Góp ý của đại biểu Quốc hội Huỳnh Phước Long – Trà Vinh

Thứ Hai 09:53 02-11-2009


Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia đóng góp một số điều của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục cụ thể như sau.

Một, tôi tán thành với dự thảo Luật bổ sung quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào Khoản 1 Điều 11. Việc bổ sung quy định này theo tôi sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cấp các ngành và toàn xã hội có sự quan tâm chăm lo nhiều hơn cho bậc học giáo dục mầm non. Và giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang cần một sự đầu tư rất lớn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và giáo viên. Do đó trong luật cũng cần có quy định thêm sự ưu tiên đầu tư phát triển để trong lộ trình thực hiện các ngành, các cấp có sự tập trung hơn. Nếu không có quy định bổ sung đó tôi e rằng vấn đề này có nêu nhưng ở các vùng trên tiến độ thực hiện phổ cập vẫn chậm, thực tế kết quả giáo dục phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đã qua cũng đã chứng minh rõ điều đó. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm như nhiều đại biểu phát biểu trước, tôi rất đồng tình.

Hai, về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, tôi thấy việc bổ sung như Khoản 3, Điều 29 của dự thảo luật là cần thiết và tôi rất đồng tình với phân tích của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung theo hướng đó. Riêng về việc biên soạn thẩm định sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc thiểu số để dạy ở các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trường phổ thông dân tộc nội trú cần có quy định riêng cho phù hợp với từng vùng, từng miền, từng dân tộc và từng loại trường hiện nay. Bởi đây là một vấn đề rất khó và có đặc điểm rất riêng, tôi cũng đồng tình giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định về vấn đề này. Qua khảo sát ở một số tỉnh trong thời gian qua, tôi thấy Bộ giáo dục và đào tạo có nhiều cố gắng lớn trong việc biên soạn sách giáo khoa để thay sách giáo khoa mới. Ví dụ như trong dân tộc Khơ Me đã thay sách giáo khoa bậc tiểu học đến quyển 4 và đang chuẩn bị phát hành quyển 5, quyển 6, 7. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực này để nhằm đáp ứng việc nâng cao trình độ ngữ văn dân tộc cho dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, để việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn, dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về xuất bản, tái bản, phát hành sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc để đáp ứng nhu cầu của người học. Hiện nay sách giáo khoa tiếng dân tộc thiếu, tìm trong thị trường không thấy bán trong các nhà sách. Đối với các dân tộc thiểu số có chữ viết, sách giáo khoa theo tôi cần được cung cấp đủ cho các trường. Riêng đồng bào dân tộc Khơme, Bộ cần cung cấp thêm cho các chùa phật giáo để có đủ sách giảng dạy, bởi thực tế hàng năm ngoài việc dạy chữ Khơme cho sư sãi đang tu học các chùa Khơme ở Nam Bộ còn mở lớp để dạy chữ Khơme cho con em đồng bào, nhất là trong dịp hè có hàng ngàn học sinh theo học. Việc dạy chữ Khơme trong các nhà chùa được đồng bào đánh giá là hiệu quả cao, mặc dù sự đầu tư của nhà nước chưa đáng kể.

Mặt khác việc đào tạo và sử dụng nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số nói chung cũng cần được quy định rõ trong luật, bởi sách giáo khoa chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người học khi có giáo viên giảng dạy. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm để luật đi vào cuộc sống. Xin hết.

Các văn bản liên quan