VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Thứ Tư 10:56 13-11-2024

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 5476/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền (Điều 3)

Quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tại Điều 3 có một số điểm chưa đủ rõ ràng như sau:

– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi

Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung thêm trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là “theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, Luật lại không quy định trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Điều này có thể tạo ra sự thiếu rõ ràng trong áp dụng pháp luật. Bởi vì, trong quy trình thu hồi Giấy đăng ký, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét trường này có thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định của pháp luật không, nếu không quy định rõ các trường hợp bị thu hồi, sẽ khiến cho cơ quan thực thi lúng túng áp dụng. Sự thiếu rõ ràng này cũng tạo ra nguy cơ áp dụng pháp luật tùy nghi, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc dẫn chiếu tới các quy định về các trường hợp cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động tại các văn bản có liên quan.

– Quy trình thu hồi

            Theo quy định tại Điều 3 Dự thảo về quy trình thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, Sở Tư pháp sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức có liên quan sẽ xem xét nội dung giải trình. Trường hợp xác định doanh nghiệp đấu giá tài sản không thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị không thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp đấu giá tài sản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đề nghị thu hồi. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đề nghị thu hồi.

Quy định trên là chưa rõ ở các điểm:

            + Căn cứ để Sở Tư pháp chấp thuận hay không chấp thuận nội dung giải trình của doanh nghiệp?

            + Nếu sau khi xem xét nội dung giải trình và xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động như thế nào, trong khi cơ quan này phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề trên để đảm bảo sự rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện.

  1. Cơ chế quản lý đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến

Khoản 2 Điều 2 Dự thảo quy định, thương nhân, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề đấu giá tài sản xây dựng Trang thông tin đấu giá trực tuyến theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Theo quy định tại Dự thảo, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thực hiện thủ tục thẩm định và phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến theo quy định tại Nghị định.

Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Nghị định 85/2021/NĐ-CP, Trang thông tin đấu giá trực tuyến có tính chất như website thương mại điện tử bán hàng: do thương nhân, tổ chức thiết lập (tổ chức hành nghề đấu giá tài sản), phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ của mình (cung ứng dịch vụ bán đấu giá tài sản). Trang thông tin đấu giá trực tuyến có chức năng đặt hàng trực tuyến theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP[1], trong đó người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá, mua hồ sơ mời tham gia đấu giá, truy cập vào tài khoản, nộp tiền đặt trước, và tham gia đấu giá trên Trang thông tin. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến phải thực hiện thông báo với Bộ Công Thương.

Như vậy, theo quy định tại Dự thảo và pháp luật về thương mại điện tử, Trang thông tin đấu giá trực tuyến sẽ phải chịu hai cơ chế quản lý, giám sát, đó là thực hiện thông báo với Bộ Công Thương và phê duyệt tại Bộ Tư pháp, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ báo cáo với cả hai Bộ. Điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Để tránh chồng chéo về thẩm quyền quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng thống nhất một cơ quan quản lý đối với các Trang thông tin đấu giá trực tuyến do tổ chức hành nghề đấu giá xây dựng.

  1. Thẩm định điều kiện đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản (Điều 6)

Khoản 3 Điều 6 Dự thảo quy định, hội đồng thẩm định điều kiện đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến xem xét, thẩm định “cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”.

Điều kiện đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến tại Điều 5 Dự thảo không yêu cầu điều kiện về đội ngũ nhân sự, vì vậy hội đồng thẩm định điều kiện về đội ngũ nhân sự là chưa phù hợp và thống nhất giữa các quy định tại Dự thảo. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc bỏ cụm từ “đội ngũ nhân sự vận hành” tại điểm a khoản 3 Điều 6 hoặc quy định rõ điều kiện về đội ngũ nhân sự vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến tại Điều 5.

  1. Phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến, dừng việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến (Điều 7)

            – Thời gian giải quyết thủ tục

Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định thời hạn xem xét và phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến là 90 ngày kể từ ngày nhận được Đề án xây dựng Trang thông tin đấu giá trực tuyến hợp lệ. Nếu so sánh với thủ tục đăng ký website đấu giá trực tuyến theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử thì thời hạn phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến là quá dài (90 ngày so với 15 ngày làm việc). Trang thông tin đấu giá trực tuyến với website đấu giá trực tuyến có tính chất như nhau, chỉ khác ở chủ thể xây dựng và vận hành website. Phê duyệt website chủ yếu liên quan đến yếu tố cơ sở vật chất, kỹ thuật. Vì vậy, có sự khác biệt quá lớn về thời gian xem xét chấp thuận website là chưa phù hợp.

Để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giảm thời gian phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến, ít nhất bằng thời gian giải quyết thủ tục đăgn ký webstie đấu giá trực tuyến của pháp luật thương mại điện tử.

– Trình tự, thủ tục phê duyệt

Dự thảo quy định chưa rõ về trình tự, thủ tục phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến, ít nhất là ở các điểm:

+ Hình thức nộp hồ sơ: trực tiếp hay trực tuyến

+ Thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ: bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ

+ Trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận hồ sơ thì thành lập Hội đồng thẩm định? Hội đồng thẩm định họp theo cơ chế nào? Ý kiến của Hội đồng thẩm định có phải là ý kiến quyết định không? Trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày Hội đồng thẩm định có kết quả thẩm định thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến?

+ Thẩm quyền phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến: Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Dự thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp có thẩm quyền phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định phân tách các trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, trường hợp nào thuộc thẩm quyền của Giám đốc sở. Trong khi đó, Điều 6, Điều 7 Dự thảo về thẩm định, phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến chỉ quy định về thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp không nhận biết được mình sẽ phải thực hiện thủ tục ở cơ quan nào.

Mặt khác, theo quy định Sở Tư pháp có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp đấu giá tài sản. Nếu thiết kế như Dự thảo, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp, nhưng khi doanh nghiệp xây dựng Trang thông tin đấu giá trực tuyến lại phải xin phép tại Bộ Tư pháp. Điều này dường như chưa phù hợp về tính chất phân cấp thẩm quyền quản lý.

Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi về mặt thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng các vấn đề trên.

– Về vấn đề kiểm tra

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp sẽ định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất sẽ tiến hành kiểm tra việc quản lý, vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tái ản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng đã được phê duyệt.

Kiểm tra là biện pháp quản lý nhằm đảm bảo các chủ thể kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật, tuy nhiên Dự thảo không quy định rõ trường hợp nào sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất, sẽ khiến cho nguy cơ áp dụng biện pháp này một cách tùy nghi và gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động khi phải tiếp đoàn kiểm tra. Để hạn chế tình trạng này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trường hợp kiểm tra đột xuất khi có bằng chứng về vi phạm của doanh nghiệp về điều kiện vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến.

  1. Xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá (Điều 26)

Khoản 1 Điều 26 Dự thảo quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản do người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản xem xét, ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 5 năm.”

Quy định này là chưa rõ về chế tài áp dụng, mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá tương ứng. “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm” là quy định khá chung chung. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ áp dụng chế tài tùy nghi của các cơ quan thực thi.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về các mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá tương ứng tại Dự thảo này hoặc chuyển sang quy định tại quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Một chức năng được cài đặt trên website thương mại điện tử hoặc trên thiết bị đầu cuối của khách hàng và kết nối với website thương mại điện tử để cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên website đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động

Các văn bản liên quan