Một vài ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước – TS.Trần Thanh Hương, Đoàn Luật sư TP.HCM

Thứ Sáu 13:52 27-06-2008

 


 
1. NHỮNG Ý KIẾN MANG TÍNH ĐỊNH HƯỚNG
 
1.1.   Chủ trương ban hành Luật bồi thường Nhà nước

Thực tế còn có các ý kiến khác nhau trong việc có nên hay không nên ban hành Luật Bồi thường Nhà nước. Các ý kiến phản đối không phải hoàn toàn không có cơ sở, ví dụ, cho rằng Luật này không có tính mới, chẳng qua là gom nhặt các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật đang tồn tại, thể hiện trách nhiệm dân sự của nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Nghị định 47 của CP…, Nghị quyết 388 của UBTVQH….  Tuy nhiên, Luật Bồi thường Nhà nước với việc bảo vệ  lợi ích của các tổ chức, cá nhân khi họ bị thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước gây ra ít nhất sẽ là một cú hích trong cuộc cách mạng về tư tưởng và tư duy lập pháp ở Việt Nam hiện nay, hướng tới một nhà nước pháp quyền dân chủ, văn minh, trong đó có sự chịu trách nhiệm lẫn nhau giữa các chủ thể, cho dù là chủ thể đặc biệt mang quyền lực công.
Với lý do nêu trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương ban hành Luật bồi thường Nhà nước.
 
1.2.           Phạm vi điều chỉnh của Luật

Mặc dù cũng còn có ý kiến khác nhau, ví dụ có ý kiến cho rằng Luật bồi thường nhà nước nên có phạm vi mở rộng sang các lĩnh vực áp dụng pháp luật khác như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Tuy nhiên, quan điểm chúng tôi là bước đầu chỉ nên tập trung quy định vào các lĩnh vực mà bồi thường nhà nước mang tính khả thi. Như vậy, Luật bồi thường nhà nước tại thời điểm này chỉ áp dụng trong các lĩnh vực quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng hình sự là chấp nhận được. Điều này không phủ nhận những tiến bộ mới của Luật so với các quy định hiện hành trong lĩnh vực này, mà việc khẳng định tư tưởng về việc bồi thường do sai trong tố tụng hình sự là một ví dụ.
 
1.3.           Lợi ích doanh nghiệp

Tuy ý tưởng của Dự thảo không loại trừ Doanh nghiệp- như là một tổ chức được bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra- nhưng toàn văn dự thảo chưa thể hiện sâu sắc sự quan tâm tới doanh nghiệp. Cụm từ “người bị thiệt hại có quyền…” gây nên sự không rõ ràng về chủ thể, có thể làm cản trở thủ tục yêu cầu bồi thường của tổ chức trong trường hợp công chức áp dụng máy móc pháp luật, không hiểu bản chất của Luật này. Vì thế, đề nghị có một điều khoản, hay một mục xác định rõ “người bị thiệt hại” là ám chỉ mọi cá nhân, tổ chức trong đối tượng áp dụng của Luật; hoặc thay vì dùng cụm từ “người bị thiệt hại”, quy định rõ luôn là “cá nhân, tổ chức
 
2. NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ:
 
2.1. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước
 
Phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước như Điều 10, 11 của Dự thảo là chưa thực sự là quy định mở. Ví dụ, Điều 10 chỉ giới hạn 10 hành vi hành chính là chưa thuyết phục, ít nhất nên bao trùm được tất cả các hành vi của cơ quan nhà nước mà cá nhân, tổ chức có thể kiện ra toà hành chính như trong Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Điều này không những thể hiện tư tưởng thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam (Trong Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có đề cập nguyên tắc bồi thường) mà còn thể hiện sự hướng tới các cam kết gia nhập WTO, khi nói về văn bản, hành vi hành chính bị khiếu nại. Quyền khiếu nại chỉ có ý nghĩa chừng nào chủ thể khiếu nại được khôi phục quyền lợi và được bồi thường thiệt hại khi nhà nước sai.
 
2.2.           Về thủ tục bồi thường nhà nước và cơ quan quản lý bồi thường nhà nước
 
Điều 23 của Dự thảo Luật quy định:
1. Trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày biết hoặc phải biết mình bị thiệt hại, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu bồi thường nhà nước đến cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước.
2. Trường hợp không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan quản lý bồi thường nhà nước để cơ quan này xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường...”

Chúng tôi đồng ý quan điểm cho rằng các cơ quan hành chính nhà nước như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp… như tờ trình của Ban Soạn thảo. Song nếu như để các cơ quan này cũng chính là cơ quan xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường như Điều 23.2 của Dự thảo thì chưa xác đáng lắm vì: (i) Tăng thêm gánh nặng cho cơ quan vốn chỉ có chức năng quản lý chung về công tác pháp luật và hành chính tư pháp, bản chất là cơ quan hành chính nhà nước. (ii) Việc xác định cơ quan nhà nước nào phải giải quyết bồi thường mang tính chất chuyên môn sâu của cơ chế áp dụng pháp luật, đòi hỏi sự khách quan của một cơ quan hoạt động độc lập, thoát ra khỏi hệ thống hành chính nhà nước. Vấn đề lại trở nên bất cập hơn nếu như chính các cơ quan này, hoặc cấp dưới của nó lại là “thủ phạm” gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức... Với các lý do trên, theo chúng tôi nên giao việc trên cho Toà án.

Ngoài ra, cũng nên xác định nguyên tắc giải quyết trong trường hợp các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại bằng cách giao cho toà án chức năng xác định.
 
2.3.           Trách nhiệm hoàn trả
 
Việc quy định trách nhiệm hoàn trả của cán bộ công chức trong một chương riêng thể hiện quan điểm đúng đắn về trách nhiệm công chức khi thi hành công vụ, và ở khía cạnh khác còn mang tính giáo dục tư tưởng, ý thức tuân thủ pháp luật trong mối quan hệ công dân-công chức- nhà nước.

Tuy nhiên, Điều 43 thể hiện nghĩa vụ hoàn trả của công chức trong trường hợp có yêu cầu của Nhà nước. Nên quy định rõ trường hợp nào thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước phải quyết định việc hoàn trả, và trường hợp nào là không, tránh nảy sinh sự tuỳ tiện của Thủ trưởng cơ quan nhà nước khi việc này là trong thẩm quyền của họ và tránh mất công bằng giữa các công chức khi trong thực tế quan hệ này dễ bị chi phối bới quan hệ cá nhân Thủ trưởng-nhân viên.
Điều 45 về căn cứ xác định mức hoàn trả trong trường hợp công chức có lỗi vô ý cũng còn cần cụ thể hoá, vì các căn cứ còn chung chung. Còn nếu như Luật chưa thể cụ thể hoá điều này thì cũng xác định ngay trong điều khoản này cơ quan nhà nước nào có trách nhiệm cụ thể hoá chúng.
 
 
                                                TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 6 năm 2008
 

Các văn bản liên quan