Góp ý Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước – Ths.Phan Văn Cành, TAND Tp HCM

Thứ Sáu 13:49 27-06-2008


GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC (Ths. Phan Văn Cành – TAND Tp.HCM) 
  
  


 
I.  Về chương II của dự thảo

Chương II của dự thảo quy định về bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước và thi hành án.
 
1. Bồi thường thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Tại điều 10, dự thảo luật đưa ra 10 hành vi công vụ, nếu người thực hiện công vụ có lỗi thì phải bồi thường.
 
Việc thống kê 10 hành vi công vụ như dự thảo trên đây là hạn chế, vì trong thực tế còn rất nhiều hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà dư thảo luật không dự liệu hết. Đặc biệt, trong quản lý  hành chính nhà nước, các hành vi vi phạm của người thực thi công vụ là đa dạng và thể hiện trên nhiều lĩnh vực
 
Vì vậy, nếu luật chỉ đóng khung có 10 hành vi như thế thì khi xảy ra các hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại sẽ bị thiệt thòi.
 
Ví dụ: Hành vi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là xe mô tô, ô tô. Vì không có kho lưu giữ nên cơ quan thu giữ phải để phương tiện ở ngoài trời. Mưa nắng dãi dầu, làm cho phương tiện bị xuống cấp. Khi người vi phạm nộp phạt xong và được lấy xe ra thì đa số phương tiện không còn như lúc ban đầu. Quyền sở hữu của chủ phương tiện trong trường hợp này đã bị cơ quan nhà nước không tôn trọng.
 
2. Bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án.

Điều 11 dự thảo đưa ra 2 khoản.
            . Khoản 1 thuộc lĩnh vực Thi hành án dân sự
Luật đưa ra 6 hành vi. Nhưng trong thực tế, các hành vi vi phạm của chấp hành viên, chuyên viên thi hành án dân sự là rất nhiều.
 
Ví dụ: Bản án số 1154/PTDS ngày 27 tháng 9 năm 2007 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên:
 
“Buộc bà Lỡ Thị Hồng Nguyệt phải trả ông Trần Văn Bền số tiền 2.524.000.000 đồng…việc trả tiền và giao giấy tờ nhà được thực hiện song song cùng một lúc tại thi hành án dân sự quận Thủ Đức ngay sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật.”
 
Sau khi án có hiệu lực pháp luật, ông Bền làm đơn yêu cầu thi hành án. Chấp hành viên đã mời ông lên và làm biên bản thu giữ bản chính sổ hồng nhà mà ông Bền đã cầm của bà Nguyệt (việc làm này là hoàn toàn sai với bản án… việc trả tiền và giao giấy tờ nhà được thực hiện song song cùng một lúa tại thi hành án dân sự quận thủ đức ngay sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật).
 
Tuy nhiên, chấp hành viên đã không làm như vậy. Để lách luật, chấp hành viên đã làm theo yêu cầu của bà Nguyệt: Nộp tiền 5 lần, mỗi lần 100 triệu và mời ông Bền lên nhận. Không còn cách nào khác, người được thi hành án buộc lòng phải nhận. Vì nếu không nhận thì số tiền này sẽ được chấp hành viên nộp vào kho bạc nhà nước. Đến nay sau 9 tháng có hiệu lực pháp luật, ông  Bền mới nhận được 500 triệu. Với việc làm này thì chỉ sau 2 năm nữa, yêu cầu kê biên phát mãi căn nhà của ông Bền sẽ trở nên vô nghĩa vì tài sản được chấp hành viên cho người phải thi hành án trả dần dần. Bản án bị vô hiệu bởi hành vi sai trái của chấp hành viên. Ông Bền khiếu nại thì được giải quyết: việc thi hành án như vậy là hoàn toàn đúng với cơ quan thi hành án.
 
Ví dụ 2: Công ty TNHH Sanjm ViNa là bên được thi hành án khoản tiền 800 triệu và tiền lãi suất quá hạn. Bên phải thi hành án là UBND tỉnh Bình Phước. Sau ba năm, Công ty TNHH vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Phước trả nợ. Lý do đưa ra là Sở Tài Chính không có tiền. Về vụ việc này Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư Pháp đã có 2 công văn, nhưng đề nghị bị rơi vào im lặng.
 
Với hành vi chậm thi hành án của chấp hành viên, thi hành án không đúng với bản án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức, cá nhân. Thử đặt câu hỏi với giá cả tăng như hiện nay thì giá trị đồng tiền còn lại được bao nhiêu?Quyền lợi của người được thi hành án bị vi phạm một cách trắng trợn. Bản án của tòa không được tôn trọng.
 
Do vậy, cần thiết phải đưa hành vi chậm thi hành án của chấp hành viên gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức vào khoản 1 điều 11.
 
            . Khoản 2 điều 11
Dự luật quy định bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án hình sự
Trong thực tế Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh chưa khi nào ra quyết định thi hành án hình sự trái với nội dung bản án hình sự như tại điểm a, điều 11 của dự luật. Vì căn cứ tại phiên tòa, căn cứ vào bản án, bị cáo đều đã nhận thức rõ hình phạt là gì, mức án là bao nhiêu?Trường hợp tòa án ra quyết định thi hành án sai là không thể xảy ra.
 
Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định này cho phù hợp với thực tiễn.
 
3. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 14).

Khoản 1 điều 14 Dự thảo luật quy định: Người có thu nhập thường xuyên mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình của cá nhân, tổ chức trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
 
Quy định như vậy là chưa phù hợp. Vì nếu năm 2005 thu nhập của một người là 1 triệu thì căn cứ vào điều này, năm 2008 mức xác định bồi thường cũng là 1 triệu thì rất thiệt thòi cho người bị thiệt hại.
 
Do vậy dự thảo luật cần phải tính đế yếu tố trượt giá cho người bị thiệt hại.
 
4. Điều 22 trách nhiệm của người thi hành công vụ đã gây thiệt hại.

Khoản 3 dự luật quy định: Hoàn trả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Hoàn trả ở đây là hoàn trả cái gì?
 
II. Yêu cầu bồi thường thiệt hại.

1. Điều 23 dự luật cũng quy định: Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày biết hoặc phải biết mình bị thiệt hại, ngưòi bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu bồi thường…
 
Quy định này đã làm khó người bị thiệt hại. Thực tế họ là người oan sai, do đó họ có quyền im lặng, không cần phải biết. Luật buộc họ phải biết là quy định gượng ép.
 
2.Thi hành hoàn trả:
Khoản 2, điều 46 dự luật quy định việc hoàn trả của người thi hành công vụ là trừ vào lương.  Quy định này cần được bổ sung.
 
Ví dụ: Trong một phiên tòa có thẩm phán có Hội thẩm, nếu Thẩm phán, Hội thẩm xử oan, sau đó họ ra khỏi ngành, hoặc Hội thẩm về hưu hay đã chết thì buộc họ bồi thường như thế nào?
 
Mặt khác, khi họ đã ra khỏi ngành, họ không cư trú ỏ một địa điểm cố định hoặc không có thu nhập thì bắt họ bồi thường ra sao?(Khoản 2 điều 49).

Các văn bản liên quan