Một số ý kiến về đánh giá Luật kế toán – Bà Hà Thị Tường Vy, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Thứ Ba 08:31 21-05-2013

Một số ý kiến về đánh giá Luật kế toán

Hội thảo “Tổng kết luật kế toán” ngày 15/5/2013 của VCCI & VAA

                                                              Bà Hà Thị Tường Vy

                                                      Phó trưởng Ban QLHNKT, VAA

Trưởng tiểu ban Đào tạo, Chi Hội HNKT (VICA)

Sau gần 10 năm thực hiện về cơ bản Luật kế toán đã đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi thực tế của công tác đào tạo kế toán, kiểm toán; thực hiện công tác kế toán và lập trình bày BCTC của các DN, đơn vị. Tuy nhiên, nền kinh tế ngày càng phát triển đòi hỏi các chính sách cũng phải thay đổi phù hợp, đó là lý do cho việc sửa đổi, bổ sung Luật kế toán lần này.

Trên cơ sở nghiên cứu và thực tế quản lý các đơn vị, cá nhân xin đưa ra một số ý kiến như sau:

1-Về đối tượng áp dụng luật kế toán (Điều 2): Đề nghị bổ sung thêm “các tổ chức nghề nghiệp kế toán” vì các tổ chức nghề nghiệp kế toán là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước về nghề nghiệp kế toán và hơn nữa theo xu hướng chung của Quốc tế thì các tổ chức nghề nghiệp tổ chức quản lý và trợ giúp tốt cho đội ngũ hành nghề dịch vụ kế toán.

          2- Giải thích từ ngữ (Điều 4): Cần phải xem xét lại một số thuật ngữ, đồng thời có thể bổ sung một số thuật ngữ. Ví dụ:

-Thuật ngữ về đơn vị kế toán, trong thực tế thực hiện 9  năm qua thuật ngữ này đã gây nên nhiều khó khăn cho các DN/đơn vị. Vì thuật ngữ này liên quan đến việc xác định DN/ đơn vị đó có phải là một đơn vị kế toán hay không? Và chỉ khi xác định là một đơn vị kế toán thì mới được bổ nhiệm kế toán trưởng. Do đó, trong thực tế xảy ra chuyện 1 DN chỉ có 500tr – 1 tỷ vốn điều lệ thì được bổ nhiệm kế toán trưởng còn những DN vốn 50tỷ - 200 tỷ thì không đủ điều kiện để bổ nhiệm kế toán trưởng chỉ vì tổ chức hạch toán toàn nghành nên các DN chỉ lập BCTC nộp cho cấp trên mà không công khai ra bên ngoài thì không phải là đơn vị kế toán, cũng từ vấn đề này nên đã hạn chế trong việc quản lý TS của kế toán. (Hiện tượng này phổ biến trong nghành NH, BH);

- Kỳ kế toán, theo tôi thuật ngữ này đang mâu thuẫn với quy định kỳ kế toán tại điều 13 của luật. Theo quy định tại điều 13 kỳ KT, gồm: Tháng, quý, năm; nhưng theo thuật ngữ thì kỳ KT là “khoảng thời gian…….đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán”. Theo thuật ngữ này chỉ thích hợp với kỳ kế toán năm mà thôi;

- Hình thức kế toán; Hành nghề kế toán; ….

- Đề nghị bổ sung thuật ngữ: “ Đạo đức kế toán”; “Đồng tiền lập BCTC”,…

- Đề nghị chuyển 1 số nội dung có tính thuật ngữ đang được quy định trong các điều Luật thành thuật ngữ, như: “ Chuẩn mực kế toán” (Điều 8); “Tài khoản kế toán” (Điều 23); “ Sổ kế toán” (Điều 25); ….

3- Yêu cầu kế toán (Điều 6): Đề nghị sửa lại khoản 3 như sau: “Phản ánh rõ ràng các thông tin số liệu kế toán” vì “yêu cầu chính xác, dễ hiểu” đã được ẩn chứa trong tất cả các yêu cầu kế toán và hơn nữa các thông tin ước tính kế toán, như: Dự phòng, trích trước, trích khấu hao TSCĐ,… thì không thể gọi là chính xác mà chỉ là hợp lý nhất tại thời điểm ước tính. “Chính xác” đòi hỏi một sự tuyệt đối hóa sẽ không thích hợp với các thông tin ước tính kế toán.

4- Nguyên tắc kế toán (Điều 7): Hiện nay các văn bản pháp luật về kế toán có các quy định khác nhau, luật chưa bao trùm được và hơn nữa thực tế đang gặp sự cản trở của quy định tại Luật kế toán, đó là: “Nguyên tắc giá gốc” vì thực tế hiện nay có nhiều hoạt động của một số tổ chức cần phải phản ánh theo “Giá trị hợp lý”, như: Giao dịch phái sinh, Tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán; …..;

Đề xuất: Phương án tại Luật kế toán chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn nội dung nguyên tắc cụ thể nên để quy định tại Chuẩn mực kế toán thì sẽ thích hợp với KT SXKD và KT NN hơn, nhất là phải tính đến ban hành Chuẩn mực kế toán công trong tương lai.

5- Đơn vị kế toán quy định tại Luật kế toán (Điều 11) đang gây khó khăn cho công tác kế toán của các DN và không thích hợp với thực tế quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan  (Chủ yếu liên quan đến ngoại tệ).

Đề xuất: Tại Luật kế toán chỉ quy định đồng tiền BCTC mà không nên quy đinh đồng tiền ghi sổ kế toán.

6- Một số quy định tại luật phù hợp với kế toán thủ công hơn là kế toán phần mềm, như: Lập chứng từ, ghi sổ kế toán, hình thức kế toán, chữa sửa sổ kế toán,…

Đề Xuất: Bổ sung các quy định phù hợp với kế toán theo phần mềm kế toán;

7- Hóa đơn bán hàng (Điều 21):

Đề xuất: Chỉ quy định mang tính nguyên tắc mà không quy định cụ thể như hiện nay (Khoản 3 – điều 21), vì Hóa đơn hiện nay do Luật thuế quy định mà không phải do kế toán quy định, nên kế toán sẽ không thể thay đổi phù hợp với Luật thuế và hơn nữa tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp luật;

8- Dịch chứng từ kế toán quy định tại Luật như hiện nay cũng là một vấn đề cản trở hoạt động của DN trong quá trình thực hiện kể cả liên quan đến lưu trữ tài liệu kế toán.

Đề xuất: Đối với các DN xuất nhập khẩu hoặc lĩnh vực NH thì chỉ quy định dịch liên chứng từ phục vụ trực tiếp ghi sổ kế toán hoặc liên quan trực tiếp đến thanh toán, như “Hóa đơn”,…

9- Lưu trữ tài liệu kế toán hiện nay cũng gây nên khó khăn cho DN (Lượng tài liệu lưu trữ quá lớn, nhất là lĩnh vực NH, BH), để giảm thiệu tối đa tài liệu đưa vào lưu trữ nhằm tiết kiệm chi phí cho DN, xã hội.

Đề xuất: Cần nghiên cứu quy định việc lưu trữ tài liệu bằng đĩa mềm hoặc ổ cứng;

10-  Đề nghị quy định bổ sung nội dung xử phạt hoặc nghiêm cấm việc một (1) DN/ đơn vị có nhiều số liệu của cùng 1 thông tin kinh tế;

11- Đề nghị xem xét lại quy định chức danh kế toán trưởng hiện nay, nên chăng đổi chức danh kế toán trưởng hiện nay thành chức danh “Giám đốc tài chinh” và quy định thêm quyền hạn, trách nhiệm của kế toán trưởng trong trường hợp DN có chức danh ‘Giám đốc TC” và kế toán trưởng trong trường hợp thuê dịch vụ;

12- Đề nghị bổ sung 1 điều luật quy định về tổ chức nghề nghiệp kế toán với tinh thần giao cho tổ chức nghề nghiệp một số quyền nhất định. Tuy nhiện, tôi cũng nhất trí muốn thực hiện được điều này bản thân các tổ chức nghề nghiệp cần phải tổ chức laị, tự các Hội phải nâng cao năng lực hoạt động của mình;

13- Cần quy định theo tinh thần của quốc tế đó là nâng tầm chứng chỉ hành nghề kế toán. Chúng chỉ kế toán được hành nghề kế toán và kiểm toán, thay bằng bây giờ chỉ hành nghề kế toán mà không được hành nghề kiểm toán. Muốn quy định như vậy phải thay đổi chương trình và yêu cầu thi so với hiện nay. Trong thực tế muốn kiểm toán được BCTC trước tiên phải giỏi về kế toán, trừ 1 số lĩnh vực cần chuyên gia;

14-Luật cần quy định rõ chế tài xử phạt đối với các trường hợp hành nghề không có chứng chỉ hoặc không đăng ký để dần khép vào khuôn khổ pháp luật, năng cao chất lượng cung cấp dịch vụ;

15- Luật lần này cần bổ sung 1 số điều quy định về chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, như: Vấn đề cập nhật kiến thức bắt buộc đối với kế toán viên hành nghề và trợ lý kế toán; đạo đức của người hành nghề; ….

Trên đây là một số ý kiến có tính cá nhân góp thêm vào tiếng nói chung của nghề nghiệp. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của các chuyên gia, kế toán trong cả nước.

Trân trọng cảm ơn.   

                                      v

Các văn bản liên quan