Nhầm lẫn trong chế định hợp đồng: những bất cập và hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự phần 2

Thứ Hai 14:21 12-07-2010

NHẦM LẪN TRONG CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG: NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ (PHẦN 2)

 

TS. ĐỖ VĂN ĐẠI – Đại học Luật TPHCM

Nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng khá phổ biến. BLDS của chúng ta đã có quy định về chế định này nhưng đã thể hiện một số bất cập. Nhân dịp sửa đổi BLDS, chúng ta nên hoàn thiện chế định này như về khái niệm nhầm lẫn, về nguyên nhân gây ra nhầm lẫn, về đối tượng của nhầm lẫn và về cách thức xử lý hợp đồng khi việc giao kết hợp đồng có nhầm lẫn.

3. Xử lý hợp đồng giao kết có nhầm lẫn

3.1. Không chấp nhận thay đổi

Hợp đồng được thiết lập để đem lại cho mỗi bên lợi ích hợp pháp mong đợi nên việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu không phải là giải pháp tối ưu. Do đó, khi có nhầm lẫn, Tòa án không nên triệt tiêu hợp đồng nếu nhầm lẫn có thể khắc phục được. Về phía mình, BLDS cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng có kèm theo điều kiện: khi có nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự “thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu”.

3.2. Không thể thay đổi

Tuy nhiên, ở đây BLDS thể hiện một nhược điểm là chỉ cho phép triệt tiêu hợp đồng nếu bên nhầm lẫn yêu cầu thay đổi nhưng bên kia “không chấp nhận”. Không chấp nhận là trường hợp có khả năng thay đổi nhưng người được yêu cầu “không muốn” thay đổi.

Còn đối với những trường hợp nhầm lẫn không thể thay đổi được thì sao? Ví dụ như trong vụ liên quan đến anh Thắng và anh Mạnh, các bên không thể thay đổi được hoàn cảnh. Các bên không thể “biến” chiếc xe là đối tượng của vụ cướp thành chiếc xe hợp pháp; họ có muốn thay đổi cũng thể thay đổi được. Tương tự như vậy, đối với trường hợp của ông Cứ với Công ty địa ốc, các bên có muốn thay đổi cũng không thể thay đổi được. Do đó, quy định như hiện nay là không bao quát hết các tình huống. Đối với vụ việc mà theo đó Tòa án đã xét rằng, “khi thỏa thuận việc đổi nhà, căn nhà của bà Hòa, ông Cường có diện tích đất 100,3m2; diện tích xây dựng 76,4m2; do chưa hợp thức hóa chủ quyền nên ông Cận, bà Đẩu không biết được căn nhà có phần diện tích đất trong phạm vi quy hoạch là 73,4m2 và diện tích nhà trong phạm vi quy hoạch là 63,9m2. Như vậy, ông Cận, bà Đẩu đã nhầm lẫn khi giao dịch và trong thời hạn luật định là 01 năm ông Cận, bà Đẩu có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu”1. Ở đây, Tòa án đã xác định có nhầm lẫn và đối tượng nhầm lẫn là “không biết được căn nhà có phần diện tích đất trong phạm vi quy hoạch là 73,4m2 và diện tích nhà trong phạm vi quy hoạch là 63,9m2”. Đối với sự nhầm lẫn này, các bên không thể thay đổi được, cho dù họ có muốn đi chăng nữa.

Thiết nghĩ, chúng ta nên bổ sung quy định: khi có nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận hoặc không thể thay đổi được thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

3.3. Thời hiệu yêu cầu

Hiện nay, Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Vì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nên chúng ta cần xem xét vấn đề thời hiệu.

Theo Điều 136, Khoản 1, BLDS, “thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập”. Như vậy, đối với giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 131), việc yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu là có giới hạn về thời gian. Về khoảng thời gian “hai năm” chúng ta không có bình luận nhưng vấn đề thời điểm bắt đầu thời hiệu cần được bàn luận thêm. Thời hiệu được tính từ “ngày giao dịch được xác lập”. “Thực tiễn cũng cho thấy, người bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc bị đe dọa gần như không thể khởi kiện (dù có muốn) trong thời gian một năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Vì trong thời gian này, người có quyền hoặc có thể vẫn không biết mình bị nhầm lẫn, bị lừa dối, hoặc có thể sợ hãi mà không dám khởi kiện do sự (việc) đe dọa kéo dài quá thời hạn một năm. Bởi vậy, đối với giao dịch dân sự được xác lập do bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa, việc xác định thời hiệu khởi kiện bắt đầu được tính từ ngày giao dịch dân sự đó được xác lập là chưa phản ánh đúng thực tiễn khách quan và không đảm bảo được quyền khởi kiện chính đáng của người bị xâm hại”2. Một số tác giả còn cho rằng “ở đây dường như pháp luật lại có sự dung túng cho hành vi cố tình vi phạm pháp luật”3.

So sánh với pháp luật nước ngoài thì có thể nói giải pháp của BLDS Việt Nam hiện nay không phải là giải pháp được ưa chuộng. Rất ít nước lấy điểm xuất phát là “ngày giao dịch được xác lập”. Đối với những pháp luật nước khác mà chúng tôi biết được thì thông thường thời hiệu được tính từ sau thời điểm này. Ví dụ, theo pháp luật của Đức thời hiệu là một năm đối với lừa dối, đe dọa và được tình từ thời điểm những hành vi này chấm dứt. Đối với pháp luật của Pháp thì thời hiệu là 5 năm kể từ ngày chấm dứt đe dọa, từ ngày phát hiện nhầm lẫn hay lừa dối. Còn đối với pháp luật Hà Lan thì thời hiệu là 3 năm kể từ ngày chấm dứt đe dọa, phát hiện lừa dối hay nhầm lẫn4.

Như vậy, việc xác định thời hiệu được bắt đầu từ “ngày giao dịch được xác lập” là không thuyết phục. Việc quy định đó không đảm bảo quyền lợi cho bên bị nhầm lẫn; bên có quyền lợi bị nhầm lẫn có nhiều nguy cơ mất quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Để đảm bảo quyền lợi cho họ, chúng ta nên xác định lại thời điểm bắt đầu thời hiệu.

Đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, thời hiệu là hai năm nhưng bắt đầu từ thời điểm bên nhầm lẫn biết hay phải biết về sự nhầm lẫn này.

Tương tự như vậy đối với lừa dối. Còn đối với đe dọa, chúng ta nên xác định ngày bắt đầu là ngày đe dọa bị chấm dứt.

4. Về khái niệm nhầm lẫn

4.1. Không có định nghĩa

Trong các vụ việc nêu trên, chúng ta thấy Tòa án xác định là có nhầm lẫn nhưng không lý giải tại sao đó là nhầm lẫn. BLDS quy định hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn nhưng không có định nghĩa “nhầm lẫn”. Trong thực tế, không hiếm trường hợp Tòa án kết luận có nhầm lẫn nhưng phân tích kỹ thì kết luận về sự có tồn tại hay không “nhầm lẫn” có thể khác.

Ví dụ, theo ông Trăng trình bày, ngày 22/9/2005, ông và ông Lê Viết Hùng ký kết hợp đồng thuê nhà với nội dung: Ông Hùng cho ông thuê toàn bộ căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, qun Bình Thạnh, giá thuê mỗi tháng 5.000.000 đồng, tiền thuê nhà thanh toán 03 tháng 01 lần và đặt cọc 03 tháng tiền thuê nhà để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Sau đó đôi bên có tranh chấp và theo Tòa án, “xét thấy, căn nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh do ông Lê Viết Huế và bà Tô Anh Tuyết là chủ sở hữu. Ông Huế và bà Tuyết chết không để lại di chúc và bà Trinh, bà An không có ủy quyền cho ông Hùng. Do đó, ông Hùng ký kết hợp đồng cho ông Trăng thuê căn nhà và ký nhận đặt cọc thuê nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập”5. Ở đây, Tòa án đã cho rằng có “nhầm lẫn” và đã tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở Điều 141 và khoản 2, Điều 146 BLDS năm 1995, quy định về nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng. Tại sao lại có nhầm lẫn ở đây? Nhầm lẫn về cái gì?

Nếu có nhầm lẫn thì dường như là nhầm lẫn về chủ thể cho thuê tài sản vì, ông Hùng chỉ là một người thừa kế và hai người thừa kế khác (bà Trinh và bà An) không thể hiện việc đồng ý cho thuê tài sản. Tuy nhiên, trong lời trình bày ông Hùng đã nêu “ngày 19/9/2005, ông Hoàng Hán Trăng đến đặt vấn đề thuê nhà 4A6 Cư xá 307, phường 25, quận Bình Thạnh, ông nói rõ với ông Trăng về tình trạng căn nhà hiện tại vẫn do cha mẹ ông đứng tên sở hữu chủ nhưng cha mẹ ông đã chết nên nhà không thể ra công chứng được. Ông Trăng đồng ý thuê nhà và đã đặt cọc 100 USD, hẹn đến ngày 22/9/2005 tiến hành lập hợp đồng. Đúng hẹn ngày 22/9/2005, ông Trăng đến ký hợp đồng với ông, ông có nhắc lại một lần nữa là nhà không thể ra công chứng, nhưng ông Trăng trả lời không sao, miễn sao ông cung cấp giấy tờ nhà cho ông Trăng thì ông Trăng ra công chứng được. Ông đã cung cấp đầy đủ giấy tờ nhà và giao chìa khoá nhà cho ông Trăng coi như hợp đồng có hiệu lực”. Nếu thông tin này là chính xác thì không có nhầm lẫn vì ông Trăng đã biết sự việc. Có lẽ, Tòa án đã “tùy tiện” xác định có nhầm lẫn là do BLDS cho phép tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không định nghĩa khái niệm này.

Tương tự như vậy, trong vụ việc sau đây, Tòa án đã xác định có nhầm lẫn nhưng chúng ta không biết nhầm lẫn thể hiện như thế nào.

Cụ thể, căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6 có nguồn gốc tạo lập của ông Huỳnh Điền (chết năm 1981) và bà Lê Thị Kiêm (chết năm 1977). Ông Điền, bà Kiêm có 08 người con chung: bà Lê Thị Hai, ông Huỳnh Hà (chết, không vợ, con), ông Huỳnh Tô, bà Huỳnh Ngọc Lan, ông Lê Văn Hùng, ông Huỳnh Minh Lý, ông Huỳnh Hưng Luân và ông Huỳnh Hưng Thuận. Năm 2001, ông Huỳnh Tô làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với một phần diện tích di sản là 43,6m2. Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 193/2002 ngày 26/6/2002 do Uỷ ban nhân dân quận 6 cấp, chủ sở hữu là ông Điền và bà Kiêm – do ông Hùng đại diện khai trình. Ngày 27/7/2004, bà Lê Thị Hai, ông Huỳnh Minh Lý và ông Huỳnh Hưng Thuận lập giấy ưng thuận (có xác nhận chữ ký của Ủy ban nhân dân phường 1, quận 6) cho ông Hùng đại diện được quyền bán, tặng cho căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6. Ngày 19/8/2004, ông Hùng lập hợp đồng tặng cho căn nhà 85/10 Bình Tây, phường 1, quận 6 cho ông Huỳnh Tô, hợp đồng được chứng thực tại Phòng Công chứng số 2 thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông Tô đem bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thế chấp để vay tiền. Khi có tranh chấp, Tòa án đã xét “theo lời khai của bà Hai, ông Hùng, ông Lý, ông Thuận phù hợp với lời khai của bị đơn (bút lục 95) là bị đơn (ông Huỳnh Tô) đề nghị ký hợp đồng tặng cho để dễ dàng thực hiện việc vay tiền Ngân hàng, do vậy cấp sơ thẩm xác định người ký hợp đồng cho tặng bị nhầm lẫn khi giao dịch dân sự này là có cơ sở. Do đó, cấp sơ thẩm xác định hợp đồng cho tặng nêu trên vô hiệu và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (bà Ngọc Lan) tuyên huỷ hợp đồng là có đúng”6. Ở đây, Tòa án đã khá “vội vàng” khi kết luận có “nhầm lẫn”…

Chúng ta có thể nói, nhầm lẫn tồn tại trong BLDS nhưng BLDS lại không định nghĩa khái niệm này và thực tiễn đôi khi gặp khó khăn hay không thực sự rõ ràng khi xác định nhầm lẫn tồn tại hay không. Thiết nghĩ, nhân dịp sửa đổi BLDS chúng ta nên đưa khái niệm này vào trong BLDS.

4.2. Sửa đổi BLDS

Trước khi đi vào kiến nghị cụ thể về khái niệm nhầm lẫn, chúng ta nên biết một số lý luận liên quan đến khái niệm này.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhầm lẫn là “sự khác nhau giữa nhận thức của một bên về một vấn đề và thực tế của vấn đề này. Chẳng hạn, một bên nhận thức rằng đây là thật nhưng thực tế là giả”. “Bất kỳ sự khác nhau nào giữa nhận thức và thực tế đều có thể được coi là nhầm lẫn”. Trong vụ việc liên quan đến mua xe (đối tượng của vụ cướp) nêu trên, nhầm lẫn được thể hiện ở chỗ bên mua nghĩ rằng xe không phải là tài sản của một vụ cướp (thông thường khi mua xe, người mua nghĩ rằng xe hợp pháp) nhưng thực tế thì đây là tang vật của một vụ án hình sự. Điều đó có nghĩa là đối với bên mua có sự khác nhau giữa nhận thức của họ về chiếc xe và thực tế về chiếc xe này.

Nhầm lẫn phải tồn tại ở thời điểm “xác lập giao dịch”. Điều đó có nghĩa là “nhận thức” của bên nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng và “sự thật” về nội dung này phải được xác định tại thời điểm “xác lập giao dịch”. Tại thời điểm này, chúng ta phải biết cụ thể “nhận thức” của bên cho rằng đã nhầm lẫn là gì và “sự thực” về nội dung của hợp đồng tại thời điểm này như thế nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không được sử dụng những thông tin nảy sinh sau thời điểm này. Trong thực tế, chúng ta thường cần phải khai thác những thông tin phát hiện sau để biết có nhầm lẫn hay không, nhất là để biết “sự thật” như thế nào. Trong ví dụ mua xe Dream chẳng hạn, xe là đối tượng của vụ án hình sự và sự thật này tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng nhưng chúng ta chỉ biết xe là đối tượng vụ án hình sự sau khi hợp đồng được giao kết, tức là khi Công an dừng xe và thông báo về chiếc xe.

Nhận thức của một người đối với một sự việc có thể thay đổi theo thời gian nên thời điểm nhận thức của họ cần được xác định một cách chính xác. Như đã nói ở trên, phải xác định nhận thức này vào thời điểm giao kết hợp đồng. Để hiểu rõ hơn, xin dẫn một ví dụ. Giả sử, A bán cho B một bức tranh. Khi bán, A chắc chắn rằng bức tranh này không phải của tác giả C (vì cho rằng đây là của tác giả D). Nhưng sau này, chuyên gia cho rằng đây có thể là tác phẩm của tác giả nổi tiếng C. Ở đây có sự khác nhau giữa nhận thức của A và thực tế của bức tranh nên có thể được coi là có nhầm lẫn. Thêm vào ví dụ tình tiết sau: trước khi bán một thời gian, A đã từng nghĩ rằng tác phẩm đó là của C, nhưng lúc muốn bán để chắc chắn hơn, A đã mời chuyên gia về đánh giá và chuyên gia này khẳng định tác phẩm không phải là của C. Do đó, khi bán A nghĩ rằng đây không là tác phẩm của C và quyết định đem bán. Như vậy, trước khi bán, A nhận thức về tài sản khác với thời điểm giao kết hợp đồng. Ở đây, chúng ta phải đánh giá nhận thức của bên nhầm lẫn vào thời điểm giao kết.

Vẫn liên quan đến đánh giá “nhận thức” của bên bị coi là có nhầm lẫn, lưu ý thêm là việc đánh giá này thực chất rất khó vì “nhận thức” là vấn đề nội tâm. Nếu các bên nêu rõ “nhận thức” này trong hợp đồng thì chúng ta chỉ việc căn cứ vào hợp đồng để biết được nhận thức của các bên. Tuy nhiên, có những trường hợp nhận thức này không nói rõ trong hợp đồng. Chẳng hạn, khi mua chiếc xe máy thì người mua không nêu rõ trong hợp đồng là chiếc xe này không là đối tượng của vụ cướp. Do vậy, trong những trường hợp đó, chúng ta nên dùng phương pháp suy đoán bằng cách xác định “nhận thức” của một người bình thường trong hoàn cảnh tương tự. Một người bình thường khi mua xe Dream với giá 28 triệu thì hiển nhiên họ phải nghĩ chiếc xe này không là đối tượng của một vụ cướp; nếu họ biết xe là đối tượng của vụ cướp thì họ không mua với giá như thế. Ở đây, bên mua đã trả chiếc xe với giá 28 triệu đồng nên có thể suy đoán là bên mua “nghĩ” rằng chiếc xe này không phải là đối tượng của một vụ cướp.

Một số văn bản quan trọng về hợp đồng, bên cạnh thừa nhận nhầm lẫn là căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu, đã cố gắng làm sáng tỏ khái niệm nhầm lẫn.

Chẳng hạn, theo Điều 3.4 Bộ nguyên tắc Unidroit mà chúng ta đã nói ở trên, “nhầm lẫn là một niềm tin sai về sự việc hay pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng”. Định nghĩa này đã bao quát khái niệm nhầm lẫn mà chúng ta vừa phân tích ở phần trên.

Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tham khảo định nghĩa nhầm lẫn này nếu chúng ta muốn đưa khái niệm nhầm lẫn vào trong BLDS.

Kết luận

Nhầm lẫn trong giao kết hợp đồng khá phổ biến, các vụ việc phân tích ở trên phần nào đã cho thấy điều này. BLDS của chúng ta đã có quy định về chế định này nhưng đã thể hiện một số bất cập. Nhân dịp sửa đổi BLDS, chúng ta nên hoàn thiện chế định này như về khái niệm nhầm lẫn, về nguyên nhân gây ra nhầm lẫn, về đối tượng của nhầm lẫn và về cách thức xử lý hợp đồng khi việc giao kết hợp đồng có nhầm lẫn.

Chú thích:

(1) Bản án số 1319/2006/DS-PT ngày 18/12/2006 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

(2) Nguyễn Ngọc Khánh, “Thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật dân sự”, Tạp chí Kiểm sát số 6 (3)-2005, tr. 12. Tương tự theo Dương Anh Sơn và Nguyễn Ngọc Sơn, “Tác động của các hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm hợp đồng nhìn từ góc độ trung thực và thiện chí”, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 1(38)/2007, “thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu hai năm nói chung là hợp lý, tuy nhiên nếu thời hiệu này được áp dụng cho cả trường hợp hợp đồng được ký kết do bị lừa dối và đe dọa thì cũng chưa thật ổn”.

(3) Dương Anh Sơn và Nguyễn Ngọc Sơn, ”Tác động của các hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm hợp đồng nhìn từ góc độ trung thực và thiện chí”, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 1(38)/2007.

(4) Xem G. Rouhette (chủ biên), Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, Nxb. Société de législation comparée, 2003, tr. 236.

(5) Bản án số 97/2007/DS-PT ngày 19/01/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

(6) Bản án số 242/2006/DSPT ngày 20/03/2006 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

 

Các văn bản liên quan