Pháp luật Bồi thường Nhà nước của Hàn Quốc – Nguyễn Kim Phượng

Thứ Sáu 10:09 04-07-2008



 
Tại Hàn Quốc, chủ nghĩa hợp hiến và chế định pháp quyền là nguyên tắc chỉ đạo đối với việc thực hiện tất cả các loại quyền lực công. Do vậy, Hiến pháp Hàn Quốc chính là cơ sở để các đạo luật và văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành. Khoản 1, Điều 29, Hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Trong trường hợp một người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật được thực hiện bởi một công chức nhà nước trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì người đó có quyền đòi bồi thường thiệt hại từ Nhà nước hoặc tổ chức công theo quy định của pháp luật”.

Mục tiêu của Luật Bồi thường nhà nước Hàn Quốc nhằm tạo ra một cơ chế hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đảm bảo hành vi công chức là hợp pháp, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; tăng cường môi trường pháp luật bình đẳng.  Sau đây là những nội dung cơ bản trong Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc:

1. Về phạm vi các lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước phải bồi thường

Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc (ban hành năm 1967) tuy không quy định cụ thể phạm vi bồi thường nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, hành pháp hay lập pháp nhưng sau khi nghiên cứu nội dung của Luật thì có thể khẳng định rằng, Luật Bồi thường nhà nước của nước này quy định Nhà nước phải bồi thường trong cả ba lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp (giống như ở Nhật Bản). 

2. Về tính chất của quan hệ pháp luật về bồi thường nhà nước

Trên thế giới có 2 quan điểm cơ bản về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bồi thường nhà nước là một quan hệ trách nhiệm nặng về tính hành chính, nên được xử lý chủ yếu theo luật hành chính, (đặc trưng là Pháp). Còn lại đa số các nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Nga) thì lại coi bồi thường nhà nước là một hình thức đặc biệt của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, thuộc luật tư. Nếu xác định bồi thường nhà nước thuộc luật tư thì có thể áp dụng rất nhiều quy định của Luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

    Đối với Hàn Quốc, Luật Bồi thường nhà nước là một phần trong khái niệm của luật hành chính nên nó thuộc hệ thống luật công, nhưng cũng có những phần thuộc luật tư. Một số ý kiến cho rằng, luật về trách nhiệm pháp lý của Nhà nước là một phần của luật công và những người khác lại cho rằng nó thuộc luật tư (luật dân sự).

Các toà án truyền thống đã quyết định rằng, quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và bên cá nhân yêu cầu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Nhà nước do hành vi của công chức gây ra, về bản chất, là vấn đề của luật tư. 

Từ thuyết luật tư, bản thân Luật Bồi thường nhà nước thể hiện rằng, Nhà nước từ bỏ đặc quyền và ở vị trí ngang hàng với cá nhân. Điều 8 Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc quy định việc áp dụng bổ sung Luật Dân sự khẳng định điều này.
Những người ủng hộ thuyết luật công của Luật Bồi thường nhà nước thì cho rằng, quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và cá nhân bị thiệt hại cần được đối xử khác với các vụ việc bồi thường ngoài hợp đồng thông thường giữa các bên là cá nhân, pháp nhân theo Luật Dân sự.

Hiện nay, ở Hàn Quốc đang có hai dự thảo về Luật Bồi thường nhà nước. Một Dự thảo do Toà án Tối cao soạn thảo năm 2004 và được trình ra Nghị viện như là một quan điểm của Toà án Tối cao về tố tụng hành chính. Dự thảo còn lại do Bộ Tư pháp soạn thảo và đang trong quá tình chuẩn bị và sẽ được trình ra Nghị viện trong thời gian tới. Trong cả hai Dự thảo đều quy định việc áp dụng tố tụng hành chính đối với các vụ kiện về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 

Như vậy có thể khẳng định rằng, tại Hàn Quốc đang tồn tại quan niệm, theo đó pháp luật bồi thường nhà nước có sự giao thoa giữa pháp luật hành chính và dân sự hay nói cách khác là giữa luật công và luật tư.

3. Về cách thức xác định phạm vi các hành vi mà Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường.

Tại Điều 2, Điều 5 Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc đã xác định rõ, Nhà nước phải bồi thường trong những lĩnh vực hoạt động nào và đã sử dụng một số thuật ngữ rất chung để quy định về những hành động mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Như vậy, về cơ bản, Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc không dùng phương pháp liệt kê mà dùng phương pháp quy định điều kiện chung về trách nhiệm bồi thường nhà nước như của Nhật Bản. So với phương pháp liệt kê, phương pháp này đảm bảo được sự ổn định của hệ thống pháp luật và đảm bảo tốt hơn quyền của công dân. Tuy nhiên, với đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam thì chuyên gia pháp luật của Hàn Quốc khuyên Việt Nam nên sử dụng phương pháp liệt kê.

4. Về bồi thường thiệt hại do tài sản của Nhà nước gây ra

ở Hàn Quốc, thiệt hại do tài sản công của Nhà nước gây ra thì sẽ được bồi thường theo Luật Bồi thường nhà nước (Điều 5).
  Theo quan điểm của chuyên gia pháp lý Hàn Quốc thì Việt Nam chưa nên đưa phạm vi bồi thường do tài sản của nhà nước gây ra thiệt hại vào Luật Bồi thường nhà nước vào thời điểm này.

5. Về khái niệm công vụ, công chức

* Công chức

ở Hàn Quốc, phạm vi công chức nhà nước là tương đối rộng. Pháp luật Hàn quốc không có khái niệm công chức và viên chức. Cá nhân được giao công vụ của nhà nước được coi là công chức nhà nước.

* Công vụ

ở Hàn Quốc, theo truyền thống, chức năng của các cơ quan công được chia thành 3 loại:

-         Chức năng công được uỷ quyền (như thu thuế, cấp phép)  

-         Chức năng công không uỷ quyền (như Quản lý thư viện quốc gia)

-         Chức năng kinh tế tư nhân (như hợp đồng mua sắm chính phủ)

Trong ba loại nêu trên, Luật Bồi thường nhà nước áp dụng đối với các chức năng được uỷ quyền và không uỷ quyền. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong pháp luật Hàn Quốc, dùng từ “thi hành công việc” chứ không phải “thực thi quyền lực”, tức là một số công vụ không hề có liên quan đến việc thực thi quyền lực nhưng nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước cũng có trách nhiệm bồi thường. 

Về lý thuyết, công vụ bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng trên thực tế, không dễ để xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành động lập pháp

Trong ba loại nêu trên, Luật Bồi thường nhà nước áp dụng đối với các nhiệm vụ chính thức thực hiện các chức năng được uỷ quyền và không uỷ quyền. Đối với việc thực hiện chức năng kinh tế tư nhân thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được giải quyết theo quy định của Luật Dân sự và thủ tục tố tụng dân sự. 

6. Mô hình cơ quan giải quyết bồi thường

Trên thế giới có 2 mô hình, (1) mô hình phân tán, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc (không có một cơ quan cụ thể thay mặt cho Nhà nước đứng ra giải quyết bồi thường; khi một công chức gây hại thì cơ quan trực tiếp quản lý công chức phải bồi thường); (2) mô hình tập trung, trong đó điển hình là Nhật Bản (công chức do TW quản lý, khi gây thiệt hại thì người bị thiệt hại chỉ kiện một người duy nhất là Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Ngoài Tòa án, ở Hàn quốc cũng giống như một số nước khác (Nhật Bản) có cơ quan hành chính được giao thẩm quyền giải quyết bồi thường (giải quyết bồi thường ngoài tố tụng). ở Hàn Quốc đó là Hội đồng Bồi thường nhà nước (ở Trung ương) và Hội đồng bồi thường nhà nước khu vực (ở các địa phương) .

Như vậy, tại Hàn Quốc, cơ quan giải quyết bồi thường là Hội đồng Bồi thường nhà nước, có 2 cấp: cấp vùng ở địa phương, cấp TW tại Bộ Tư pháp.

Hội đồng Bồi thường nhà nước cấp TW xem xét yêu cầu đòi bồi thường đối với nhà nước hoặc chính quyền trung ương; Hội đồng Bồi thường nhà nước cấp vùng xem xét yêu cầu đòi bồi thường đối với các cơ quan ở địa phương. Ngoài ra còn có một Hội đồng đặc biệt được thành lập ở Bộ Quốc phòng để xem xét đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do các quân nhân hoặc công chức quốc phòng gây ra cho người khác.

Chủ tịch Hội đồng bồi thường nhà nước cấp vùng là Phó trưởng phòng các văn phòng công tố, còn 4 thành viên nữa do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hàn Quốc chỉ định bao gồm: cán bộ phòng công tố, một người của toà án, một người họat động chuyên trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, và người cuối cùng là người nghiên cứu và tham gia vào các hoạt động của luật dân sự. Những việc giải quyết bồi thường phải được giải quyết tại địa phương trước, thẩm quyền giải quyết của Hội đồng này là với những trường hợp bồi thường khoảng dưới 50 ngàn đô. Nếu lớn hơn 50 ngàn đô thì Hội đồng Bồi thường nhà nước cấp vùng sẽ chuyển lên TW vì vượt quá thẩm quyền giải quyết, hoặc khi rất khó để quyết định mức bồi thường thì Hội đồng Bồi thường nhà nước vùng cũng gửi lên TW. Những hoạt động liên quan đến các ngôi sao giải trí, thể thao thường rất khó để tính được mức bồi thường thì sẽ chuyển lên cấp TW.

Hội đồng cấp vùng khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường phải tiến hành ngay việc xem xét, thu thập chứng cứ như thẩm vấn người làm chứng, xem xét hiện trường để thảo luận và quyết định việc bồi thường hoặc bác đơn yêu cầu, thời hạn quy định cho việc thực hiện công việc này là 4 tuần. Đây là ưu điểm trong quy định do Bộ Tư pháp ban hành. Trước đây người ta kéo dài tới nửa năm đến 1 năm. Một ưu điểm nữa là không cần ra toà, trả phí cho luật sư.

Nếu thấy cần khoản chi trả khẩn cấp thì Hội đồng cấp vùng quyết định việc chi trả trước một phần các chi phí về ma chay, sửa chữa, khắc phục.

Trong trường hợp bị Hội đồng cấp vùng bác bỏ hoặc không xét thì nguyên đơn có thể gửi yêu cầu đến Hội đồng trung ương trong thời gian 2 tuần kể từ ngày bản sao quyết định có chứng thực gốc được tống đạt đến họ. Trong trường hợp này, Hội đồng cấp vùng phải gửi toàn bộ tài liệu đến Hội đồng trung ương trong thời gian 1 tuần

Hội đồng trung ương được thành lập trong Bộ Tư pháp, Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Hội đồng bao gồm 7 thành viên, 6 người còn lại là: trưởng phòng hành chính của Bộ Tư pháp, Chánh án toà án, bác sỹ, luật sư, cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu luật bồi thường nhà nước, và cán bộ làm trong lĩnh vực luật dân sự.

Về cơ chế hoạt động của Hội đồng bồi thường nhà nước, theo Điều 12 Sắc lệnh của Tổng thống thì chủ tịch sẽ phải triệu tập cuộc họp của Hội đồng và chủ toạ cho cuộc họp đó. ở TW thì 3 tháng họp một lần, còn cấp vùng thì bận rộn hơn. Cuộc họp sẽ được mở khi có hơn một nửa số thành viên có mặt. Quyết định sẽ được đưa ra bằng biểu quyết đa số. Đối với cấp vùng thì 2/3 số thành viên phải có mặt thì mới được biểu quyết. Trong những trường hợp nếu có 2 ý kiến khác nhau thì ý kiến đa số sẽ được lựa chọn, có thể có 3 ý kiến thì sẽ không áp dụng bằng cách ra biểu quyết, mà tính bằng việc số ý kiến ủng hộ cho số tiền ít hơn. Ví dụ 2 thành viên nghĩ là 10 đô là phù hợp, còn 1 người nghĩ rằng 20 đô mới là phù hợp và 2 người khác thì nghĩ là 30 đô là phù hợp. Như vậy đã có 3 người đã chọn từ 10-20 đô là phù hợp thì số tiền này sẽ được chấp nhận

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền hạn giám sát Hội đồng bồi thường nhà nước (Điều 15, Sắc lệnh của tổng thống) Bộ trưởng có thể ra lệnh hoặc có biện pháp cần thiết để quản lý và chỉ đạo mỗi Hội đồng BTNN và khi Bộ trưởng nghĩ là cần thiết thì Bộ trưởng có thể chỉ định cán bộ ở cấp tư pháp hoặc cán bộ ở cấp vùng thay mình điều chỉnh. Việc thay thế người có quyền ở các Hội đồng diễn ra khi phát hiện có những hành động sai trái của những người đứng đầu Hội đồng.

Hội đồng này cũng phải báo cáo đến Bộ trưởng những vụ việc mà có ảnh hưởng đến công chúng trước khi đưa ra một quyết định. Bộ trưởng có thể sẽ đưa ra một số hướng dẫn để vừa đảm bảo lợi ích của người dân vừa đảm bảo ngân quỹ của Hội đồng. Vì vậy người đứng đầu Hội đồng cấp vùng cũng phải cân nhắc trong việc ra quyết định bồi thường.

Tất cả các loại vụ, cho dù là hành chính, tư pháp thì đều được qua Hội đồng bồi thường nhà nước để xem xét. Nếu một cá nhân nào đó không đồng thuận với quyết định của Hội đồng thì có thể kiện ra toà ngay.

ở Hàn Quốc nếu người bị thiệt hại không hài lòng ở cấp trung ương thì họ không có cách nào khác để kiện cấp cao hơn, chỉ có cách duy nhất là ra Toà, tức là cấp Hội đồng bồi thường trung ương là cấp cao nhất giải quyết bồi thường ngoài toà án ra.
Trước năm 2000, người nào muốn nhận được bồi thường thì phải làm đơn đến Hội đồng bồi thường cấp vùng có thẩm quyền nơi người đó cư trú, có nhà hoặc nơi phát hiện nguyên nhân để đòi bồi thường, tức là không thể đến thẳng Toà án yêu cầu bồi thường.

Nhưng từ năm 2000, theo quy định mới, thì người bị hại có quyền kiện thẳng ra toà mà không cần bắt buộc phải qua Hội đồng bồi thường như trước đây.

ở Hàn Quốc có một đạo luật về đại diện hợp pháp đối với trường hợp Nhà nước là bị đơn. Theo luật của Nhật Bản, nếu Nhà nước bị kiện, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ đại diện Nhà nước ra toà. Còn tại Hàn Quốc, văn phòng công tố cao cấp có một nhóm đại diện hợp pháp cho Nhà nước ra toà. Văn phòng công tố cao cấp này nằm ngoài Bộ Tư pháp nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Tư pháp. Tổng thống có thể kiểm soát hệ thống văn phòng công tố này mà không phải là Bộ Tư pháp.

Công tố viên cũng chính là các luật sư nên có thể đại diện cho Nhà nước. Nhưng trong luật của Hàn Quốc, Bộ Tư Pháp cũng có thể cử một luật sư độc lập, không nhất thiết lấy từ cơ quan công tố để đại diện cho Nhà nước. Nếu văn phòng công tố thấy không tự tin giải quyết, họ có thể thuê luật sư bên ngoài

7. Về đền bù hình sự 

          Để đền bù cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, Hàn Quốc có Luật Đền bù hình sự riêng (ban hành năm 1958). Trong Luật Đền bù hình sự quy định: một người được tuyên bố là vô tội, trước khi tuyên bố như vậy, nếu người này bị giam giữ thì sẽ được bồi thường. Trong luật này, mức độ bồi thường sẽ được quyết định ít nhất là 1/2 USD một ngày cho tới mức tối đa đã được quy định trong Sắc lệnh của Tổng thống (Tổng thống là người quyết định mức trần còn Quốc hội quyết định mức sàn). Còn trong từng vụ việc cụ thể thì Toà án đã tuyên bố vô tội sẽ quyết định mức bồi thường. Họ sẽ xem xét các tình tiết cụ thể, ví dụ thời gian giam giữ là ngắn hay dài; mức căng thẳng thần kinh là cao hay thấp; thu nhập của người vô tội là nhiều hay ít, mức độ lỗi của các cơ quan điều tra trong khi tiến hành hoạt động điều tra là cố ý hay vô ý…để quyết định mức bồi thường cụ thể  cho người bị oan.

Bản chất của đền bù hình sự khác hẳn với bồi thường nhà nước. Trong Luật Bồi thường nhà nước, để quy được trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước thì người bị hại phải xác định được rõ công chức nào đã thực hiện hành vi sai trái, nhưng trong Luật Đền bù hình sự thì không cần tìm hiểu cá nhân nào trực tiếp gây ra thịêt hại để quyết định có được đền bù hay không mà chỉ xem xét về mức đền bù. Nếu thẩm phán hoặc kiểm sát viên cố tình đưa ra những quyết định sai trái thì người bị oan có thể yêu cầu được bồi thường theo Luật Bồi thường nhà nước chứ không nhất thiết phải theo Luật Đền bù hình sự.

Để giải quyết việc đền bù hình sự ở Hàn Quốc, có một Hội đồng riêng, Hội đồng này là một Hội đồng đặc biệt được thành lập tại văn phòng công tố vùng, có tên riêng là “Hội đồng đền bù” đối với những người đã bị oan, chứ không phải là Hội đồng Bồi thường nhà nước như trong Luật Bồi thường nhà nước. Trong trường hợp này không cần chứng minh công tố viên đã có hành vi sai trái, mà điều này đã xảy ra rồi và Nhà nước đền bù cho những thiệt hại đã gây ra cho người bị oan. Đối với những phán quyết sai lầm của công tố có liên quan đến hoạt động tư pháp sẽ có một cơ chế bồi thường tự động để đảm bảo công tố viên tham gia hoạt động một cách tích cực đồng thời bảo vệ được nhanh chóng các quyền lợi của người bị hại, Hội đồng đền bù tại Văn phòng công tố cấp vùng sẽ quyết định mức bồi thường là bao nhiêu.

* Các trường hợp được đền bù

- Một cá nhân được xử vô tội theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hoặc thủ tục phúc thẩm đặc biệt như quy định tại Luật Tố tụng hình sự mà bị giam giữ trong thời gian xét xử có quyền yêu cầu Nhà nước đền bù cho việc giam giữ đó theo quy định của luật này.

- Một cá nhân được xử vô tội theo thủ tục phúc thẩm sau thời hạn kháng cáo hoặc theo thủ tục phúc thẩm đặc biệt mà đã bị giam giữ hoặc chịu hình phạt theo quy định của bản án sơ thẩm, có quyền yêu cầu đền bù cho việc giam giữ hoặc chịu hình phạt đó.

* Mức đền bù

- Số tiền đền bù cho việc giam giữ là 5000 won (đồng tiền Hàn Quốc) hoặc nhiều hơn nhưng không vượt quá số tiền cho một ngày được quy định trong Sắc lệnh của tổng thống.

- Trường hợp bị cáo phải thực thi hình phạt, ngoài việc đền bù cho việc giam giữ trước khi thực hiện hình phạt thì sẽ được đền bù, tiền đền bù sẽ không vượt quá 30 triệu won.

* Toà án giải quyết

Toà án đã ra phán quyết vô tội sẽ là toà án thụ lý yêu cầu đòi bồi thường. Toà án sẽ ra quyết định sau khi nghe ý kiến của công tố viên và người đòi bồi thường. Toà án tuyên bố vô tội sẽ quyết định mức bồi thường nhưng việc bồi thường sẽ được thực hiện bởi văn phòng công tố và cũng chính là bị đơn trong vụ này. Như vậy, trong các vụ khởi tố tại tòa khi người bị hại đã được tuyên bố là vô tội công tố viên sẽ là người gây hại.

* Thủ tục thanh toán

Cá nhân nào muốn thanh toán tiền bồi thường phải nộp quyết định bồi thường của toà án và yêu cầu thanh toán bồi thường bằng văn bản cho Cơ quan hành chính công tố công tương ứng với Toà án đã ra quyết định bồi thường trong vòng 1 năm.

* Trường hợp đền bù nghi phạm

- Cá nhân là nghi phạm bị giam giữ là đối tượng không bị truy tố bởi công tố viên có quyền đòi Nhà nước bồi thường cho việc giam giữ đó, trừ khi có lý do cho việc không truy tố sau khi bắt giữ và việc truy tố đó chưa có hiệu lực hoặc được thực hiện theo Điều 247 của Luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc.

- Cơ quan giải quyết bồi thường nghi phạm là Uỷ ban bồi thường nghi phạm, được thành lập trong cơ quan hành chính công tố cấp vùng và được đặt dưới sự giám sát và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ tư pháp. Thẩm quyền, tổ chức và hoạt động của Uỷ ban được quy định trong Sắc lệnh của Tổng thống.

- Thủ tục: Cá nhân có yêu cầu bồi thường phải gửi yêu cầu tới Uỷ ban bồi thường nghi phạm của cơ quan hành chính công tố vùng nơi công tố viên ra quyết định không truy tố làm việc hoặc tới Uỷ ban bồi thường nghi phạm của cơ quan hành chính công tố quận có chi nhánh  mà công tố viên ra quyết định không truy tố làm việc.

8. Mô hình tố tụng và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường

Tại Hàn Quốc, Toà hành chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước

Luật đầu tiên, áp dụng đối với nghĩa vụ trách nhiệm bồi thường nhà nước là Luật Bồi thường nhà nước của Hàn Quốc năm 1951. Trong Luật này chỉ có 17 Điều, không đủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường nhà nước. Do vậy, khi có vấn đề không được đề cập đến trong Luật Bồi thường nhà nước thì sẽ sử dụng luật thứ 2 đó là Bộ luật Dân sự. Như vậy có thể nói rằng cả Luật công và Luật tư đều được áp dụng trong những trường hợp này.

Một cơ quan Nhà nước bác bỏ một giấy phép kinh doanh nào đó, việc bác bỏ đó là trái phép thì cá nhân chịu ảnh hưởng bởi quyết định hành chính này có hai lựa chọn để giải quyết: Một là phản đối quyết định của cá nhân đã ra quyết định đó, hai là yêu cầu bồi thường việc ra quyết định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Để có thể phản đối quyết định của cơ quan này, anh ta có thể ra tòa hành chính nhưng trước đó phải đến tòa dân sự để lấy bồi thường. Tòa dân sự phải quyết định việc từ chối cấp phép đó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Việc quyết định một quyết định hành chính là hợp pháp hay bất hợp pháp thuộc về tòa hành chính, nhưng toà dân sự cũng có thể quyết định được điều này. Nhưng toà dân sự không thể huỷ quyết định, mà chỉ được tuyên bố là đó là hành vi hợp pháp hay không. Nghĩa là Tòa dân sự có thể tuyên bố quyết định nhập khẩu là hợp pháp hay không, nhưng phán quyết này không có hiệu lực pháp luật ngay lập tức, tựu chung lại cá nhân này không thể nhập khẩu qua hải quan, nhưng vẫn nhận được một khỏan tiền bồi thường từ tòa dân sự.

9. Trách nhiệm hoàn trả của công chức

Tại Hàn Quốc, sau khi Nhà nước bồi thường cho bên bị thiệt hại thì Nhà nước có thể yêu cầu công chức bồi hoàn cho nhà nước nếu lỗi này là lỗi cố ý; còn lỗi vô ý do bất cẩn thì Nhà nước không yêu cầu công chức này bồi hoàn.

10. Về Quỹ bồi thường

Tại Hàn Quốc, Quỹ bồi thường nhà nước là một quỹ tập trung, về mặt cơ bản việc bồi thường nhà nước sẽ được thực hiện từ ngân sách của nhà nước và do Bộ Tư pháp quản lý. Như vậy các cơ quan của nhà nước khi có công chức gây ra thiệt hại thì Bộ Tư pháp sẽ phải thanh toán khoản tiền này. Tuy nhiên, có một Quỹ đặc biệt, đó là Quỹ dành cho những quân nhân trong quân đội. Khi một quân nhân bị trúng đạn của một quân nhân khác, thì trong những trường hợp như thế việc bồi thường sẽ được thực hiện qua Quỹ này và Quỹ này sẽ do Bộ Quốc phòng quản lý. Đối với cấp địa phương thì việc bồi thường nhà nước mà có liên quan đến chính quyền địa phương sẽ sử dụng ngân sách của chính địa phương đó

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ & Pháp luật)
  
  
  
  
  
 

Các văn bản liên quan