Ông Nguyễn Việt Khoa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014
Bà Thái Thị Tuyết Dung - Đại học Luật TPHCM góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014
Luật sư Võ Thị Như Ngọc – Trưởng VPLS Võ Thị Như Ngọc góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014
VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN DOANH NGHIỆP
TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Luật sư Võ Thị Như Ngọc
Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng. Ngày nay khi xã hội nhấn mạnh đến trách nhiệm của nhà nước đối với công dân, trách nhiệm duy trì và đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho từng người dân, đảm bảo các quyền và tự do cơ bản cho mọi người trong một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh thì vai trò nói trên càng được nhân lên gấp bội. Vì vậy việc quy định về lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm dân chủ trong xây dựng pháp luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít khi nhận được ý kiến góp ý của doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do việc lấy ý kiến còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có hướng dẫn cụ thể về những nội dung cần tập trung đối với từng đối tượng có liên quan. Văn bản pháp luật được soạn thảo thường là đồ sộ, khó tiếp cận, khó tham gia ý kiến. Nhận thức vai trò tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, dự thảo luật bổ sung, xác định rõ quyền tham gia của người dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thi hành pháp luật. Cơ chế lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân một cách hiệu quả, thiết thực thông qua hai đầu mối chính là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Trong những năm qua, mặc dù chưa được pháp luật quy định về thẩm quyền chủ trì lấy ý kiến kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, tuy nhiên Phòng Thương mại Công Nghiệp Việt Nam ( VCCI ) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đã tổng hợp được những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong việc sửa đổi những quy định pháp luật chưa phù hợp, những quy định còn mang tính chất “rào cản” đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật (dự thảo lần 3) thì: “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp.”
Như vậy, với quy định này, vai trò của VCCI sẽ được nâng tầm, theo đó trách nhiệm của VCCI về tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp không còn mang tính “tự phát” mà sẽ được “luật hóa” nếu dự thảo nêu trên được thông qua. Điều này khẳng định vị trí, vai trò của VCCI trong việc đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để VCCI thực hiện tốt các nhiệm vụ, chức năng chủ trì của mình trong quá trình lấy ý kiến của doanh nghiệp cũng là một vấn đề cần phải được cân nhắc.
Có thể nói, trong thời gian qua việc lấy ý kiến người dân nói chung và việc lấy ý kiến doanh nghiệp nói riêng còn nhiều hạn chế. Cụ thể là nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng không tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp, hoặc lấy ý kiến theo kiểu “có lệ”. Do đó, văn bản được ban hành không thể hiện được ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp, thậm chí còn là “rào cản” đối với doanh nghiệp. Việc ban hành những văn bản như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là từ phía cơ quan soạn thảo “không tiếp thu” hoặc “không muốn tiếp thu” ý kiến góp ý của doanh nghiệp. Việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật còn mang ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo theo kiểu: “Góp ý thì cứ việc góp ý, còn quyết định như thế nào là quyền của cơ quan soạn thảo”.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, VCCI cần rà soát, thống kê lại trong tất cả những văn bản góp ý của VCCI đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, có bao nhiêu ý kiến đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu?
Từ tỷ lệ các ý kiến đã được tiếp thu, chúng ta sẽ thấy được thực trạng của việc lấy ý kiến góp ý ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua có hiệu quả hay không?
Theo quan điểm cá nhân của tác giả, để việc lấy ý kiến của doanh nghiệp thật sự có hiệu quả, cần thực hiện theo hướng:
1. Thứ nhất, việc tổ chức lấy ý kiến cần phải mang tính thực chất, không nên làm cho có thủ tục. Cần tăng cường trách nhiệm của VCCI trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
2. Thứ hai, khi nhận được văn bản tổng hợp ý kiến góp ý của doanh nghiệp từ phía VCCI, cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm trả lởi VCCI về việc tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến góp ý nói trên. Sau đó, VCCI sẽ có phản hồi về việc tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến của cơ quan soạn thảo.
3. Thứ ba, trong trường hợp ý kiến của cơ quan soạn thảo và ý kiến góp ý của VCCI còn khác nhau hoặc có mâu thuẫn, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, theo đó cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, quyết định ý kiến nào là phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tính khách quan.
Trên đây là một số ý kiến của tác giả đối với việc tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật./.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VÕ THỊ NHƯ NGỌC
TRƯỞNG VĂN PHÒNG
LUẬT SƯ VÕ THỊ NHƯ NGỌC