Bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội tổng kết hội nghị

Thứ Hai 09:57 02-11-2009


Xin cảm ơn đồng chí Nguyễn Thiện Nhân.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa Quốc hội,

Chiều ngày hôm nay chúng ta đã có 50 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, đây thể hiện được trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội trước sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Tuy nhiên, trong chương trình của chúng ta chỉ có chiều hôm nay thảo luận tại Hội trường nội dung này và cũng đã được Quốc hội thông qua chương trình rồi. Do đó đến nay chúng ta có thể kết thúc phần thảo luận nội dung này tại Hội trường, những đại biểu nào chưa được phát biểu tại Hội trường cũng mong các vị thông cảm và xin được gửi lại các nội dung văn bản mà các vị đã chuẩn bị cho Đoàn thư ký, Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ xin được tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các vị chuẩn bị phát biểu tại Hội trường.

Sau đây để chuẩn bị cho việc chuẩn bị tiếp nội dung này để tiếp tục có bản giải trình, tiếp thu và chỉnh lý một bước nữa dự thảo luật này, tôi xin phép được gút lại mấy nội dung sau đây:

Thứ nhất, qua phát biểu hôm nay của các vị đại biểu Quốc hội, đại đa số các vị đã nhất trí cao với việc chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và khắc phục những bất cập hiện nay. Đây là sửa đổi, bổ sung một số điều, do đó các vị đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu để tới đây trình Quốc hội cách sửa toàn diện hơn nữa đối với Luật giáo dục. Đây là vấn đề hôm nay, qua ý kiến của tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất một nội dung lớn là như vậy.

Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội đặt ra những vấn đề bức xúc cần tiếp tục nghiên cứu, đó là vấn đề biên soạn sách giáo khoa và chất lượng sách giáo khoa hiện nay. Vấn đề giáo viên và nâng cao chất lượng, đào tạo giáo viên và chính sách đối với giáo viên; vấn đề học phí, thi cử là những vấn đề lớn hôm nay các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng và cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để tới đây chúng ta chuẩn bị cho các nội dung sửa một cách toàn diện những nội dung này.

Thứ ba, qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về điều kiện, thẩm quyền quyết định lập trường đại học. Hôm nay đại đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp ý kiến thêm về các bước tiến hành xem xét lập trường, các thủ tục để xét lập trường, các tiêu chí đề nghị cần công khai, minh bạch và rõ hơn. Yêu cầu ghi rõ hơn các điều kiện để thành lập trường, điều kiện để giải thể trường, điều kiện nâng cấp trường hôm nay các vị góp ý kiến cũng rõ hơn để cho Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý thêm dự thảo luật.

Ngoài ra các vị đại biểu Quốc hội đại đa số cũng nhất trí về thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo để tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vị trí của vị Bộ trưởng, đó là quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị vẫn giao cho Thủ tướng như luật hiện hành, nội dung này chắc chúng ta phải xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội quyết định theo đa số. Các nội dung khác liên quan đến các điều kiện thành lập trường, hôm nay các vị đại biểu góp ý kiến cần phải viết cho rõ hơn, nhất là một số lĩnh vực đặc thù, kể cả các trường dạy nghề.

Vấn đề thứ tư, hôm nay các vị đại biểu Quốc hội cũng góp ý kiến thêm đó là cần phải công khai các mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục và nguồn lực tài chính của các trường khi được lập. Nội dung này phải có cách viết như thế nào đó trong luật để nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước, công khai quản lý và sau này còn thanh tra, kiểm tra về chất lượng giáo dục.

Vấn đề thứ năm, đó là các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến là cần có cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục, cũng cần nêu rõ nội hàm kiểm định giáo dục bao gồm những nội dung nào và ở bậc học nào. Đây là vấn đề hôm nay các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm.

Vấn đề thứ 6, đó là các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí cao trong việc bổ sung chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi và trong Luật giáo dục. Nhưng đề nghị là cần ghi rõ thêm đó là giáo trình hệ mầm non là cần phải thống nhất trong toàn quốc. Và đề nghị cũng có sự thống nhất rồi, nhưng cũng cần phải ghi rõ yêu cầu cho từng vùng và nhất là vùng dân tộc thiểu số và như các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến.

Vấn đề thứ 7, đó là trong luật đề nghị ghi rõ thêm là điều kiện chuyển các loại hình trường ở một số bậc học. Đây là một vấn đề mà ở trong điều luật ghi chưa rõ, đề nghị các đồng chí trong Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu và cơ quan chủ trì thẩm tra các đồng chí nghiên cứu thêm nội dung này. Ngoài ra các vị đại biểu còn đặt vấn đề yêu cầu thêm, làm rõ thêm đó là vấn đề trường ngoài công lập, các trường chuyên rồi việc giáo dục chữ dân tộc thiểu số cho các vùng dân tộc thiểu số. Giải trình thêm một số nội dung liên quan đến trường chuyên và trường dạy nghề vì các nội dung này các vị đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến.

Vấn đề thứ 8, là vấn đề hợp tác quốc tế, tức là hợp tác với nước ngoài thì đây là một vấn đề mà đòi hỏi cần phải có giải trình thêm ghi trong điều luật là như vậy. Tuy nhiên, cũng đề nghị là nghiên cứu thêm làm sao ghi cho sáng hơn, cho rõ hơn các nội dung khi đặt vấn đề này, thì đề nghị là quy định rõ hơn nhất là các khái niệm yêu cầu là tôn trọng bản sắc văn hóa Việt Nam ở trong điều luật quy định nội dung này.

Đây là những vấn đề mà hôm nay các vị đại biểu góp ý kiến thì chúng tôi xin được tiếp thu các nội dung này để sẽ có tiếp thu giải trình thêm. Sau phiên họp này thì chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chuẩn bị kỹ hơn một số nội dung và chắc chắn sẽ có nội dung là phải xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi quyết định. Theo chương trình nội dung luật này báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội là chúng ta sẽ thông qua tại một kỳ họp, do đó xin phép Quốc hội cho phép tiếp thu các nội dung đã được đề cập mà chúng tôi tiếp thu nêu trên để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi quyết định. Xin một lần nữa cảm ơn các vị khách quý và các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và thảo luận nội dung này. Xin phép các vị chúng ta nghỉ tại đây. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan