Một số ý kiến nhằm hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2005

Thứ Tư 00:19 23-05-2007

 

MỘT SỐ Ý KIẾN

NHẰM GÓP PHẦN HOÀN THIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2005

--------------------------------------

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Giám đốc công ty tư vấn VFAM Việt Nam

 

Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005 - còn gọi là Luật Doanh nghiệp thống nhất - đã có hiệu lực thi hành được gần 01 năm. Với những nội dung tiến bộ hơn, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã góp phần tích cực trong việc tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có khá nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế, đòi hỏi được nghiên cứu, giải đáp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn không đáng có cho các doanh nghiệp. Có thể chia những vấn đề đã phát sinh cần nghiên cứu, giải quyết thành hai nhóm:

Nhóm 1: Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong văn bản luật;

Nhóm 2: Những vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.

I- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TRONG VĂN BẢN LUẬT

Nhìn chung, những vấn đề thuộc nhóm này không nhiều. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có ít nhất ba vấn đề sau:

1. Về yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với Giám đốc

Khoản 4 Điều 16 quy định:

"4. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề"

Khoản 5 Điều 18 quy định:

"5. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề".

Khoản 5 Điều 19 quy định:

"5. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề".

Những quy định trên có nghĩa là với những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề thì Giám đốc (Tổng Giám đốc) phải có chứng chỉ đó. Đó là điều vô lý và đã được giải thích rằng, do sơ suất trong việc soạn văn bản đã có sự nhầm lẫn giữa chuyển chữ " hoặc" thành chữ " và".

Khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị định của Chính phủ "Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã đưa ra phương án "chữa cháy" bằng cách quy định chung chung "Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật đòi hỏi giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề thì giám đốc của doanh nghiệp đó phải có chứng chỉ hành nghề". Dự thảo Nghị định cũng không đưa ra danh mục những ngành nghề nào mà pháp luật đòi hỏi "Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề". Do đó, quy định như trên lại là bật "đèn xanh" cho hàng loạt quy định vô lý sẽ ra đời.

2. Về tỷ lệ cổ phần phổ thông khi thông qua biểu quyết

Khoản 2 Điều 52 quy định:

"2. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;

b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty và việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại, giải thể công ty; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định".

Khoản 3 Điều 104 quy định:

"3. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;

b) Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định".

Quy định đã trích dẫn trên gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi trong lộ trình mở cửa của Việt Nam theo cam kết gia nhập WTO, ở một số lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được góp vốn đến tỷ lệ cao nhất là 49%. Vì vậy, một trong những cam kết của Việt Nam liên quan đến vấn đề này trong WTO là: "Sửa lại quy định về tỷ lệ cổ phần phổ thông khi thông qua biểu quyết tại Điều 52 và 104 Luật DN đối với liên doanh là cho các bên liên doanh thỏa thuận tỷ lệ cụ thể trong Điều lệ công ty".

Trong thực tế, quy định tại Điều 52 và Điều 104 như trích dẫn trên cũng gây khó khăn cho các Công ty TNHH, Công ty Cổ phần của Việt Nam vì việc triệu tập cho đủ những thành viên góp vốn hoặc Cổ đông đại diện  đủ 65% hoặc 75% tổng số phiếu có quyền biểu quyết là không dễ. Nếu chúng ta chỉ sửa lại theo hướng "cho các bên liên doanh thỏa thuận tỷ lệ cụ thể trong Điều lệ công ty" sẽ vi phạm nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử. Do đó, xin đề nghị sửa lại quy định của Luật theo hướng quy định một tỷ lệ khác áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

3. Về tư cách pháp nhân của Công ty hợp danh

Điều 130 Luật Doanh nghiệp quy định:

1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quy định nêu trên mâu thuẫn với Điều 84 Luật Dân sự năm 2005 quy định về pháp nhân. Điều 84 Luật Dân sự quy định như sau:

"Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp;

2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập".

Như vậy, khi các thành viên hợp danh góp vốn thành lập công ty và công ty có tư cách pháp nhân thì họ hoạt động nhân danh pháp nhân đó. Do đó, quy định "Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty" là vô lý.

Luật Doanh nghiệp mới được ban hành. Mặc dù vậy, "những hạt sạn" trong văn bản luật xuất hiện vì một lý do nào đó cũng cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Không nên xử lý "chữa cháy" bằng những văn bản dưới luật. Cách triệt để nhất là: trong khi chờ đợi trình Quốc hội thông qua những nội dung cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một Nghị quyết về những bổ sung sửa đổi này. Đó là cách làm tích cực nhất và chúng ta đã thực hiện trước đây đối với một số nội dung của Luật Thuế giá trị gia tăng trong những ngày đầu Luật thuế này được ban hành.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ HƠN

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, còn khá nhiều vấn đề cần được hướng dẫn hoặc sửa đổi. Theo nghiên cứu và tập hợp của chúng tôi, có ít nhất 11 vấn đề cần hướng dẫn chi tiết hơn như sau:

1. Về việc áp dụng Luật Doanh nghiệp, điều ước quốc tế và các Luật khác có liên quan:

Khoản 2, Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định:

"2. Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó".

Trong những năm vừa qua, chúng ta đã có cố gắng rất lớn trong lĩnh vực ban hành các văn bản Luật. Vì vậy, đã có rất nhiều Luật được ban hành ở những thời điểm khác nhau. Đề nghị, có chỉ dẫn cụ thể trong một Nghị định của Chính phủ về " Những trường hợp đặc thù" nêu trên.

2. Về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh

Khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định:

"5. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh."

Khoản 5 Điều 5 Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

"5. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Luật, Pháp lệnh hoặc Nghị định của Chính phủ. Nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện".

Song, tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định 88 nêu trên lại quy định:

"5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó".

Quy định nêu trên lại ”bật đèn xanh” cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh. Với chức năng ”hướng dẫn”, các Giấy phép con vẫn ra đời như "trăm hoa đua nở" mặc cho có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết về việc ngăn chặn "đại nạn" này. Thậm chí, người ta còn "sáng tác" thêm những điều kiện khác nữa. Chẳng hạn, với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kiểm toán, theo một Thông tư của Bộ Tài chính, Giám đốc không chỉ phải có chứng chỉ kiểm toán viên mà còn phải đáp ứng điều kiện "đính kèm" là "Có chứng chỉ kiểm toán viên ít nhất 03 năm trước ngày đăng ký kinh doanh".

3. Về việc thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam

Điều 20 Luật Doanh nghiệp quy định:

”Hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện và nội dung đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Nội dung trên chưa được hướng dẫn. Do đó, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra như: Thế nào là nhà đầu tư nước ngoài "lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam"? nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào một công ty đã thành lập ở Việt Nam thì có phải thực hiện theo Luật Đầu tư không? Thế nào là "thực hiện theo Luật này và pháp luật về đầu tư"? Trong những trường hợp cụ thể, nếu xẩy ra mâu thuẫn giữa hai luật thì xử lý theo Luật nào? Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã phải có một công văn hướng dẫn về vấn đề này. Song, công văn hướng dẫn không thể thay cho một văn bản pháp quy.

4. Về con dấu của doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 36 quy định:

"Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai".

Đề nghị quy định rõ hơn trường hợp cần thiết là những trường hợp nào?

Ngoài ra, về con dấu của doanh nghiệp, một vấn đề đã được đề nghị sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết, đó là: không nên đưa thông tin về quận, huyện trong con dấu để khi di chuyển địa điểm trong phạm vi một tỉnh, thành phố doanh nghiệp không phải xin khắc lại con dấu. Đề nghị nghiên cứu, cải tiến vấn đề này.

5. Về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Khoản 3 Điều 37 quy định:

"3. Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Địa điểm kinh doanh có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính".

Đề nghị quy định rõ hơn: Địa điểm kinh doanh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi giao dịch thương mại và  nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đều do Công ty thực hiện.

 

6. Về tiêu chuẩn của Giám đốc (Tổng Giám đốc)

Tiết b, Khoản 1 Điều 57 quy định:

"1. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

b) Là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty hoặc người không phải là thành viên, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty".

Quy định nêu trên đặt ra  những câu hỏi sau:

C    Phải chăng nếu là cá nhân sở hữu 10% vốn điều lệ của công ty thì không cần những điều kiện khác?

C    Thế nào là có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh?

C    Có trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm thực tế là hai điều kiện phải đồng thời đáp ứng hay chỉ cần một trong hai?

7. Về thuê giám đốc (Tổng Giám đốc)

Khoản 1 Điều 70. quy định:

"1. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm nămđể điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.

Khoản 2 và 3 Điều 74 quy định:

2. Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

3. Quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ cụ thể của Giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty".

Trong thực tế hiện nay, khi các doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng quy mô, phá vỡ phương thức "gia đình trị", việc thuê Giám đốc (Tổng Giám đốc) sẽ phát sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, rất cần một hành lang pháp lý cho việc thuê Giám đốc (Tổng Giám đốc). Nếu việc thuê Giám đốc (Tổng Giám đốc) chỉ thông qua hợp đồng lao động thì rất nguy hiểm cho chủ sở hữu. Bởi lẽ, Luật Lao động của nước ta được sử dụng để bảo vệ người lao động, thậm chí có phần bao che, dung túng cho hành vi sai phạm của người lao động. Với vị trí Giám đốc (Tổng Giám đốc) được thuê, người lao động có thể bội tín, chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu và làm đơn xin thôi việc. Khi đó, nếu chủ sở hữu phát đơn kiện thì " được vạ, má đã sưng"!.

8. Về cho thuê doanh nghiệp, bán doanh nghiệp

Điều 144 quy định:

"Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình..."

Điều 145 quy định ".Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác....".

Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao chỉ chủ doanh nghiệp tư nhân mới có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp và bán doanh nghiệp của mình? Trong thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh được chào bán trên mạng thông tin mua- bán doanh nghiệp. Việc chào bán như vậy có là hợp pháp? Trình tự, thủ tục của việc cho thuê và bán doanh nghiệp như thế nào? Nghị định 88 không đề cập gì đến vấn đề này.

9. Về Tập đoàn kinh tế

Điều 149 quy định:"Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế".

Hiện nay, chúng ta đã có một số tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Câu hỏi đặt ra là: Trong khu vực kinh tế tư nhân, việc hình thành Tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ - công ty con có được pháp luật thừa nhận không? Để hình thành Tập đoàn kinh tế theo mô hình công ty mẹ - công ty con trong khu vực kinh tế tư nhân phải đáp ứng những điều kiện gì? Thực hiện những thủ tục gì?

10. Về chia doanh nghiệp, tách doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp

Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp sẽ là tất yếu khách quan và sẽ xẩy ra ngày càng nhiều trong những năm sắp tới. Những quy định đáng quan tâm về vấn đề này như sau:

Khoản 3  Điều 150 quy định:

“3. Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được đăng ký kinh doanh. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thoả thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này”.

Khoản 3 Điều 151 quy định:

“3. Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thoả thuận khác”.

Khoản 4 Điều 152 quy định:

“4. Sau khi đăng ký kinh doanh, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất”.

Tiết c, khoản 2, Điều 153 quy định:

“Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập”.

Vướng mắc lớn nhất khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp là phải có xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. Vì vậy, không ít trường hợp đã lựa chọn phương án thành lập một doanh nghiệp mới thay cho việc hợp nhất doanh nghiệp vì nếu phải chờ quyết toán thuế của các công ty sẽ hợp nhất thì thời gian quá dài.

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng những công ty mới hình thành sau việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, trong đó có cả nghĩa vụ với ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện những phương án này.

Tương tự như vậy đối với việc chuyển đổi từ Công ty TNHH thành công ty cổ phần và ngược lại.

11. Về di chuyển doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp

1. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có quyền di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố này sang địa bàn tỉnh, thành phố khác. Song, trình tự, thủ tục di chuyển như thế nào chưa có một văn bản nào hướng dẫn. Đặc biệt là khi di chuyển, pháp nhân đã thành lập ở địa bàn cũ vẫn tồn tại nhưng trước khi di chuyển vẫn phải quyết toán thuế mà không được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế ở địa điểm mới. Đó là điều vô lý dẫn đến không ít trường hợp thành lập mới một doanh nghiệp ở địa bàn mới, doanh nghiệp cũ vẫn để tồn tại chờ quyết toán thuế và giải thể. Khi đó hàng loạt khó khăn nảy sinh như: việc chuyển tài sản từ doanh nghiệp ở địa bàn cũ sang địa bàn mới; việc sử dụng thương hiệu; việc tiếp tục thực hiện những hợp đồng mua, bán đã ký.v.v…

2. Về giải thể doanh nghiệp

Những năm vừa qua, việc thành lập doanh nghiệp đã được cải tiến rất nhiều. Song, việc giải thể doanh nghiệp lại khó hơn việc thành lập doanh nghiệp gấp nhiều lần. Thời gian để rút khỏi thương trường thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng, thậm chí đến cả năm. Lý do cơ bản là khi giải thể doanh nghiệp phải xuất trình văn bản “đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”. Song, để có được văn bản này, phải tiến hành quyết toán thuế. Vì những lý do khách nhau, việc quyết toán thuế đối với doanh nghiệp giải thể thường bị chậm.

Do đó, xin đề nghị: Có hướng dẫn chi tiết hơn về trình tự, thủ tục của việc giải thể doanh nghiệp, trong đó, phải quy định thời hạn của việc quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, phải có một quy định “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được công văn đề nghị quyết toán thuế phục vụ việc giải thể, cơ quan thuế có trách nhiệm quyết toán và xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp được coi như đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và được thực hiện các thủ tục giải thể”.

                                    --------------------------------------------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan