Nên siết hay mở trước xu thế cạnh tranh?

Thứ Hai 17:20 22-05-2006
Dự thảo Nghị định về hoạt động xúc tiến thương mại

Nên siết hay mở trước xu thế cạnh tranh?

C.P -Báo Pháp luật Việt Nam ngày 31/07/2005

Hoạt động khuyến mại, quảng cáo, tổ chức hội chợ…đang được quy định chặt hơn tại dự thảo Nghị định về hoạt động xúc tiến thương mại. Một số ý kiến cho rằng, những quy định khá siết trong dự thảo là nhằm ngăn chặn tình trạng cá lớn nuốt cá bé, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, một số quy định làm những người quan tâm tỏ ra băn khoăn.

Lâu nay, có trường hợp mượn tiếng khuyến mãi nhưng thực chất là nhằm bán phá giá để chiếm thị trường. Điều này thường rơi vào những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hùng mạnh, họ liên tục mở chương trình khuyến mãi khi thì với những giải thưởng giá trị lớn, khi lại bán giảm giá ồ ạt sản phẩm. Chính những đợt khuyến mãi này làm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ rơi vào khó cạnh tranh, hàng hóa khó tiêu thụ. Để nhằm chấn chỉnh thực trạng này, dự thảo Nghị định quy định: Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi trước thời gian khuyến mãi. Quy định như vậy, làm một số ý kiến cho rằng cần để doanh nghiệp chủ động cân nhắc tỷ lệ giữa tổng giá trị khuyến mãi với tổng doanh số dự kiến đạt được của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong đợt khuyến mãi trên tinh thần tôn trọng sự tự chủ của doanh nghiệp. Có thể, quy định như vậy, doanh nghiệp có nhiều cách để lách mà cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mãi khó có thể kiểm soát được.

Về quy định thời gian khuyến mãi, sợ rằng sẽ khó áp dụng vì doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách đối phó dễ dàng với quy định này. Theo quy định này, tổng thời gian khuyến mãi đối với một loại hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày. Khoảng cách của hai chương trình khuyến mãi đối với cùng một loại hàng hóa, dịch vụ không được ngắn hơn 30 ngày. Khống chế thời gian khuyến mãi nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh có thể làm khó cho các doanh nghiệp, bởi có những doanh nghiệp sản xuất cùng lúc nhiều nhẵn hiệu sản phẩm trên cùng một loại hàng hóa, dịch vụ. Nếu thực hiện khắt khe về quy định thời gian khuyến mãi như trong quy định, thì doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khuyến mãi cho nhẵn hiệu này sẽ mất khuyến mãi cho nhẵn hiệu kia đang trong giai đoạn sản xuất…?

Có thể, một số doanh nghiệp lách luật để khuyến mãi bằng nhiều cách và cuối cùng là nhằm bán phá giá, chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn, hiện một số doanh nghiệp bày cách giao đại lý 10 sản phẩm, họ cho không 3 sản phẩm, chỉ thu tiền của đại lý 7 sản phẩm. Như thế, chẳng cần tổ chức, xin phép để thực hiện những chương trình khuyến mãi thì nhà sản xuất cũng đã có cách để đối phó.

Về quy định chi phí dành cho khuyến mãi, tiếp thị, quảng cáo không được vượt quá 10% trong tổng chi phí hợp lý, thực chất lâu nay có phần làm hạn chế quyền chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược quảng bá thương hiệu sản phẩm-vấn đề quan trọng của kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, liệu quy định như thế có phù hợp không với xu thế hội nhập. Trong khi lâu nay và trong tương lai các doanh nghiệp nước ngoài có thể thực hiện những chiến lược lớn, cho dù tốn kém để nhằm quảng bá tên tuổi sản phẩm, và từ đó là chiếm lĩnh thị trường.

Các văn bản liên quan