Bàn về định hướng xây dựng Luật kế toán trong điều kiện hiện nay – Ông Chúc Anh Tú, Học viện Tài chính

Thứ Sáu 09:19 17-05-2013

BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT KẾ TOÁN

TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

                                               

TS. Chúc Anh Tú

Học viện Tài chính

Luật kế toán 2003 ra đời đánh dấu kiện trưởng thành của kế toán Việt Nam, bao gồm 07 chương và 64 điều quy định các vấn đề cơ bản liên quan đến lĩnh vực kế toán, có thể tóm tắt cụ thể như sau:

Chương 1-Những quy định chung: bao gồm các thuật ngữ, khái niệm và các vấn đề cơ bản liên quan đến kế toán

Chương 2-Nội dung công tác kế toán, bao gồm chứng từ kế toán, Tài khoản và Sổ kế toán, Báo cáo tài chính, kiểm tra kế toán, công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia tách, hợp nhất, sáp nhập…tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, kiểm tra kế toán, kiểm kê tài sản, bảo quản và lưu giữ tài liệu kế toán

Chương 3-Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, bao gồm: những quy định về bộ máy kế toán, người làm kế toán, kế toán trưởng…

Chương 4-Hoạt động nghề nghiệp kế toán, bao gồm: hành nghề kế toán, thuê làm kế toán…

Chương 5-Quản lý Nhà nước về kế toán, bao gồm nội dung quản lý Nhà nước về kế toán, cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán…

Chương 6- Khen thưởng và xử lý vi phạm, bao gồm: điều kiện khen thưởng và bị xử lý vi phạm

Chương 7- Hiệu lực thi hành

Mặc dù Luật kế toán ra đời ngoài việc khẳng định vị trí, vai trò của kế toán trong xã hội còn là văn bản pháp quy lớn để điều tiết các hoạt động kế toán trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng gần tròn 10 năm Luật kế toán đã thể hiện sự tồn tại những vấn đề nhất định xuất phát từ nhiều nguyên nhân như do sự phát triển kinh tế xã hội thời kỳ hiện nay, do yêu cầu quản lý của Nhà nước, do quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng về lĩnh vực kế toán…từ những bất cập này, tác giả đã đưa ra những định hướng giải quyết một số vướng mắc, tồn tại như sau:

Thứ nhất, cần thống nhất các thuật ngữ, khái niệm trong các văn bản liên quan đến các quy định. Sự thống nhất được thể hiện ở nội tại các văn bản pháp luật kế toán, như điều 8 tiểu mục 1 “chuẩn mực kế toán bao gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính”. Tuy nhiên, quy định trong các mục đích của các chuẩn mực kế toán thì là “quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán…”; sự thống nhất còn phải thể hiện ở các nội dung của Luật kế toán với các văn bản pháp lý liên quan, như về hoá đơn bán hàng; Do đó, việc quá trình cần thiết phải thống nhất xuyên suốt các thuật ngữ trong Luật kế toán và các văn bản pháp luật liên quan

Thứ hai, thay đổi khái niệm về chứng từ kế toán, như theo điều 4 tiểu mục 7 “chứng từ là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và hoàn thành làm căn cứ ghi sổ kế toán” và điều 17 Nội dung của chứng từ kế toán quy định các yếu tố của chứng từ kế toán, lập chứng từ kế toán, ký chứng từ kế tán…Với khái niệm này, ta thấy hiện nay xuất hiện chứng từ điện tử vẫn là những chứng từ nhưng không phải là những giấy tờ thông thường hay đối với quá trình lập BCTC hợp nhất thì những căn cứ liên quan đó là các BCTC riêng, bảng tổng hợp các chỉ tiêu hợp nhất, bảng tổng hợp các bút toán điều chỉnh vẫn phải được coi là các chứng từ kế toán phục vụ cho quá trình lập BCTC Hợp nhất. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh lại về hình thái biểu hiện của chứng từ mà không nên quá cụ thể là “giấy tờ” như Luật

Thứ ba, nguyên tắc trong quá trình soạn thảo và xây dựng Luật kế toàn là không nên quy định quá cụ thể các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh, như quy định về đơn vị tính sử dụng trong kế toán tiểu mục 1 điều 11 “Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh là ngoại tệ, phải ghi theo nguyên tệ và đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế hoặc quy đổi theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam”. Có thể nói, sự quy định này là quá cụ thể và chưa phù hợp vì thực tế quá trình thực hiện đã có các thông tư hướng dẫn về chênh lệch Tỷ giá hối đoái, xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái như thông tư 201/2009/TT-BTC hay thông tư 179/2012/TT-BTC...

 Thứ tư, Báo cáo tài chính: Mục 3-chương 2 nội dung công tác kế toán bao gồm các điều từ 29 đến điều 34 đã quy định các vấn đề về BCTC gồm quy định cụ thể các loại BCTC như Bảng cân đối kế toán, Báo cáo Thu chi, Bản Thuyết minh BCTC và các Báo cáo khác theo quy định của Pháp luật đối với “báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi NSNN, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí Nhà nước và đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN” và Bảng CĐKT, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ, Bản Thuyết minh BCTC đối với “báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh”. Với quy định này, thì thực tế hiện nay chưa phù hợp vì mục đích của BCTC là cung cấp các thông tin phù hợp cho các đối tượng liên quan, xuất phát từ tình hình thực tế, từ yêu cầu kinh tế xã hội về sử dụng thông tin kinh tế-tài chính của Doanh nghiệp và từ yêu cầu hội nhập kế toán quốc tế. Thì Luật kế toán nên chỉnh sửa Bản thuyết minh BCTC thành Báo cáo diễn giải và Báo cáo tình hình thay đổi Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Hoặc Luật kế toán không nên quy định cụ thể, chi tiết các loại BCTC

Tài liệu tham khảo:

-         Luật kế toán 2003

-         Các website chuyên ngành liên quan

Các văn bản liên quan