Tranh cãi về đầu tư tài chính của nước ngoài

Thứ Sáu 10:40 26-05-2006
[size=18]Tranh cãi về đầu tư tài chính của nước ngoài

Tỉ lệ khống chế cổ phần tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hợp lý sẽ thu hút được đầu tư gián tiếp mà vẫn bảo đảm an toàn cho nền kinh tế
Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi (sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới), mức khống chế sở hữu 30% cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được xóa bỏ.

Thông tin này đang gây nhiều tranh cãi trong các chuyên gia, các nhà làm luật và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khống chế đầu tư, TTCK sẽ bớt tẻ!
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng việc xóa bỏ khống chế tỉ lệ sở hữu 30% đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ thu hút một làn sóng đầu tư mới vào VN thông qua các quỹ đầu tư gián tiếp. Thực tế, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào VN hiện nay rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% so với đầu tư trực tiếp trong khi các nước trong khu vực tỉ lệ trung bình khoảng 10% - 50%. Cũng do mức khống chế 30% nên các quỹ đầu tư đang hoạt động tại VN bị hạn chế khả năng huy động vốn từ nước ngoài vào. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng ngưỡng 30% hiện nay đã, đang và sẽ hạn chế việc tham gia của các nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán vốn còn rất non trẻ của VN. Trong nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật để xây dựng Luật DN thống nhất của Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp VN cũng cho rằng, Nhà nước đang chủ trương phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán thì mức khống chế tỉ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào DN VN như vậy là quá thấp. Việc xóa bỏ mức khống chế 30% (trừ các ngành nghề hạn chế kinh doanh) sẽ hâm nóng thị trường chứng khoán tẻ nhạt hiện nay. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nóng lòng chờ đợi cơ hội để tham gia vào nhiều ngành dịch vụ, thương mại, du lịch mà không phải thành lập một dự án đầu tư trực tiếp.

Nỗi lo “động đất” vốn
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, hiện nay VN chưa có luật quy định về đầu tư tài chính mà đặc điểm của loại hình đầu tư này là nhà đầu tư có quyền rút vốn bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm từ các nước phát triển, đối với đầu tư tài chính phải luôn phòng ngừa khi có biến động, các nhà đầu tư tài chính rút vốn đồng loạt sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế. Ông Bùi Nguyên Hoàn, trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM, cũng cảnh báo đầu tư tài chính “vào nhanh- ra nhanh”, nếu nhanh quá sẽ chảy máu vốn, chảy máu ngoại tệ dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe của nền kinh tế. Thái Lan là một “tấm gương” về vấn đề này, năm 1997 Thái Lan đã phải đóng cửa phiên giao dịch 1 ngày mà nguyên nhân đầu tiên là do cho nhà đầu tư nước ngoài nắm tới 40% cổ phần dẫn đến việc mất giá đồng baht. Trước đó, 23 baht ăn 1 USD thì lúc này phải 55 baht mới đổi được 1 USD, mọi người ồ ạt kéo nhau đi bán cổ phiếu, giá thị trường giảm đến tối đa và Thái Lan đã phải đóng cửa một phiên giao dịch sau đó thả nổi thị trường. Cũng từ cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đưa ra tuyên bố “khuyến khích tối đa đầu tư trực tiếp, hạn chế tối đa đầu tư tài chính...”.

Ông Bùi Nguyên Hoàn cho rằng việc nới rộng tỉ lệ khống chế 30% để thu hút đầu tư gián tiếp vào VN là không nên mà phải là thu hút nguồn vốn trong dân. Muốn vậy, phải thực hiện chính sách lãi suất hợp lý sẽ kéo được nguồn vốn từ dân.

Chưa nên nới lỏng những lĩnh vực then chốt
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thực hiện tiến trình hội nhập, chúng ta phải mở cửa thị trường nhưng “vượt quá 30% thì phải tính toán thật kỹ từng ngành, từng lĩnh vực”. Ông Lịch cho rằng, để bảo đảm an toàn, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư cổ phiếu, chiếm tỉ trọng lớn, vững mạnh trước khi mở cho đầu tư nước ngoài. Đơn cử như các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ trong nước chiếm tỉ trọng cao nên không biến động lớn nếu nước ngoài rút vốn, có thể nới rộng tỉ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài lên 49% nhưng cũng phải có lộ trình dần dần. Còn những lĩnh vực nhạy cảm, then chốt dễ ảnh hưởng tới sức khỏe của nền kinh tế như bưu chính viễn thông, ngân hàng, điện... chưa nên nới lỏng.

Nguyên Hằng
Nguồn: Báo Người Lao động số ra ngày 04/04/2005

Các văn bản liên quan