VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 9223/BKHĐT-QLKTTW ngày 08/11/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo và có một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo như sau:
- Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Dự thảo Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, rõ ràng, theo tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là yêu cầu liên quan đến đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, trong đó có đề xuất ý tưởng thay đổi cơ chế quản lý từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm” đối với quản lý thực phẩm. Chỉ đạo này từ Dự thảo Nghị quyết sẽ đảm bảo cơ chế quản lý hiệu quả hiện nay tiếp tục được chuyển hóa trong các sửa đổi trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và ủng hộ tinh thần quyết liệt và tiến bộ này.
- Về tổ chức thực hiện
Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại loạt Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã ban hành trước đây đều rất thiết thực và có tính cải cách mạnh mẽ, sẽ tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta. Tuy nhiên, để các chính sách tiến bộ của Nghị quyết “đi vào cuộc sống”, cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả để đảm bảo việc thực thi nghiêm túc của các bộ, ngành.
Trên thực tế, một số chỉ đạo tại Nghị quyết chưa được thực hiện nhưng cũng không có cơ chế nào để kiểm soát, đảm bảo thực hiện. Ví dụ, yêu cầu sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã được chỉ đạo tại Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018, nhưng đến năm 2024, Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi.
Do vậy, đề nghị Quý Cơ quan bổ sung trách nhiệm kiểm tra, giám sát của một cơ quan độc lập đối với việc triển khai, thực thi các nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa vào Nghị quyết.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn.