên rà lại giá đất khi giao đất và giá thuê như thế nào để cân đối với thuế phải trả hàng năm. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chúng ta phải so sánh và lập ra mặt bằng thuế trong mối quan hệ giữa thuế đất và các thuế khác mà DN phải chịu. Chúng ta đừng làm cho DN có cảm giác họ đã phải chịu thuế thu nhập DN 25% của thu nhập và lại phải chịu thêm thuế đất rất cao mà trước đây rất thấp.

Nhưng tách biệt giữa 2 thu nhập này khó khăn không, thưa ông?

Đối với DN sản xuất và một số ngành dịch vu thì hầu hết là thu nhập từ sử dụng đất. Chỉ còn một số hoạt động dịch vụ sử dụng sử dụng nhiều chất xám có thể sử dụng đất ít hơn, như dịch vụ tư vấn chẳng hạn. Chúng ta có thể bóc tách một cách tương đối các thành phần thu nhập này dựa vào hoạt động kinh doanh cụ thể.

Và việc phân bổ nguồn thu thuế có ảnh hưởng tới lợi ích của người nộp thuế, theo ông thuế nhà, đất thu được nên chuyển về ngân sách địa phương hay trung ương?

Các nước bao giờ cũng giao việc thu thuế bất động sản cho địa phương và đó là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách địa phương, vì hoạt động của bất động sản là hoạt động không có di động, luôn gắn với địa phương. Tất nhiên, cũng có nước bắt về Trung ương với một tỷ lệ nào đó để đóng góp cho ngân sách nhà nước trung ương. Nhưng chủ yếu, thuế nhà đất là nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước địa phương. Nhiều nước đã đạt được thuế bất động sản chiếm tới 50% nguồn thuế của địa phương, thậm chí có nước còn chiếm tới 70% nguồn thu cho địa phương.

Ở nước ta, hiện nay vẫn cho địa phương thu mọi nguồn thu từ đất. Tiếp tục nên giao nguồn thu thuế nhà đất cho ngân sách địa phương, đó là nguồn thu bền vững và lâu dài, thể hiện trách nhiệm của mọi người trong sở hữu đất đai của toàn dân. Cần sử dụng đất thật hiệu quả, chúng ta không thể để lãng phí tài nguyên.

Xin cảm ơn ông!

Diễn đàn Doanh nghiệp - Ban Pháp chế VCCI thực hiện 

Các văn bản liên quan