Dự kiến nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp

Thứ Sáu 10:06 26-05-2006
(Nội dung sau được trích từ Tờ trình của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ về tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư)

a) Về phạm vi điều chỉnh

- Luật Doanh nghiệp (thống nhất) quy định các hình thức pháp lý của tổ chức sản xuất, kinh doanh, tức là về thành lập, tổ chức quản lý nội bộ, giải thể (nếu rơi vào tình trạng phá sản thì áp dụng Luật Phá sản) theo các loại hình doanh nghiệp (như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân). Cần xóa bỏ những điểm khác biệt trong hệ thống luật hiện hành về trình tự và thủ tục thành lập, về tổ chức quản lý và quyền tự chủ kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp, về chế độ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, về giải thể doanh nghiệp... Đương nhiên, để hình thành môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, xóa bỏ những phân biệt đối xử theo sở hữu, còn phải hoàn chỉnh tiếp nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (như về sử dụng đất đai, về tín dụng, thuế, thương mại, về hợp tác, cạnh tranh, phá sản...).

Ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) còn bao gồm cả các tổ chức, đơn vị cung ứng các dịch vụ giáo dục, đào tạo, văn hóa, tư vấn pháp lý, chăm sóc sức khỏe...

Trong Luật Doanh nghiệp (thống nhất) phải bao gồm nội dung về tổ chức quản lý nội bộ của các loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân... Các loại hình công ty như công ty mẹ - công ty con, công ty đầu tư kinh doanh vốn cũng tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Đối với doanh nghiệp nhà nước, cần quy định các vấn đề về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (thống nhất). Các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hoạt động theo các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty 100% vốn nhà nước cũng là công ty trách nhiệm hữu hạn), các công ty cổ phần nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần hoặc vốn góp chi phối của Nhà nước đều được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, chức năng của tổ chức và cá nhân được ủy quyền đại diện chủ sở hữu.

- Đối với các hộ kinh doanh cá thể công thương nghiệp (trước đây gọi là "hộ 66"), từ khi có Luật Doanh nghiệp 1999, họ đã đăng ký theo Luật Doanh nghiệp tại quận, huyện, nhưng trong thực tế, có những hộ đang tổ chức và kinh doanh như doanh nghiệp. Nay những hộ kinh doanh cá thể có sử dụng hơn 10 lao động hoặc có hơn một địa điểm kinh doanh sẽ phải chuyển đổi thành doanh nghiệp (theo Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 2-4-2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doah). Các trang trại sản xuất, chế biến hoặc kinh doanh nông, lâm, thủy sản, cũng cần quy định rõ tiêu chuẩn và khuyến khích đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Đối với các hộ nông dân sản xuất hàng hóa, tuy không đặt vấn đề đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp, nhưng cũng được khuyến khích và bảo hộ đầu tư như doanh nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành còn quy định về loại hình doanh nghiệp, về thủ tục cấp phép, về tổ chức và quản lý doanh nghiệp có vốn nước ngoài; nay cần đưa tất cả các quy định đó vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất), còn Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư chỉ tập trung vào các nội dung khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Để thực hiện chủ trương đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành trung ương 9 (Khóa IX) "mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài", cần mở rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể đăng ký hoạt động theo 04 loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân), tức là các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thành lập công ty cổ phần, công ty hợp danh với một số điều kiện cụ thể, rõ ràng.


cool.gif Về ngành nghề kinh doanh

- Tôn trọng quyền của doanh nghiệp tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm, hết sức hạn chế những ngành, nghề, lĩnh vực cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Ngành nghề kinh doanh được thu gọn trong hai nhóm: ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (cần có vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề hoặc các điều kiện khác); ngành nghề tự do kinh doanh (tức là tất cả các ngành nghề, trừ các ngành nghề thuộc nhóm nói trên). Các ngành, nghề chỉ cho một số đơn vị được sản xuất, kinh doanh hoặc cấm kinh doanh như quy định hiện hành sẽ được quy định trong loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Các quy định về ngành nghề kinh doanh đều được đưa vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất); Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư chỉ tập trung vào các nội dung khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

- Trường hợp cần có ngoại lệ, như ngành, nghề hoặc lĩnh vực hạn chế, cần có quy định đặc thù trong đầu tư, kinh doanh, áp dụng chung hoặc riêng cho từng nguồn vốn đầu tư và doanh nghiệp theo tính chất sở hữu, thì cần xác định cụ thể mục đích và lý do kèm theo danh mục ngành, nghề hoặc lĩnh vực; đồng thời cần đánh giá mức độ hiệu lực, tác động tiêu cực và tích cực của những quy định đó đối với yêu cầu phát huy các nguồn lực, đối với tính công bằng, bình đẳng và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Các ngoại lệ cần được quy định cụ thể, minh bạch, hợp lý và nhất quán, có phạm vi giới hạn, lộ trình thực hiện, theo hướng dần dần loại bớt, không tăng thêm.

- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: quyền kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở rộng phù hợp với các yêu cầu và lộ trình cam kết quốc tế, nhất là các quy định của WTO; tinh thần chung là giảm bớt các hạn chế, mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài. Giảm tối đa những hạn chế về ngành, nghề kinh doanh: những quy định bắt buộc về vốn tối thiểu, tỷ lệ góp vốn... Một số lĩnh vực và địa bàn kinh doanh cần quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, giao cho Chính phủ quy định cụ thể (để có thể thay đổi theo lộ trình).

Xóa bỏ ngay những hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các quy hoạch ngành còn nặng về bảo hộ sản xuất trong nước, như: chỉ cho phép mở rộng sản xuất của các liên doanh xi măng khi tỷ lệ vốn pháp định của Việt Nam trong liên doanh đạt tối thiểu từ 40% trở lên và các dự án xi măng mới chỉ được thực hiện theo hình thức công ty cổ phần trong đó Tổng công ty nhà nước giữ cổ phần chi phối; hoặc như trong các dự án khai thác quặng sắt, sản xuất phôi thép, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia dưới hình thức liên doanh.

- Đối với doanh nghiệp nhà nước: vốn của Nhà nước cần tập trung vào xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉ đầu tư vào những ngành, nghề kinh doanh rất cần thiết cho nền kinh tế quốc dân mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không có khả năng đầu tư. Thực hiện đúng các quy định trong Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 về đầu tư bằng vốn nhà nước, thành lập công ty nhà nước.


c) Về thủ tục và điều kiện thành lập doanh nghiệp

- Thực hiện phổ biến cơ chế đăng ký kinh doanh áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đăng ký kinh doanh, thu hẹp diện xin phép đầu tư gắn với một dự án cụ thể như quy định hiện hành: sau khi đăng ký kinh doanh, nếu thành lập một doanh nghiệp, họ cũng sẽ phải thực hiện các thủ tục như nhà đầu tư trong nước và một số quy định bổ sung (nếu cần) được ghi rõ trong luật.

- Đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc biệt hoặc quy mô lớn, như dầu khí, khai khoáng, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không, xây dựng cảng, đào tạo... vẫn cần áp dụng cơ chế thẩm định chấp thuận đầu tư nhưng phải đơn giản hóa quy trình thẩm định và sẽ bãi bỏ dần theo lộ trình đã cam kết với bên ngoài.


d) Về quản lý nội bộ trong doanh nghiệp.

- Đề cao quyền tự do kinh doanh, tự chủ của doanh nghiệp, mặt khác, phải nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp. Quy định rõ Nhà nước đòi hỏi gì ở doanh nghiệp, đồng thời xác định các loại trách nhiệm mà doanh nghiệp phải làm tròn: trách nhiệm với Nhà nước, với khách hàng, với các đối tác, với người lao động trong doanh nghiệp, với địa phương sở tại, với cộng đồng xã hội... và chế tài khi doanh nghiệp vi phạm các quy định.

- Bổ sung, hoàn chỉnh tiếp các quy định về quản lý nội bộ của từng loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân), trong đó có các vấn đề về chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, mua lại, cũng như về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc quản trị, thẩm quyền và quá trình ra quyết định trong nội bộ công ty, việc bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số... Đối với doanh nghiệp liên doanh, xóa bỏ nguyên tắc đòi hỏi phải nhất trí của Hội đồng quản trị về những vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp; quy định tổng giám đốc, phó giám đốc thứ nhất phải là người Việt Nam; về thành viên Hội đồng quản trị...

Các văn bản liên quan