Thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh

Thứ Tư 00:25 23-05-2007

THỰC HIỆN LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ LUẬT ĐẦU TƯ

VỚI  NỖ LỰC MỚI CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH CẤP TỈNH

 

 

 

                  TS. Nguyễn Phương Bắc

                  Phó Giám đốc

                  Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh

 

            Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (năm 2005) ra đời được đánh giá là bước tiến bộ trong hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. Ngoài việc xoá bỏ tư duy phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế và nguồn gốc sở hữu thì điều quan trọng là tác động cải thiện thực chất về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cũng như việc xây dựng và thực thi Luật Doanh nghiệp 1999, quá trình xây dựng và triển khai các luật này, thêm một lần nữa đã tạo ra nhiều diễn đàn trao đổi nhằm cải thiện thực chất về môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

            Những con số về doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ thời điểm luật có hiệu lực đến nay là rất quan trọng nhưng chưa nói hết được thành công của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nên cần đánh giá đầy đủ hơn những tác động của hai luật này tới các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong điều kiện hội nhập.

            Qua thực tế ở địa phương, chúng tôi muốn nêu một ý kiến nhỏ theo hướng tiếp cận này, đó là kết hợp giữa việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các nỗ lực mới để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Cùng với “hiệu ứng” của chỉ số PCI, nhiều địa phương, trong đó có Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh địa phương nhằm hội tụ các điểm mạnh, đem lại hiệu quả, lợi ích cao nhất trong việc thực hiện các luật này. Mô hình “Một của liên thông” trong đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký mã số thuế do MPDF-IFC hỗ trợ kỹ thuật tại Bắc Ninh rất thành công cũng là một trong những sản phẩm của quá trình này.

            Như vậy kết quả thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ có mức độ thành công khác nhau ở các địa phương khi chỉ đơn thuần thực hiện luật hay kết hợp quá trình triển khai thực hiện luật với cải thiệt môi trường kinh doanh mà trọng tâm là đơn giản hoá các thủ tục hành chính; khả năng và cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; thái độ và tinh thần của cán bộ đăng ký kinh doanh, giải quyết các thủ tục đầu tư.

            Khác với triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999, có thể nói, thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vừa qua đã không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển tiếp và tổ chức thực hiện như dự đoán ban đầu của các chuyên gia. Sự phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong thẩm quyền cấp phép đầu tư là điểm mới quan trọng mà đa số các địa phương đều nhanh chóng nắm bắt được và thực hiện tốt. Tuy nhiên, còn nhiều điểm vướng mắc mà Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã chỉ ra. So với trước đây các điểm còn vướng mắc đã được phản ánh nhanh hơn do sức ép của doanh nghiệp và do tâm lý cán bộ đăng ký kinh doanh không muốn vận dụng mà có xu hướng hỏi cấp trên. Điều đó cho thấy tình hình mới đòi hỏi các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư phải được hướng dẫn một cách minh bạch, tránh những cách hiểu và thực hiện ở Phòng Đăng ký kinh doanh các tỉnh khác nhau. Điều này không tốt cho môi trường kinh doanh cấp tỉnh vì doanh nghiệp sẽ so sánh ở tỉnh này thì được trả lời hoặc cấp đăng ký kinh doanh, trong khi tỉnh khác thì không được hoặc trả lời khác. Do đó, giải quyết các vướng mắc này phải bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện triệt để chứ không thể trông vào thiện chí của cán bộ đăng ký kinh doanh. Vì vậy chúng tôi đánh giá cao cánh làm và đề xuất của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Về phương pháp hướng dẫn, có trường hợp thay vì hướng dẫn “nó là gì” như hiện nay cần linh hoạt hơn với hướng dẫn “nó không phải là gì” thì cán bộ đăng ký kinh doanh dễ nhận diện hơn và thực hiện thuận lợi hơn rất nhiều, tránh tình trạng hướng dẫn xong, khi thực hiện lại tiếp tục có vướng mắc và phát sinh hướng dẫn bổ sung.

            Có những mâu thuẫn giữa ưu tiên kết hợp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với cải thiện môi trường kinh doanh ở cấp địa phương. Có nơi thì quan tâm đến việc thu hút các dự án lớn mà chưa chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xét về tổng thể, lâu dài thì cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố nền tảng. Do đó cần quan tâm đúng mức giữa nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và các biện pháp xúc tiến đầu tư thu hút các dự án lớn. Hiện nay, thủ tục liên quan đến triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp rất phức tạp, kể cả khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thi hành trình tiếp theo còn rất gian nan. Do vậy cần nghiên cứu để sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính pháp lý về trình tự, thủ tục trong thực hiện đầu tư của doanh nghiệp; áp dụng cơ chế “Một cửa liên thông” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Các văn bản liên quan