Nhận xét dự thảo báo cáo tổng hợp rà soát văn bản pháp luật – Luật Đầu tư 2005 – Công ty Luật Việt

Thứ Ba 14:56 30-08-2011

NHẬN XÉT
DỰ THẢO BÁO CÁO TỔNG HỢP RÀ SOÁT VĂN BẢN PHÁP LUẬT
- LUẬT ĐẦU TƯ 2005 -

 

PHẦN I
NHẬN ĐỊNH CHUNG VÀ TÓM LƯỢC KẾT QUẢ RÀ SOÁT

Vấn đề 1:          Xác định rõ phạm vi áp dụng của Luật Đầu tư

Luật Đầu tư nên quy định về khuyến khích và bảo hộ Nhà đầu tư trong các lĩnh vực cần thiết để phát triển kinh tế xã hội.

Đồng ý với các kiến nghị. Các quy định về giám sát triển khai và thực hiện dự án đầu tư đều quy định rất rõ ràng tại các luật chuyên ngành khác như pháp luật về đất đai, pháp luật về các tổ chức tín dụng … Không cần thiết phải quy định mục này vì quy định rất chung chung và chồng chéo với các luật chuyên ngành khác, đồng thời, dẫn đến việc Nhà đầu tư phải nộp rất nhiều tài liệu về báo cáo thực hiện dự án đầu tư cho cơ quan quản lý về đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành. Việc này tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho Nhà đầu tư.

Vấn đề 2:          Xác định rõ ràng khái niệm “Nhà đầu tư nước ngoài”

Đồng ý với các kiến nghị sửa đổi. Cần rà soát, làm rõ và thống nhất khái niệm “Nhà đầu tư nước ngoài” trong tất cả các văn bản pháp luật hiện hành.

Vấn đề 3:      Bỏ cách phân biệt hoạt động đầu tư như Luật Đầu tư hiện nay

Đồng ý với kiến nghị. Việc phân biệt đầu tư trực tiếp hay gián tiếp như hiện nay không rõ ràng. Vì dù là trực tiếp hay gián tiếp thì các Nhà đầu tư vẫn phải trực tiếp bỏ tiền vào đầu tư. Kể cả khi đầu tư gián tiếp, các doanh nghiệp (ngân hàng, tài chính, bất động sản, …) đều lựa chọn đối tác chiến lược có danh tiếng, thương hiệu để phát triển kinh doanh của mình. Do đó, cần nghiên cứu kỹ về việc phân biệt “Đầu tư gián tiếp” hay “Đầu tư trực tiếp”.

Quy định về việc đầu tư gián tiếp là không tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp thậm chí có đi ngược với tinh thần của Luật Doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của cổ đông/thành viên công ty.

Vấn đề 4:          Bỏ thủ tục đăng ký/thẩm tra đầu tư như một thủ tục độc lập

Đồng ý với kiến nghị. Vì việc thẩm tra dự án đã có rất nhiều luật chuyên ngành (các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, viễn thông, chứng khoán …) điều chỉnh chi tiết. Việc thẩm tra này là trùng lặp và tăng thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Vấn đề 6:          Chấm dứt dự án đầu tư

Đồng ý với kiến nghị sửa đổi. Việc chấm dứt dự án đầu tư phải hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định. Hơn nữa, với quy định hiện hành, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, phân phối, … sau một thời gian ngắn hoạt động vừa xây dựng được kênh bán hàng, phân phối và chưa kịp mở rộng mạng lưới kinh doanh đã hết “thời hạn hoạt động”. Hơn nữa, sự hoạt động của doanh nghiệp phải do doanh nghiệp, thị trường, khách hàng quyết định không thể do “mệnh lệnh hành chính được”. Việc giới hạn thời hạn hoạt động sẽ do các luật chuyên ngành điều chỉnh ví dụ như cấp giấy phép hoạt động viễn thông, ngân hàng …

Cụ thể, chúng tôi kiến nghị phương án sửa điều chỉnh như sau: Nên tách vấn đề chấm dứt dự án (một kế hoạch kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp) và việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.

(i)             Đối với việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì cần loại bỏ.

(ii)            Đối với việc chấm dứt một dự án theo phương án kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chuyển cho luật chuyên ngành cụ thể điều chỉnh. Luật đầu tư chỉ quy định nguyên tắc chung khi chấm dứt.

Vấn đề 7:          Điều chỉnh, thay đổi dự án đầu tư

Về cơ bản đồng ý với kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ vì đây là những hoạt động kinh doanh thuần túy của doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, phần mềm máy tính, …). Việc phải “điều chỉnh, thay đổi dự án đầu tư” gây ra phiền hà, tăng thêm gánh nặng thủ tục hành chính và can thiệp vào hoạt động kinh doanh đơn thuần của doanh nghiệp.

Vấn đề 8:          Chuyển nhượng dự án

Đồng ý với kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ hơn có cần khái niệm này không? Vì việc “chuyển nhượng dự án” nhất là dự án có tài sản hữu hình như tòa nhà, nhà xưởng, … là việc mua bán tài sản của doanh nghiệp, nhưng theo quy định hiện hành nó phải có “dự án” nên mới sinh ra “chuyển nhượng dự án”. Bản chất là việc mua bán tài sản.

Hơn nữa, với những “dự án” về kinh doanh thương mại thì “chuyển nhượng dự án” là chuyển nhượng cái gì?

Vấn đề 9:          Giấy chứng nhận ĐKKD đồng thời là GCNĐT

Đồng ý với kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, xem xét liệu có cần “Giấy chứng nhận đầu tư” không?

Theo chúng tôi, nên xác định nội dung cần cấp Giấy chứng nhận đầu tư như hiện nay là một giấy phép con cho các ngành nghề có điều kiện, ngành nghề nhà nước cần quản lý chặt chẽ. Không cần cấp “Giấy chứng nhận đầu tư” cho các hoạt động thương mại hoặc các ngành nghề không có điều kiện hoặc theo lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam.

Hiện nay, có rất nhiều luật chuyên ngành có trình tự thủ tục riêng cho việc cấp phép “giấy phép con” này như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, ...

Một ví dụ khác, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản là xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng công trình. Vậy doanh nghiệp cần “Giấy chứng nhận đầu tư” để làm gì?

Do đó, kiến nghị bỏ “Giấy chứng nhận đầu tư” vì các luật chuyên ngành đã có quy định về việc cấp giấy phép con để hoạt động.

Vấn đề 10:        Lĩnh vực đầu tư có điều kiện

Nghị định 108 đã quy định rõ Danh mục đầu tư có điều kiện áp dụng cho Nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần làm rõ các khái niệm “Nhà đầu tư nước ngoài”, “Nhà đầu tư trong nước” để xác định cụ thể đối tượng áp dụng.

Vấn đề 12, 13:  Đầu tư của NĐT từ quốc gia không phải thành viên WTO; Đầu tư của NĐTNN trong ngành, lĩnh vực chưa cam kết WTO

Luật Đầu tư có phạm vi áp dụng chung cho mọi NĐT, ngành, lĩnh vực đầu tư không phân biệt NĐT đó có phải là thành viên WTO hay không, lĩnh vực, ngành đã có cam kết WTO hay chưa. Trường hợp NĐT từ quốc gia là thành viên WTO thì thực hiện theo các cam kết và hiệp định có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập.

Vấn đề 14:        Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước đây

Đề nghị cân nhắc để phù hợp với các sửa đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Cần tránh tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp (Vấn đề 16 – Phần II).

Vấn đề 15:        Chế độ báo cáo của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Chế độ báo cáo thống kê doanh nghiệp và báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư có nhiều điểm khác nhau nên giảm tải cho Nhà đầu tư.

Vấn đề 17:        Thủ tục của Luật Đấu thầu trong Luật Đầu tư

Đồng ý với kiến nghị cần bãi bỏ Điều 54 Luật Đầu tư vì nội dung của điều này đã được quy định trong Luật Đấu thầu. Việc đầu thầu dự án đầu tư cần thực hiện theo các luật chuyên ngành (nếu cần).

Vấn đề 18:        Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Đồng ý với kiến nghị của dự thảo.

Vấn đề 19:    Thành lập tổ chức công đoàn

Nên bỏ toàn bộ Điều 13 để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, theo đó quyền thuê, sử dụng lao động thuộc về doanh nghiệp do NĐT thành lập tại Việt Nam với vai trò người sử dụng lao động.

PHẦN II
RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ CỤ THỂ TỪNG VẤN ĐỀ
THEO CÁC TIÊU CHÍ THỐNG NHẤT

Đối với phần các tiêu chí rà soát, chúng tôi không đưa ra ý kiến bởi đây là các tiêu chí phù hợp với quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong phần II của Dự thảo, nhiều vấn đề thực tiễn đã được nêu ra và kiến nghị sửa đổi. Chúng tôi bổ sung một số nhận xét sau, tương ứng với vấn đề được đánh số trong Dự thảo:

Vấn đề 1:          Không rõ ràng về cách tiếp cận và phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 

Đối với nhóm phạm vi (1) và (2) của Dự thảo, chúng tôi đề nghị đưa chung vào nhóm phạm vi: “Các hoạt động đầu tư”. Như vậy sẽ có 3 nhóm phạm vi chủ yếu:

(i)     Các hoạt động đầu tư;

(ii)    Chính sách ưu đãi trong đầu tư, kinh doanh (như nêu tại Kiến nghị của Dự thảo);

(iii)   Quản lý và giám sát triển khai và thực hiện dự án đầu tư (như nêu tại Kiến nghị của Dự thảo).

Đồng thời, hiện nay, trên thực tế, ngoại trừ việc đảm bảo nguồn vốn pháp định hay vốn để ký quỹ theo quy định của pháp luật, phần lớn vốn của các dự án đầu tư nước ngoài chỉ là “vốn trên giấy”. Nhà đầu tư cam kết góp nhưng không góp trong thời hạn cam kết, trong khi đó, số vốn cam kết vẫn được tính vào tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, dẫn đến sự phản ánh không đúng về tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, cần cân nhắc bổ sung quy định với nội dung: “Hết thời hạn góp vốn đã cam kết, Chủ đầu tư (doanh nghiệp thực hiện dự án) cần cung cấp báo cáo tài chính có kiểm toán thể hiện việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn/huy động vốn hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh GCNĐT liên quan đến tiến độ góp vốn, quy mô vốn của dự án đầu tư (giảm vốn đầu tư trong trường hợp biết rõ sẽ không thể góp đủ). Nếu không, cơ quan cấp GCNĐT sẽ tự động thu hồi GCNĐT.”

Có thể cân nhắc quy định này chỉ áp dụng đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cả dự án đầu tư trong nước.

Riêng đối với nhóm phạm vi (4) nêu tại Kiến nghị của Dự thảo, cho rằng: “ phạm vi điều chỉnh của quy định này chỉ nên giới hạn đối với hoạt động đầu tư có sử dụng đất”, chúng tôi cho rằng việc giám sát triển khai và thực hiện dự án đầu tư không chỉ nên giới hạn đối với hoạt động đầu tư có sử dụng đất mà nên mở rộng áp dụng đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Vấn đề 3:          Khái niệm “dự án đầu tư” không rõ ràng, dẫn đến việc phạm vi áp dụng Luật Đầu tư không rõ ràng

Chúng tôi nhận thấy khái niệm “dự án đầu tư” sẽ ảnh hưởng đến việc một hoạt động kinh doanh có được coi là hoạt động đầu tư hay không, từ đó có chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư hay không. Nếu quy định khái niệm “dự án đầu tư” không rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư/thẩm tra đầu tư về bản chất cũng chỉ là thủ tục đăng ký kinh doanh.

Kiến nghị (1) : Xóa bỏ phân biệt dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, N hà đầu tư trong nước và nước ngoài khi thực hiện thủ tục đầu tư.

Chúng tôi thống nhất với Kiến nghị đã nêu. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc xoá bỏ phân biệt dự án đầu tư trong nước và nước ngoài không có nghĩa là loại bỏ các điều kiện đầu tư mà Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng khi thực hiện dự án đầu tư nước ngoài.

Kiến nghị (2) : Thống nhất quy trình cấp đăng ký và thẩm tra cấp GCNĐT thành “thẩm tra đầu tư” và gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất hoặc luật chuyên ngành điều chỉnh .

Chúng tôi bảo lưu ý kiến cho rằng quy trình thẩm tra cấp GCNĐT vẫn nên áp dụng với các dự án đầu tư vào lĩnh vực đầu tư có điều kiện chứ không chỉ đối với các dự án gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, do Nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực có điều kiện nên cần thực hiện theo thủ tục thẩm tra, theo luật chuyên ngành.

Vấn đề 4:          Quy định về khái niệm “Đầu tư trực tiếp” và “Đầu tư gián tiếp” không rõ ràng dẫn đến khó phân định rõ hai loại hình đầu tư này, ảnh hưởng đến các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác liên quan

Chúng tôi thống nhất với Kiến nghị của Dự thảo.

Vấn đề 5:          Thủ tục đăng ký dự án đầu tư, thẩm tra dự án đầu tư chưa hợp lý và rõ ràng

Cần xác định lại việc cấp “Giấy chứng nhận đầu tư” là một loại “giấy phép con” cho ngành nghề có điều kiện. Do vậy, việc cấp sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành tương ứng thực hiện theo luật chuyên ngành.

Chỉ quy định đối với trường hợp cần thẩm tra đầu tư hoặc đối với dự án đặc thù như gắn với sử dụng đất, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm ...

Vấn đề 6:          Quy định về hồ sơ đăng ký, thẩm tra đầu tư chưa rõ ràng, cụ thể và hợp lý

Chúng tôi thống nhất với các kiến nghị của Dự thảo.

Vấn đề 7:          Quy định về tạm ngừng, dãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư chưa hợp lý

Về Hồ sơ: Chúng tôi thống nhất với Kiến nghị của Dự thảo. Về Điều kiện và thủ tục: đề nghị nghiên cứu thêm và đưa ra giải pháp để chúng tôi có thể tiếp tục đưa ra ý kiến.

Vấn đề 8:          Quy định về chấm dứt dự án đầu tư chưa đầy đủ

Chúng tôi thống nhất với các Kiến nghị của Dự thảo.

Vấn đề 9:          Các quy định về điều chỉnh, thay đổi dự án đầu tư chưa đầy đủ

Kiến nghị (1): Xác định rõ ràng, cụ thể lại các trường hợp phải đăng ký thay đổi dự án đầu tư theo hướng: xác định những nội dung thay đổi nào là quan trọng và phải đăng ký trước khi thay đổi; còn thay đổi khác thì chỉ cần thông báo sau khi đã thay đổi (do nguyên nhân khách quan hoặc phạm vi điều chỉnh của luật khác).

Kiến nghị (2) : Thay đổi những nội dung trong dự án đầu tư sau phải xin phép trước khi thay đổi:

-            Chủ đầu tư ;

-            Tiến độ triển khai dự án;

-            Mục tiêu dự án.

Còn các thay đổi khác, như “hình thức”, “quy mô”, “vốn”, “thời hạn thực hiện dự án”, “địa điểm thực hiện dự án” thì chỉ cần thông báo sau khi thay đổi. Thay đổi các nội dung này là công việc của nhà đầu tư và do thị trường quyết định.

Vấn đề 10:    Quy định về chuyển nhượng dự án chưa hợp lý và đầy đủ

Chúng tôi thống nhất với kiến nghị của Dự thảo.

Vấn đề 11:        Quy định về giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gây khó khăn về mặt thủ tục cho doanh nghiệp chỉ muốn chuyển nhượng dự án mà không chuyển nhượng doanh nghiệp

Chúng tôi thống nhất với kiến nghị nêu trên.

Vấn đề 12:        Các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư chưa rõ ràng

Chúng tôi thống nhất với các Kiến nghị của Dự thảo.

Vấn đề 13:        Cơ chế để được hưởng một số ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng

Chúng tôi cho rằng đối với vấn đề ưu đãi đầu tư, nên quy định tại các luật thuế liên quan như Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất khẩu, nhập khẩu v.v. Không nên quy định tại Luật Đầu tư bởi vì quy định ở Luật Đầu tư sẽ không đủ chi tiết để thực hiện, mặt khác có thể sẽ có sự không thống nhất với các quy định về thuế, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.

Vấn đề 14:        Chưa có quy định rõ ràng về cơ chế và thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, lãnh thổ không phải là thành viên WTO

Đối với vấn đề này, Chúng tôi thống nhất với ý kiến nêu tại Dự thảo. Tuy nhiên, đối với 1 số lĩnh vực đầu tư cần bảo hộ nền kinh tế trong nước, có thể quy định hạn chế đầu tư nước ngoài đối với Nhà đầu tư đến từ quốc gia không phải thành viên WTO. Nếu quy định các Nhà đầu tư này được quyền đầu tư ngang bằng với Nhà đầu tư đến từ quốc gia là thành viên WTO thì sẽ dẫn đến trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân đến từ quốc gia là thành viên WTO tiến hành mở doanh nghiệp tại 1 số vùng lãnh thổ/quốc gia “thiên đường thuế”, sau đó dùng doanh nghiệp mới được thành lập đó làm Nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, tận dụng được ưu đãi thuế và do đó có khả năng cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Vấn đề 15:        Chưa có quy định rõ ràng về cơ chế và thủ tục đầu tư cho các Nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành/phân ngành dịch vụ “chưa cam kết” hoặc không được liệt kê trong biểu cam kết WTO

Chúng tôi thống nhất với Dự thảo.

Vấn đề 16:        Tồn tại song song hai hệ thống doanh nghiệp: (i) Hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài (đã hết hiệu lực); và (ii) Hoạt động theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005

Theo dự thảo báo cáo rà soát Luật Đầu tư năm 2005 đề xuất việc phải thực hiện đăng ký lại nếu không có chế tài cho doanh nghiệp là không hợp lý, gây phiền hà về thủ tục cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện việc này thì chỉ nên yêu cầu doanh nghiệp thông báo việc sửa đổi các nội dung cho phù hợp, không phải thực hiện theo thủ tục đăng ký.

Theo quan điểm của chúng tôi, nội dung này nên sửa đổi theo hướng sau:

-            Tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, không nên yêu cầu tất cả đều phải thực hiện thủ tục chuyển đổi hết theo luật năm 2005;

-            Chỉ cần có một quy định thống nhất mọi doanh nghiệp đều phải hoạt động theo luật năm 2005, nếu doanh nghiệp nào không điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư thì khi có tranh chấp sẽ áp dụng luật đang có hiệu lực để giải quyết. Trong trường hợp Điều lệ hoặc hợp đồng liên doanh … có quy định phù hợp với luật cũ và không phù hợp với luật năm 2005 cũng phải thực hiện theo quy định của luật năm 2005 dù trái với các quy định của luật năm 2005 là quy định khung cho các bên tự thỏa thuận.

Do vậy, cần sửa đổi lại quy định tại Điều 170.2 Luật Doanh nghiệp, nên để xác định rõ hậu quả của việc không đăng ký lại.

Vấn đề 17:        Chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp

Đã có Thông tư số 04/2011/TT-BKHĐT hướng dẫn Quyết định 77/2010/QĐ-TTg, nên không đưa ra việc không có văn bản hướng dẫn.

Đồng ý với quan điểm hợp nhất mọi chế độ báo cáo của doanh nghiệp thành một hệ thống báo cáo thống nhất (báo cáo doanh nghiệp, báo cáo dự án đầu tư của ngành nghề thương mại như hiện tại, báo cáo lao động, báo cáo luân chuyển ngoại tệ...).

Đồng ý với quan điểm loại bỏ báo cáo tháng.

Đề nghị loại bỏ cả việc báo cáo quý và báo cáo 6 tháng khỏi chế độ báo cáo doanh nghiệp. Trừ một số ngành chuyên biệt như bất động sản, xây dựng, ngân hàng và chứng khoán, thì thực hiện theo một chế độ báo cáo riêng theo từng tiến độ của dự án (có thể không định kỳ) và không áp dụng chế độ báo cáo doanh nghiệp. Đây là hình thức của chế độ hành chính mệnh lệnh. Với chính sách kinh tế mở như hiện nay, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc mình thực hiện, do vậy để phát hiện việc doanh nghiệp làm sai thì cơ quan quản lý cần phải đi kiểm tra. Nếu cơ quan quản lý chỉ xem xét báo cáo thì dễ dẫn đến hiện tượng báo cáo sai lệch mà vẫn không phát hiện được vi phạm.

Tuy nhiên, nên chuyển phần này sang Luật Doanh nghiệp. Luật đầu tư chỉ quản lý các báo cáo liên quan tới các dự án quan trọng (báo cáo theo “giấy phép con” được cấp).

Vấn đề 18:        Tương thích giữa Nghị định 108 và Luật Đầu tư

Tại Điều 47.4 Luật Đầu tư năm 2005 đã xác định: “Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư”. Do vậy, không thể nói việc phân cho Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư là không tương thích với Luật Đầu tư.

Tương tự, Điều 31.1 Luật Đầu tư năm 2005 đã xác định: “Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư”. Do vậy không thể nói việc Phụ lục III của Nghị định 108 là không tương thích với Luật Đầu tư.

Ngoài ra, trong 14 ngành nghề có điều kiện trong Phụ lục III của Nghị định 108, thì ngành nghề số 07 (Vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa) và ngành nghề số 11 (Đầu tư trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối) là ngành nghề đã có cam kết khi gia nhập WTO và không thuộc các điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư. Do vậy cần loại bỏ hai ngành nghề này khỏi danh mục có điều kiện.

Vấn đề 19:        Áp dụng thủ tục của Luật Đấu thầu trong Luật Đầu tư

Hiện tại không có quy định về trình tự thủ tục đấu thầu theo Luật Đầu tư. Do vậy không có sự khác biệt trong nội dung này.

Theo quy định chung về thủ tục đấu thầu thì hiện tại chủ yếu liên quan tới các gói thầu xây lắp, mua sắp hàng hóa và EPC, chưa có quy định rõ về việc đấu thầu dự án đầu tư. Do vậy chỉ cần bổ sung quy định này trong Luật Đấu thầu, không nên quy định trình tự thủ tục đấu thầu trong Luật Đầu tư tránh những xung đột pháp luật.

Vấn đề 20:        Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư

Đồng ý với đề nghị loại bỏ thời hạn hoạt động này. Thời hạn cho từng loại dự án sẽ do luật chuyên ngành điều chỉnh ví dụ hoạt động các dự án về bất động sản (do Luật Đất đai đã quy định), viễn thông (do Luật Viễn thông điều chỉnh).

Vấn đề 21:        Cấp giấy phép kinh doanh

Đồng ý với việc loại bỏ Giấy phép kinh doanh và Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ. Các nội dung này có thể gộp vào Giấy chứng nhận đầu tư (dạng “giấy phép con” do bộ/sở Công thương cấp). Việc này đảm bảo được:

(i)         Thống nhất nội dung xin phép đầu tư;

(ii)       Tránh hình thức (thực hiện lại hồ sơ xin phép đầu tư để sửa đổi Giấy phép kinh doanh và các nội dung của Giấy phép kinh doanh đều đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư);

(iii)     Tăng chi phí quản lý của Nhà nước cũng như chi phí xin phép của doanh nghiệp gây lãng phí cho xã hội.

Vấn đề 22:        Tương thích giữa Nghị định 108 và Luật Đầu tư

Đồng ý với đề xuất quản lý Nhà đầu tư nước ngoài theo hai dạng:

(i)         Đầu tư vào doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (qua kiểm soát đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư); và

(ii)       Đầu tư vào doanh nghiệp là công ty đại chúng (qua quản lý nhà đầu tư chứng khoán).

Đồng ý với đề nghị là việc đầu tư từ 49% trở lên phải thực hiện thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên với mức dưới 49% mà không có quy định cụ thể để quản lý (có thể chỉ là thông báo) thì các cơ quan quản lý về tài chính không kiểm soát được nguồn ngoại tệ cũng như vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp.

Vấn đề 23:        Tương thích giữa Nghị định 108 và Luật Đầu tư

Đồng ý với ý kiến bỏ các quy định liên quan tới lao động, công đoàn, tiền lương … trong Luật Đầu tư do đã có luật khác điều chỉnh. Nếu quy định trong Luật Đầu tư dễ dẫn đến hiểu nhầm là có sự phân biệt giữa Nhà đầu tư nước ngoài và Nhà đầu tư trong nước.

Các văn bản liên quan