Góp ý của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Ba 09:27 23-05-2006
Phùng Đắc Lộc
Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin góp ý như sau:

1. Điều 3 điểm 1 đề cập đến thuật ngữ “Phí sử dụng tiền mặt” mà toàn văn dự thảo Nghị định không có điều nào đề cập đến thuật ngữ này, như vậy là thừa. Phí này nên để các Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng tự đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh lành mạnh của thị trường tiền tệ. Nếu quá cao, người gửi và rút tiền sẽ không chấp thuận với ngân hàng và tổ chức tín dụng đó. Hiện nay đa số các Ngân hàng Thương mại Việt Nam đều không thu phí này. Không nên đưa ra quy định để có tiền lệ xấu.

2. Điều 4 Hạn mức thanh toán bằng tiền mặt đưa ra với 5 triệu đồng và 10 triệu đồng với một khoản chi là không hợp lý bởi:
- Dù tiêu bằng tiền Ngân sách Nhà nước hay không thì các khoản chi đòi hỏi bằng tiền mặt là như nhau.
- Rất nhiều khoản chi trả cho người thụ hưởng không có tài khoản mở tại Ngân hàng là phải thanh toán bằng tiền mặt: thợ sửa chữa, thợ xây dựng, cửa hàng bán lẻ của tư nhân, nông dân bán sản phẩm.. số tiền quy định 5 triệu, 10 triệu trên thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu phải thanh toán.
- Có rất nhiều khoản chi dang được khuyến khích như đóng góp quỹ từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai tai nạn, hỗ trợ học bổng, hoạt động văn hoá thể thao… phải dùng bằng tiền mặt với số lượng lớn hơn quy định 5 triệu đồng, 10 triệu đồng rất nhiều.
- Quy định này có kiểm soát được không khi họ dùng thẻ ATM để chi tiêu
- Quy định này có trái với một số sản phẩm tín dụng hiện nay như cho vay tiêu dùng với cán bộ công nhân viên, cho vay hộ nông dân, thậm chí cho vay các nhu cầu chi tiêu bằng tiền mặt (mua nông sản thuỷ sản..)

3. Điều 6- Việc giao cho kho bạc quy định tồn quỹ tiền mặt cho các tổ chức sử dụng Ngân sách nhà nước là tạo ra cơ chế xin cho mà chúng ta đang cố gắng xóa bỏ lối điều hành mệnh lệnh hành chính quan liêu bao cấp.
- Quy định về tồn quỹ tiền mặt đối với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế xã hội khác liệu có mâu thuẫn khi tiền để trong két là của họ không bị mất phí, nếu vượt mức tồn quỹ phải gửi ở Ngân hàng và tổ chức tín dụng lại mất thêm “phí sử dụng tiền mặt”
- Nếu không cẩn thận sẽ có tình trạng khan hiếm tiền mặt, “đổi séc lấy tiền mặt” như những giai đoạn đầu những năm 90 đã xảy ra khi nhu cầu chi tiêu tiền mặt vượt quá giới hạn mức tồn quỹ trên.
- Quy định trên có kiểm soát được không khi người ta chuyển sang thẻ ATM, rút tiền tự động để chi tiêu không có giới hạn.
- Quy định trên có thể kiểm soát được không khi các tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN chuyển tiền của mình sang ngoại tệ mạnh để trong két hoặc gửi vào tiết kiệm không kỳ hạn rồi rút ra chi tiêu.

4. Điều 9- Điểm 1 Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chịu sự quản lý của ngân hàng nhà nước xong họ phải cạnh tranh nhau để lôi kéo khách hàng trong đó có khách hàng gửi tiền, vay tiền, thanh toán. Vì vậy, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng không dễ gì tố cáo vi phạm của khách hàng và họ cũng không có quyền xử lý vi phạm của khách hàng theo quy định này.
- Điểm 2 Giao cho kho bạc nhà nước, Tổng cục Thuế thêm chức năng kiểm tra trong bối cảnh ngành Thuế đang áp dụng hậu kiểm để các doanh nghiệp tự kê khai đóng thuế. Điều này lại đẩy lùi lại cảnh ngày xưa nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, cán bộ thuế hàng tháng phải vào doanh nghiệp để kiểm tra chứng từ trong đó có chứng từ chi bằng tiền mặt mà ý nghĩa tác dụng của việc quản lý này không lớn lắm.

5. Điều 10 Quy định các tổ chức phải mở sổ sách theo dõi tiền mặt, cập nhật số liệu thu chi hàng ngày và báo cáo theo quy định của chế độ kế toán tài chính là hoàn toàn thừa vì đây đã được quy định cụ thể của Luật kế toán và chế độ kế toán hiện hành.

Xin gửi Quý Phòng Thương mại và CN Việt Nam lời chào trân trọng.

Các văn bản liên quan