Góp ý của VCCI

Thứ Tư 13:55 02-07-2008


                        Kính gửi:    BỘ TÀI CHÍNH


Luật thuế tiêu thụ đặc biệt là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về thuế và có tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (Dự thảo) như sau:

I. Về quan điểm tiếp cận

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng[1] về chính sách cơ bản trong vấn đề thuế, những đòi hỏi của quá trình hội nhập (mà đặc biệt là những cam kết WTO) và những yêu cầu cơ bản về pháp lý đối với một văn bản pháp luật, Dự thảo cần đảm bảo đồng thời và ở mức tốt nhất có thể các nguyên tắc cơ bản sau đây:

(i) Đảm bảo đồng thời lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, nguồn thu của Nhà nước và tác động khuyến khích, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng;

(ii) Đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế;

(iii) Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực thi;

(iv) Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, chính xác và hợp lý của hệ thống pháp luật.

Đối chiếu Dự thảo hiện hành (bản ngày 29/4/2008) với các nguyên tắc nêu trên cho thấy mặc dù đã có nhiều quy định đáp ứng được những nguyên tắc này, tuy nhiên theo ý kiến của một số doanh nghiệp, Dự thảo còn một số nội dung chưa đáp ứng được  và cần được xem xét, điều chỉnh kịp thời.

II. Góp ý cụ thể

  1. Nguyên tắc công bằng giữa các đối tượng nộp thuế


Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Để tạo sự đồng thuận trong áp dụng và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh, luật thuế phải công bằng cho các doanh nghiệp, hạn chế đến mức tối đa sự phân biệt đối xử.
Một số quy định trong Dự thảo, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trên, cụ thể:

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định các mức thuế suất khác nhau đối với các loại bia khác nhau. Thuế suất của bia chai, bia hép là 75%, còn thuế suất của bia hơi, bia tươi là 40%. Dự thảo quy định áp dụng một mức thuế suất chung cho tất cả các loại bia là 55%. Như vậy là tăng lên 15% so với mặt hàng bia hơi, bia tươi và giảm 20% cho mặt hàng bia chai, bia hép. Theo ý kiến của Hiệp hội Rượu bia và Nước giải khát thì với mức thuế suất 40%, doanh nghiệp sản xuất bia hơi đã bắt đầu khó khăn, nay tăng lên 55% thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn hơn. Mặt hàng bia hơi phù hợp với những người thu nhập thấp và trung bình. Nếu tăng thuế suất cho mặt hàng này sẽ dẫn đến giá cả mặt hàng sẽ tăng cao và gián tiếp tác động đến cuộc sống của những đối tượng trên. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp sản xuất bia hơi đều có quy mô nhỏ và vừa, nên nếu quy định với thuế suất trên sẽ dẫn đến tình trạng khó khăn trong kinh doanh có thể dẫn tới phá sản. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất bia chai, bia hép đang có lợi nhuận với thuế suất 75%, nay giảm xuống 55% thì các doanh nghiệp này càng có lợi.

Như vậy nếu quy định thuế suất 55% áp dụng chung cho tất cả các loại bia thì vô hình chung đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp sản xuất các loại bia khác nhau. Một số doanh nghiệp đề nghị loại đối tượng bia hơi ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cho rằng bia hơi là “một mặt hàng nước giải khát hương bia”.

  1. Tính minh bạch trong quy định tại Điều 10 Dự thảo về giảm thuế, miến thuế tiêu thụ đặc biệt

Điều 10 Dự thảo quy định “cơ sở sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ được giảm thuế, miễn thuế”. Quy định như vậy còn có nhiều điểm chưa rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất của các cơ quan thi hành pháp luật. “Giảm thuế” được hiểu là giảm bao nhiêu? Nếu cần có văn bản hướng dẫn thêm thì Dự thảo nên nêu rõ văn bản đó và cơ quan có thẩm quyền ban hành.
  1. Nguyên tắc đảm bảo tính hợp lý của các quy định pháp luật

Một trong những mục tiêu của Dự thảo là “góp phần hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội” bằng cách đánh thuế cao những mặt hàng không khuyến khích sản xuất, sử dụng. Nhưng trong Dự thảo (điểm đ khoản 4 Điều 8) lại đánh thuế cao mặt hàng đang cần khuyến khích sử dụng, đó là ô tô chạy bằng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời (chịu thuế suất bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho loại xe cùng chủng loại). Đây là loại xe giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và cần được khuyến khích sử dụng, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa hợp lý, chưa phù hợp với tiêu chí mà Dự thảo đặt ra.

Một số doanh nghiệp đề nghị, đưa “ô tô chạy bằng điện, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời” vào đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, về báo cáo khảo sát, một số doanh nghiệp đề nghị nên khảo sát rộng hơn, toàn diện hơn (ở thành phố lớn và ở các tỉnh thành nhỏ; các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ …).

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Về vấn đề này, Nghị quyết có nêu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo nguyên tắc công bằng, thống nhất và đồng bộ, bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Các văn bản liên quan