Phát biểu kết luận của ông Nguyễn Đình Cung

Thứ Sáu 10:39 26-05-2006
Trân trọng giới thiệu phần phát biểu kết luận của ông Nguyễn Đình Cung tại Hội thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất do VCCI tổ chức ngày 4/3/2005 vừa qua tại Hà Nội. Đại diện cho Ban Soạn thảo, ông Cung có phản hồi một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo này.


Thay mặt Ban soạn thảo tôi xin trao đổi ý kiến, khoảng 10 ý. Trước hết cảm ơn các anh các chị.

Trên thế giới đã có đạo luật định chuẩn về loại hình doanh nghiệp. Chúng tôi không có gì hơn ngoài việc đọc hiểu nó, dịch nó vào ngôn ngữ, hoàn cảnh Việt Nam để đáp ứng được yêu cầu, giải quyết vấn đề của Việt Nam. Đó là phương pháp làm lâu nay. Tính phát minh sáng tạo không nhiều, mà là vận dụng một cách sáng tạo. Nhưng như anh Thạch nói, có nhiều yếu tố hạn chế. Thứ nhất, vào ngôn ngữ Việt Nam có hiểu không, hiểu như thế nào, có đúng như mình định không, phản ứng có thể như thế nào. Tất cả phải lường khi viết. Để có thống nhất cách hiểu quả không đơn giản. Tôi rất mừng có nhiều người thông cảm với anh em tôi.

Thứ hai, từ đó nói phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật. Tôi đã nói nhiều và ở đâu cũng nói là chỉ có 4 loại hình doanh nghiệp thôi không phân biệt thành phần kinh tế, khác trước đây đoạn không phân biệt thành phần kinh tế. Còn cái gì tên gọi khác nhưng bản chất như thế thì phải vào đây, không bắt buộc luật này phải đi mô tả các thứ tên khác nhưng bản chất như thế. Ví dụ văn phòng luật sư theo tôi nghĩ là một doanh nghiệp tư nhân hay trường học cũng thế hình thức pháp lý là công ty TNHH, rồi trang trại... Đừng bắt Ban soạn thảo đi mô tả tất cả các thứ tồn tại tương tự để đưa vào đây.

Đối với công ty nhà nước nếu thế này mới thất bại: Luật này buộc phải điều chỉnh công ty nhà nước và đưa các quy định trong Luật Doanh nghiệp nhà nước vào. Đây là một điều không nên! Cho nên phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thống nhất, nói “thống nhất”- có bao nhiêu người hiểu như anh Phú? Chính vì áp lực xã hội là thống nhất nên không hiểu thống nhất thế nào cho đúng nghĩa.

Về giấy phép, chúng tôi muốn thống nhất một khái niệm chung về giấy phép kinh doanh, mà cái chung đó tương đối phổ quát để có thể xử lý vấn đề thực tiễn. Không thì bảo chúng tôi không ban hành giấy phép mà là thoả thuận, bản đồ chạy xe nhưng bản chất là giấy phép. Ban soạn thảo chúng tôi mong muốn là từ thực tiễn ta khái quát lên thành cái gì tương đối chấp nhận được để nó không chạy lòng vòng sang giấy chứng nhận.. từ 200 lên 300 mà không ai kiểm soát được.

Công ty TNHH 1 thành viên ở các nước khác chỉ có một người thành lập công ty. Mình thì phải tách ra là công ty TNHH 1 thành viên - 2 thành viên trở lên vì nhiều lí do. Tư duy của mình là không thể có hội đồng thành viên một người được, 1 người làm 3-4 ban. Đấy là cái ra thảo luận thể nào cũng có người nói. Tư duy hình thức để gắn với bản chất chứ không tư duy từ nội dung trở đi. Quá trình thực tế nó vận hành thế. Thực ra không cần có Chương công ty TNHH 1 thành viên chỉ cần Chương công ty TNHH. Như anh Thạch nói có công ty cổ phần do 1 người thành lập ngày mai bán cổ phần thành ra 2-3 người. Tôi tự do chuyển nhượng cổ phần, với cách đấy là thành lập được công ty cổ phần thôi.

Về điều kiện tiêu chuẩn, anh Thái bắt đúng suy nghĩ của chúng tôi. Bây giờ, mình đặt ra 2 vấn đề. Những điều kiện tiêu chuẩn thế này có hạn chế gì đến quyền của người chủ đích thực khi uỷ quyền không? Hạn chế đặt ra với người không phải chủ đích thực là nhiều tầng nấc uỷ quyền. Trong xã hội có pháp luật hoàn thiện, hệ thống án lệ đầy đủ thì không cần. Ngay cả uỷ quyền của uỷ quyền của uỷ quyền người ta vẫn xử được với nguyên tắc pháp lý của nó. Nhưng ở ta thì chưa có nên chúng tôi muốn đưa tiêu chuẩn vào để xử lý vấn đề đó. Câu hỏi luôn đặt ra với chúng tôi là cái đó có hợp lý không, có hạn chế quyền của chủ sở hữu đích thực không? Nếu ông chủ đích thực làm thế thì buộc ông chủ chưa đích thực cũng làm như vậy. Thế là xử lý hai vấn đề, không hạn chế quyền của người chủ đích thực mà chưa hạn chế quyền của người chưa đích thực.

Về quản lý nhà nước, theo tôi anh Ân nói nếu như mình giữ nó mà quy định được cơ quan nhà nước chỉ được làm thế này thế kia thôi thì tốt. Nếu giữ nó tức là “tương kế tựu kế”, làm được như thế là thành công. Tôi rất mong đợi nhưng thời gian hạn chế nên chưa làm được. Chúng tôi đã có nghiên cứu hy vọng làm được việc.

Cuối cùng, cảm ơn tất cả các anh các chị. Hy vọng chúng ta có dịp gặp lại. Tôi đã ngồi hội thảo 2 ngày, tin rằng dự thảo của chúng tôi sẽ được nâng cấp về chất lượng.

Các văn bản liên quan