Mục đích của chế định phạt vi phạm

Thứ Sáu 16:04 26-05-2006
CẦN XÁC ĐỊNH RÕ RÀNG MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỊNH PHẠT VI PHẠM

Dự thảo Luật Thương mại qui định các bên có thể thoả thuận về một khoản tiền phạt (không quá 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm) nếu vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu xảy ra vi phạm, bên bị vi phạm có quyền đòi khoản tiền phạt mà không được quyền đòi bồi thường thiệt hại.

Với qui định như vậy, có vẻ như chế định Phạt vi phạm này được sử dụng với hai mục đích đồng thời:

- răn đe, ngăn chặn vi phạm hợp đồng (trong trường hợp có vi phạm thì bên vi phạm sẽ phải nộp "phạt" không phụ thuộc vào việc thực tế vi phạm đó có gây ra thiệt hại cho bên kia không);
- bồi thường thiệt hại theo mức định trước (tức là nếu có vi phạm gây thiệt hại thì bên bị thiệt hại không được quyền đòi bồi thường thiệt hại theo mức thiệt hại thực tế mà chỉ được đòi khoản tiền đã xác định trước mặc dù thực tế không có thiệt hại hoặc thiệt hại có thể là thấp hơn hoặc cao hơn mức tiền phạt này).

Cả hai mục đích này đều có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề liên quan cần giải quyết:

- Qui định về "giới hạn trên" của mức phạt (8%) là không hợp lý vì nếu một bên thấy mức thiệt hại mà họ phải chịu nếu thực hiện đúng hợp đồng còn cao hơn mức thiệt hại do nộp phạt thì họ sẽ "cố ý" vi phạm. Mục đích "răn đe" do đó sẽ không thực hiện được. Hơn nữa qui định này cũng can thiệp vào quyền tự do thoả thuận của các bên. Vì vậy, không nên qui định mức phạt tối đa;
- Việc qui định phạt vi phạm với mục đích răn đe (phạt) cũng có thể gây ra những nguy cơ nhất định trong việc áp dụng. Ví dụ theo thông luật (common law) áp dụng tại các nước Anh, Mỹ, Úc... các bên chỉ được thoả thuận về bồi thường theo mức định trước (liquidated damages), mọi thoả thuận về phạt vi phạm (penalty) đều vô hiệu. Như vậy một bản án của toà án hay phán quyết trọng tài chấp nhận hiệu lực của điều khoản phạt vi phạm trong HĐTM có thể sẽ bị toà án tại các nước theo hệ thống thông luật từ chối công nhận và thi hành.
- Mục đích răn đe và bồi thường thiệt hại theo mức định trước đôi khi không thể thống nhất với nhau trong cùng một loại chế tài. Ví dụ nếu "răn đe" thì mọi vi phạm đều phải nộp phạt còn nếu là "bồi thường thiệt hại theo mức định trước" thì chí ít việc vi phạm phải gây ra thiệt hại (thì mới có chuyện "bồi thường thiệt hại"; "bồi thường thiệt hại theo mức định trước chỉ khác so bồi thường thiệt hại chung ở chỗ mức bồi thường đã được ấn định trước). Luật hợp đồng của Pháp qui định nội dung này thành hai hình thức riêng biệt: (i) bồi thường thiệt hại theo mức định trước (với các điều kiện áp dụng cho bồi thường thiệt hại thông thường: tức là phải có hành vi vi phạm, có thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại); và (ii) phạt vi phạm (clause pénal) áp dụng bất kỳ khi nào có vi phạm mà không phụ thuộc vào việc có thiệt hại xảy ra hay không. Bên bị vi phạm có thể cùng lúc đòi bồi thường thiệt hại thực tế và khoản tiền phạt vi phạm. Riêng đối với hình thức bồi thường thiệt hại theo mức định trước, nếu khoản tiền bồi thường theo mức định trước là quá vô lý so với thiệt hại thực tế (quá cao hoặc quá thấp) thì thẩm phán có thể can thiệp để điều chỉnh mức này cho hợp lý hơn. Như vậy là chế định phạt vi phạm là để răn đe còn bồi thường thiệt hại theo mức định trước là nhằm mục đích "bồi thường thiệt hại" theo đúng nghĩa của nó.

Việc qui định chế tài nào và mối quan hệ giữa các chế tài do đó phải được thực hiện thận trọng. Nếu chỉ áp dụng bồi thường thiệt hại (như luật anglo-saxon) thì sẽ rất đơn giản nhưng không thực hiện được mục đích răn đe (mà cũng cần cân nhắc xem tính "răn đe" trong luật tư có thật sự cần thiết không!). Nếu áp dụng như luật Hợp đồng của Pháp thì cần xem xét lại các điều kiện áp dụng từng loại chế tài (phạt vi phạm hay bồi thường thiệt hại theo mức định trước) và mối quan hệ giữa chúng với nhau chứ không nên để tình trạng lẫn lộn như chế tài phạt vi phạm của ta hiện nay.

Các văn bản liên quan