Ngày xuân mơ tới một xã hội cạnh tranh

Thứ Ba 15:32 30-05-2006
Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa
Chủ nhiệm bộ môn Luật Kinh doanh - Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội.


Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Ở nước ta gần đây mới xuất hiện các bài báo khoa học và sách tham khảo về đề tài cạnh tranh. Cùng với việc soạn thảo và dự kiến ban hành Luật cạnh tranh thì lý thuyết, chính sách và pháp luật cạnh tranh sẽ được quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn. Góp một tiếng nói chung trong trào lưu đó, bài viết dưới đây bàn về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong kinh doanh
"Con gà tức nhau tiếng gáy"
, mới chỉ có thế mà đã râm ran mỗi buổi ban mai. Tranh đua là một bản năng vốn có của chúng sinh. Loài người cũng vì ơn bản năng đó từ thời nguyên thuỷ mà văn minh như ngày nay. Chinh sách và pháp luật quốc gia nếu khuyến khích, bảo hộ cạnh tranh sẽ làm cho xã hội sôi động và phồn thịnh; ngược lại, nếu kìm hãm, ngăn trở hoặc xoá bỏ cạnh tranh thì xã hội có nguy cơ sẽ trở nên tĩnh lặng. Vậy nên, sau khi mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã không thành công trên quy mô toàn cầu, quốc gia nào cũng tìm mọi cách lợi dụng, khuyếch trương và bảo vệ cạnh tranh, chẵng những trong kinh doanh mà ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực: từ chính trị, giáo dục, y tế, quốc phòng...cho đến hầu hết các loại hình dịch vụ công.

Cạnh tranh trong lích sử Việt Nam
Người Việt Nam không xa lạ với cạnh tranh. Lịch sử Việt Nam chứa đầy những sự giao hoà và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các tộc người, các nền văn hoá, các thế lực, dòng họ và cá nhân. Mặc dù vậy trong sinh hoạt kinh tế, do một điều " trọng nông ức thương", nền kinh tế tự sản, tự tiêu không làm cho nông sản biến thành hàng hoá; người nông dân hiền lành quen sống dựa vào họ tộc, thiết tha gắn bó với xóm làng, được mùa thì đủ thờ phụng cha mẹ và nuôi dưỡng vợ con, mất mùa thì đói. Thương mại kém phát triển không thể sản sinh ra thương học. Cuốn sách đầu tiên bàn về thương học của người Việt Nam có lẽ là cuốn "Thương học phương châm" của cụ Lương Văn Can, viết đầu thế kỷ XX, đáng tiếc thay cho đến nay vẫn là bản thảo nằm trong kho lưu trữ. Không có thương học thì cũng không có lý thuyết, chiến lược hay mưu kế cạnh tranh trong kinh doanh. Bởi vậy, từ thời Nhâm Diện, Sĩ Nhiếp cho đến nay, người Việt Nam dường như vẫn rất cần cố gắng mới theo kịp cung cách kinh doanh và cạnh tranh của các dân tộc láng giềng, đặc biệt là của người Trung Quốc.

Đổi mới và chính sách cạnh tranh

Trung Quốc đã quay lại với kinh tế thị trường với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của văn hóa kinh doanh truyền thống và sự gắn bó của cộng đồng người Hoa. Không ngạc nhiên, sau hơn 20 năm qua, cả Đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc đã trở thành những thể chế công lực khổng lồ phục vụ cho tư duy kinh doanh, giúp cho nước này ngày càng bành trướng uy lực của mình lên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, bắt đấu bằng "khoán sản phẩm" trong nông nghiệp và bắt đầu "vượt rào" trong công nghiệp quốc doanh, công cuộc đổi mới của Việt Nam khởi nguồn bởi thực tiễn từ cơ sở. Độc quyền ngoại thương từng bước được nới lỏng, nền kinh tế mở, ngay lập tức đã phải chịu áp lực gay gắt của cạnh tranh quốc tế. Vừa từng bước tự do hoá hoạt động kinh doanh, vừa mở cửa, vừa chống đỡ với áp lực cạnh tranh, nhà nước Việt Nam phải tìm tới những công cụ mới để điều tiết kinh tế. Chính sách cạnh tranh của Việt Nam đã ra đời trong một bối cảnh thực tiễn vừa học, vừa làm như vậy. Điều này không ngạc nhiên, bởi lẽ chính sách và pháp luật của một dân tộc thường không thể xây dựng bởi những nhà hàn lâm ngồi bên bàn giấy trong những căn phòng điều hòa nhiệt độ; một dân tộc thường có thể chiêm nghiệm pháp luật qua mồ hôi và xương máu của mình mà thôi. Khi Cocacola đã đe dọa sự tồn tại của các cơ sở kinh doanh nước giải khát quốc nội, khi hàng hóa Trung Quốc từ máy bơm cho đến tăm tre, thuốc diệt chuột đã len lõi đến tận hang cùng, ngõ hẻm....đã dồn doanh nhân nước ngoài ta đến những cuộc cạnh tranh nghẹt thở, thì "cùng tắc biến", chính sách cạnh tranh của Việt Nam cũng phải "vùng vẫy" mà ra đời.
Dường như một ít người vẫn theo tư duy cũ, có phần luyến tiếc cái thời mà hầu hết tư liệu sản xuất và quyền điều hành kinh doanh còn nằm trong sự "quản lý toàn diện của Nhà nước". Nay sức mạnh kinh tế đó đang từng bước được phi tập trung hóa tới toàn dân. Quyền lực kinh tế Nhà nước dường như đang bị thu nhỏ lại trước một xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh. Chống đỡ và tiến tới làm chủ cuộc cạnh tranh trong thời đại mới đã không còn là quyền riêng của Nhà nước, mà đang trở thành một nỗi lo chung của toàn dân tộc. Bởi vậy, có lẽ cần xem xét để nhấn mạnh rằng: nền tảng của mọi chính sách cạnh tranh thời nay là khuyếch trương và bảo vệ tự do dân doanh.
Nhìn lại chính sách cạnh tranh của Việt Nam hơn 15 năm qua, theo tôi, có thể đưa ra 3 nhận xét sau:
Thứ nhất, cho đến nay, cốt lõi của chính sách cạnh tranh ở Việt Nam chủ yếu chưa phải lo toan cho doanh nghiệp dân doanh mà tập trung vào một phần lớn các doanh nghiệp nhà nước vốn chậm chạp khi thích ứng với biến đổi thị trường, chi phí giám sát cao, hiệu quả kinh doanh thấp, hao tốn ngân sách nhà nước và sử dụng kém hiệu quả tài sản quốc gia.
Thứ hai, khi thương nhân nước ngoài xuất hiện ngày càng tăng trên thị trường địa, Nhà nước phải tìm mọi cách chống đỡ sự lạm dụng sức mạnh công nghệ, tài chính và thị trường của họ. Bằng rất nhiều phương cách khác nhau, từ thủ tục thẩm định, cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cho đến các rào cản nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam đã tìm cách hạn chế các biểu hiện lạm dụng sức mạnh thị trường của tư bản nước ngoài.
Thứ ba, Nhà nước đã tìm cách bảo hộ và nâng dần sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp dân doanh. Chính phủ Việt Nam bắt đầu hỗ trợ xuất khẩu: tự do ngoại thương được nới rộng, thủ tục xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đang từng bước đơn giản hóa, các biện pháp tín dụng, thuế và nền hành chính ngoại thương được nới rộng, thủ tục xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ được từng bước đơn giản hóa, các biện pháp tín dụng, thuế và nền hành chính, ngoại giao hỗ trợ xuất khẩu đựoc khởi động.
Tóm lại, Việt Nam đã kiên trì thực hiện một chính sách cạnh tranh ngay từ khi mới bắt đầu mở cửa nền kinh tế; việc soạn thảo và ban hành Luật cạnh tranh chỉ là một "mắt xích" nối tiếp trong những chính sách liên tục đó mà thôi.
Tuy nhiên, thái độ phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân chưa trở thành thói quen thường trực của tất cả các cơ quan hành chính, bởi vậy từ chính sách tới thực tiễn cuộc sống đôi khi còn có những khoảng cách.
Là một quốc gia có nền kinh tế đóng kín với thế giới bên ngoài từ lâu, nay mới đang dần được mở cửa, chính sách cạnh tranh hiện thời của Việt Nam, về cơ bản vẫn còn mang đậm tính "che chắn""chống đỡ". Người Việt Nam dường như chưa nhận thấy sức mạnh và nguồn lợi to lớn của cạnh tranh, và vì thế chưa yêu mến, chưa chủ động tạo ra và chưa quyết tâm bảo vệ cạnh trạnh. Trong một xã hội đóng kín, thì dấu ấn của "chủ nghĩa giáo điều trong tri thức, chủ nghĩa quan liêu trong giới cầm quyền và chủ nghĩa bình quân trong nhân dân lao động" là nặng nề. Giáo điều, quan liêu hay bình quân chủ nghĩa đều chưa quen với cạnh tranh trong kinh doanh, bởi cạnh tranh làm cho cuộc sống bị thách thức, bị đảo lộn bởi đủ loại đối thủ và bất cứ lúc nào; một cuộc sống căng thẳng như vậy không dễ chịu chút nào. Thành ra làm thương nhân ai cũng muốn né tránh cạnh tranh, nếu có điều kiện. Chỉ có điều, nếu điều ấy tiếp diễn, thì toàn bộ nền kinh tế quốc gia và người tiêu dùng ở nước ta không được lợi.

Khơi thông và điều tiết dòng chảy cạnh tranh

Nhà nước thời nay phải lo cho dân giàu; dân có giàu thì nước mới mạnh; nước có mạnh thì mới giữ được chủ quyền; có giữ được chủ quyền thì mới giữ được tự do. Muốn cho dân giàu thì phải làm cho họ năng động, sáng tạo, sốt sắng tìm mọi cách lo cho bản thân và gia đình họ giàu lên. Để làm đươc điều đó, có lẽ cần xem xét để từng bước phi tập trung hóa các nguồn tài nguyên quốc gia, bảo hộ một cách tốt hơn nữa quyền tài sản tư và bảo hộ tự do dân doanh. Một khi người dân tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định kinh doanh, khi họ được tự do lựa chọn hàng hóa và dịch vụ từ vô số những nhà cung cấp, cũng như phải bán được hàng hóa của mình trong những thị trường ngày càng khó tính, từ khi đó các nguồn tài nguyên quốc gia mới được sử dụng có hiệu quả.
Bởi vậy cần nhìn nhận cạnh tranh như một sức ép duy trì sự sáng tạo không ngừng của con người. Từ đó tìm mọi cách để khơi dậy, thúc đẩy và bảo hộ cuộc cạnh tranh đó. Tuy nhiên, khi đã tuôn cháy như một nguồn thác lớn, cạnh tranh có thể hữu ích (nếu được tiết độ dòng thác là nguồn sinh ra năng lượng), song cũng có thể mang tính hủy diệt (những "đoàn du kích" bán nông sản, hải sản, mủ cao su...sang Trung Quốc tranh bán, tranh mua chỉ làm cho sức mạnh cộng đồng của doanh nhân Việt Nam thêm suy yếu). Nghiên cứu về cạnh tranh chính là tìm cách chế ngự dòng thác đó một cách có lợi nhất cho kinh tế quốc dân.
Góp sức mạnh từ những con suối nhỏ trong suốt ba thế kỷ qua, song người Mỹ cũng chỉ mới bắt đầu học cách tiết độ những dòng thác cạnh tranh từ hơn 100 năm nay. Sau đại chiến thế giới lần II, tư tưởng chống rớt (anti trust: kiểm soát, khống chế độc quyền và phá bỏ cản trở cạnh tranh) đã mau chóng được phổ biến sang Anh, Pháp và các đế quốc bại trận. Người Đức sau một thời gian dài thả nổi, thậm chí xem các thỏa thuận phân bổ, hạn chế thị trường (các- ten) như một công cụ tập trung sức mạnh kinh tế dân tộc, cũng mới chỉ ban hành Luật chống hạn chế cạnh tranh từ năm 1958, nước Italia- một trong 7 nước giàu nhất thế giới, cũng chỉ mới ban hành Luật cạnh tranh lần đầu tiên vào năm 1990. Tương tự như vậy, Nhật Bản và các con hổ Á châu trước hết cũng khuyếch trương các liên kết kinh doanh (keiretzu, chabol), tạo cho dân doanh nước họ có sức mạnh của những đại tập đoàn rồi mới dè dặt tư duy khống chế cạnh tranh. Người Trung Hoa chỉ mới quan tâm đến Luật Cạnh tranh từ mười năm nay, mà trước hết cũng chỉ nhấn mạnh Luật cạnh tranh không lành mạnh. Mà trước hết muốn dân giàu phải phá được rào cản để dân tự do cạnh tranh. Thường sau một quá trình dài xuất khẩu tư bản, mới lấp ló xuất hiện sự thâu tóm độc quyền và cản trở cạnh tranh, chỉ khi đó những thiết chế kìm giữ độc quyền mới trở nên cần thiết.
Tiếc rằng, Việt Nam ngày nay không còn cơ hội để có thể hoàn toàn tự do chờ tích lũy tư bản diễn tiến như đã từng diễn ra ở các nước tư bản phát triển. Tài sản riêng của một trường đại học tư nhân (ví dụ: Harvard) hoặc doanh thu hàng năm của một công ty (ví dụ:Genaral Motors) đã ngang bằng hoặc vượt qua nhiều lần tổng thu nhập quốc dân của 80 triệu đồng bào nước ta. Thành ra khi "chiếc vòi" của "những con bạch tuộc tư bản" khổng lồ đó vươn tới đâu, tự nó có nhiều sức mạnh để khống chế và kiểm soát những thị trường vừa mới hình thành. Những quốc gia nghèo và đang chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường như Việt Nam vốn phải đối mặt với đủ loại thách thức, nay lại phải chống chọi với sự trói buộc ngày càng tinh vi, được che đậy khéo léo của độc quyền tư bản nước ngoài.
Thường vận hội nào cũng hàm chứa những khó khăn và thách thức. Bài toán về chính sách và pháp luật cạnh tranh mà người Việt Nam cần giải ngày nay cùng một lúc cần đạt được nhiều yêu cầu đa dạng, có thể tạm kể như sau:
- Vừa phải gia tăng cho tự do dân doanh nhiều như có thể, vừa phải giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước tới mức ít như cần thiết, từ đó tạo điều kiện cho cạnh tranh diễn ra.
- Vừa phải hạn chế và giám sát độc quyền của kinh doanh nhà nước, vừa phải nâng đỡ doanh nghiệp dân doanh ( nhỏ và vừa) tích lũy tư bản, tạo ra sự tập trung sức mạnh thị trường hợp lý;
- Vừa khuyến khích đầu tư nước ngoài và tự do hóa thương mại, tăng cường kiểm soát lạm dụng độc quyền của tư bản nước ngoài vì mục đích bảo hộ tư bản dân tộc.

Luật cạnh tranh phải gần với lo toan của nhân dân

Soạn thảo một đạo Luật cạnh tranh ngày nay không còn là một chuyện khó khăn. Luật cạnh tranh mẫu [TD/RBP/CONF.5/7] của Ủy ban Thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNTAD) năm 2000 với vô số chú dẫn và so sánh chéo giữa pháp luật các nước có thể tải xuống dễ dàng từ Internet. Tương tự như vậy, văn bản pháp luật, hướng dẫn, đơn đăng ký sáp nhập và vô số án lệ, các công trình chú giải, nghiên cứu liên quan đến cạnh tranh cũng có thể có được một cách dễ dàng trong giây lát. Điều khó khăn hơn là lựa chọn được một cách làm phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa Việt Nam. Từ vô vàn chất liệu, người làm Luật nước ta phải tìm cách "may chiếc áo" cho vừa ý người Việt Nam- nếu muốn có được một chút giá trị sử dụng từ "chiếc áo" đó. Muốn có lời giải đúng phải xác định rõ đề bài: nhận diên thực trạng kinh tế cạnh tranh đúng, thì yêu cầu đặt ra đối với Luật cạnh tranh mới gần với lo toan của nhân dân; yêu cầu có sát lòng dân thì lời giải hi vọng mới khả thi, luật pháp mới có thể đi được vào lòng người, cộng với những thiết chế thi hành phù hợp, luật mới có thể trở nên thực tế.

Manh nha pháp luật cạnh tranh Việt Nam
Trước khi pháp luật cạnh tranh được pháp điển hóa trong một đạo luật, chính sách cạnh tranh vừa học, vừa làm đã được thể hiện trong vô số văn bản khác nhau. Dù chưa có truyền thống ở nước ta, chính sách và pháp luật kiểm soát độc quyền đã đồng thời thực hiện khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Việc xem xét, cho phép hoặc đăng ký các hợp đồg ngoại thương, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, cấp giấy phép đầu tư, chấp thuận các hồ sơ dự thầu trực tiếp của các công ty nước ngoài vào Việt Nam...một phần cũng nhằm loại bỏ nhưng điều kiện bất lợi cho phía Việt Nam. Quyền của bên Việt Nam trong hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ được pháp luật nước ta gia tăng đáng kể. Những dấu ấn ban đầu của pháp luật kiểm soát độc quyền có thể tìm thấy trong Luật đầu tư nước ngoài ban hành ngày 29/12/1987 và Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 5/12/1988. Theo đó, các ràng buộc, khống chế, hạn chế thị phần đều bị cấm. Khi đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện chức năng tương tự như các cơ quan kiểm soát độc quyền trên thế giới. Từ đó tới nay, chính sách kiểm soát độc quyền từng bước được thể hiện rộng và rõ nét hơn trong nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh chứng khoán, bưu chính, viễn thông, kinh doanh bảo hiểm và quản lý giá. Song song với Luật cạnh tranh, một pháp lệnh chống bán phá giá nhập vào Việt Nam cũng đang được soạn thảo.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Nhà nước Việt Nam vẫn ban hành khá nhiều văn bản pháp luật, trong đó có các quy định nhằm chống những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức và thói quen kinh doanh đúng đắn. Dự thảo luật cạnh tranh đã thâu gom các quy định đó, bổ sung và cập nhật thêm. Nếu được ban hành, đây là một cố gắng pháp điển hóa các quy định tản mạn vào một đao Luật thống nhất. Song điều người dân mong đợi hơn là những phương cách khả thi nhằm từng bước thực hiện những điều luật tốt đẹp đó trong môi trường kinh doanh còn sơ khai và đầy lạc hậu ở nước ta.

Các văn bản liên quan