Phát biểu của Đại biểu QH Nguyễn Thiện Nhân – Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Thứ Hai 09:56 02-11-2009


Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đại biểu Quốc hội,

Tôi xin chân thành cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm góp ý cho dự thảo, đến nay có 27 đại biểu Quốc hội đăng ký và 22 đại biểu đã phát biểu. Lúc đầu chúng tôi dự kiến phúc đáp 20 nội dung, sau đây chỉ xin trao đổi về 2 nội dung.

Trước hết chúng ta xác định những khó khăn thực tiễn của những ngành địa phương khi giải quyết bằng văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể thay đổi ở 4 mức.

Mức thứ nhất là phải thay đổi Hiến pháp, từ đó mới tạo cơ sở để thay đổi các văn bản dưới Hiến pháp.

Mức thứ hai, là thay đổi các luật để từ đó có cơ sở để điều chỉnh văn bản dưới luật.

Mức thứ ba, là thay đổi các văn bản thuộc phạm vi quyết định của Chính phủ, của các bộ ngành.

Mức thứ tư, là các văn bản điều hành của địa phương.

Những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục đòi hỏi điều chỉnh thì diễn ra đồng thời cả bằng sửa luật và sửa văn bản dưới luật. Vì vậy lần này sửa Luật giáo dục nhằm vào 4 mục tiêu, đó là:

Một, đưa phổ cập mầm non 5 tuổi trở thành nhiệm vụ của đất nước vào hệ thống giáo dục.

Hai, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ba, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Bốn, chăm sóc tốt hơn cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Đây là 4 mục tiêu chỉ sửa ở cấp luật, trong thực tế nhiều nội dung đại biểu quan tâm cần điều chỉnh ở cấp dưới luật. Ví dụ, việc mở các cơ sở đại học theo 3 giai đoạn: cho phép chủ trương Thủ tướng quyết định như vừa qua, quyết định thành lập trường Thủ tướng quyết định và cho phép mở, ngành đào tạo tuyển sinh Bộ giáo dục và đào tạo kiểm tra quyết định. Nội dung, điều kiện để mở ngành tuyển sinh hiện nay Thủ tướng đã quyết định. Ví dụ là giáo viên phải dạy đủ 60% khối lượng chương trình, trong đó ít nhất thạc sĩ phải là 30%. Vì sao quy định như vậy? Vì đây là bình quân trong ngành thạc sĩ là giáo viên chiếm 37%, tiến sĩ đạt phải 12%, hiện nay bình quân cả ngành cũng khoảng 10-11%, như vậy cái này đã có quy định do Thủ tướng chứ không phải đưa vào luật.

Yêu cầu thứ hai, là phải có nhà cửa đủ yêu cầu sử dụng, bình quân tối thiểu là 9 m2 sử dụng cho 1 sinh viên, điều này Thủ tướng cũng đã quyết. xin báo cáo Quốc hội các điều kiện cụ thể để được mở ngành đã có quy định rồi, nhưng vì sao làm chưa tốt lát nữa tôi sẽ trình bày. Yêu cầu thứ ba là phải làm công khai thì vừa qua ngành giáo dục đã ban hành Quyết định 09 về 3 công khai cũng đã có rồi, xin không đi sâu vào cái này.

Trở lại để thực hiện 4 mục tiêu nói trên thì lần này có đưa vào sửa 20 nội dung. Vấn đề đại biểu quan tâm vì sao vừa qua có các trường đại học chưa đảm bảo điều kiện vẫn ra đời được. Báo cáo là có 5 nguyên nhân: Nguyên nhân thứ nhất theo quy định hiện hành hiện nay của Bộ giáo dục và đào tạo thì việc thẩm định mở ngành có thể kiểm tra tại chỗ hoặc thẩm định trên hồ sơ mà không đi thực tiễn. Đây theo chúng tôi là nguyên nhân quan trọng nhất của việc các trường tiến hành tuyển sinh đào tạo nhưng điều kiện thực tế không đạt. Cái này sửa không khó, chúng tôi đã có chủ trương sửa trong tháng 12 ghi rõ thẩm định mở ngành là thẩm định tại chỗ, không thẩm định trên giấy thì sẽ khắc phục được ngay lập tức, điều này chưa cần sửa đến luật chuyên ngành.

Vừa qua những trường không đạt yêu cầu có sai phạm mình có xử nhưng chưa nghiêm. Ví dụ theo quy định nếu tuyển sinh vượt 20% bị phạt, vừa qua chúng ta phạt 19 trường hợp bình quân 40 triệu đến 60 triệu, nhưng như vậy chưa đủ mạnh và Nghị định của Chính phủ còn cho phép quyết định tạm ngừng tuyển sinh thì trong vừa qua chúng ta ngừng có một lần một trường trung cấp không đủ điều kiện Bộ đã ngừng, nhưng mới có một lần thôi, các trường đại học chưa ngừng cái nào. Báo cáo như vậy là chúng ta xử lý nó chưa thực sự hiệu quả, chưa nghiêm.

Thứ tư, bản thân Bộ giáo dục và đào tạo, chưa tham mưu cho Chính phủ phân cấp kiểm tra, thực hiện những qui chế của đào tạo trong đó có qui chế tuyển sinh cho các trường địa phương, cho nên Bộ giáo dục và đạo tạo không đủ khả năng nắm sát 400 cơ sở toàn quốc vì Bộ chưa tham mưu.

Thứ năm, mỗi trường đại học có hàng trăm giảng viên, hàng nghìn sinh viên nhưng lực lượng đông đảo này chưa tham gia vào việc giám sát chất lượng và điều kiện chính cơ sở mình, họ biết cái này thì như vậy, sắp tới khắc phục kịp, cho nên cái này có thể khắc phục được mà không cần phải đi chi tiết vào trong luật, xin báo cáo như vậy, vì trong luật yêu cầu phải công khai mục tiêu, chất lượng, điều kiện tuyển sinh v.v... thì cơ sở làm được.

Vấn đề thứ hai, đó là thẩm quyền, khi giao cho thẩm quyền Bộ trưởng quyết định thành lập trường là khẳng định trách nhiệm Bộ trưởng, nếu có sai sót là chịu trách nhiệm chứ không để Thủ tướng. Chúng tôi thấy như vừa qua có sai sót là do qui trình ở Bộ làm chưa tốt, còn nếu Bộ làm chưa tốt mà để Thủ tướng chịu trách nhiệm là không công bằng. Thủ tướng chịu trách nhiệm các vấn đề lớn của quốc gia, chứ riêng về một ngành thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng trách nhiệm địa phương, thì địa phương không kiểm tra đang dạy cái gì mà chỉ kiểm tra dạy trong điều kiện như thế nào, công bố, công khai thì địa phương chỉ cần đối chiếu chứ không phải thay mặt ngành quản lý tất cả.

Cuối cùng chúng tôi xin thay mặt Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu về các nội dung khác cùng với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội hoàn chỉnh tiếp dự thảo và sau đó trình các đại biểu Quốc hội để xin ý kiến trước khi thành bản trình vào ngày biểu quyết. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan