Một số ý kiến góp ý sửa đổi luật đầu tư – Nguyễn Thị Phương Chung – VPLS Phước & Parterns

Thứ Ba 15:02 30-08-2011

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT ĐẦU TƯ

Nguyễn Thị Phương Chung

VPLS Phước & Parterns

 

1. Yêu cầu các doanh nghiệp, dự án hoạt động theo giấy phép cũ, phải hoàn tất thủ tục đăng ký chuyển đổi giấy phép để hoạt động thống nhất theo các văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư và doanh nghiệp

Theo chúng tôi, không nên coi thủ tục đăng ký lại là đây là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp có vốn ĐTNN thành lập theo Luật ĐTNN. Nghị định 101/2006/NĐ-CP về việc đăng ký lại doanh nghiệp (Nghị định 101”) quy định “trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN thành lập trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực không đăng ký lại thi không được quyền điều chỉnh ngành nghề kinh doanh và thời hạn của dự án” đã là một yếu tố để doanh nghiệp xem xét họ có cần thiết phải thực hiện thủ tục này hay không. Và thực tế cho thấy, dù sau thời hạn của Nghị định 101 (sau 01/07/2008), Luật sửa đổi bổ sung một số điều các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có gia hạn việc đăng ký lại đến hết 01/07/2012 thì theo chúng tôi được số lượng doanh nghiệp có vốn ĐTNN thành lập theo Luật ĐTNN thực hiện thủ tục đăng ký lại là khá khiêm tốn.

Theo chúng tôi, không nên yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký lại doanh nghiệp vì một số nguyên nhân chủ yếu sau:

-        Nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn có thể dễ dàng thành lập một công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới để thực hiện một dự án đầu tư mới hoàn toàn tách biệt với dự án đầu tư gắn với doanh nghiệp đã thành lập theo Luật ĐTNN;

-        Thủ tục hành chính phức tạp và rườm rà gây mất thời gian, tiền của và công sức của doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định họ thực sự không muốn có những phiền toái khi thực hiện các thủ tục hành chính;

-       Đăng ký lại dẫn đến việc phải điều chỉnh về mặt cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý là một điều các doanh nghiệp có vốn ĐTNN không muốn, đặc biệt là những doanh nghiệp liên doanh, việc điều chỉnh dẫn đến có khả năng phải thay đổi một số nội dung của Hợp đồng liên doanh;

-       Về phía cơ quan nhà nước: gây áp lực về nhân lực và tốn kém về vật lực nếu đồng loạt các doanh nghiệp có vốn ĐTNN (số lượng không nhỏ) phải thực hiện thủ tục đăng ký lại .

2. Cần làm rõ khái niệm Dự án đầu tư

Chúng tôi đồng ý với ý kiến phải làm rõ khái niệm Dự án đầu tư. Khái niệm “Dự án đầu tư” không rõ ràng dẫn đến cách hiểu và áp dụng có phần tùy tiện, đặc biệt cách hiểu “dự án đầu tư” đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, với quy định “nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư” đã dẫn đến một thực tế là những doanh nghiệp chỉ đầu tư vào các ngành nghề dịch vụ (thiết kế, tư vấn, thương mại) cũng nhưng vẫn phải khoác lên một cái vỏ “dự án”. Thực ra, dự án chỉ là một cách thể hiện về mặt câu chữ mà không cho thấy bản chất của “dự án đầu tư”. Xem xét nhiều giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì dự án được ghi nhận chính là “dự án thành lập công ty…”.

3. Việc góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

Chúng tôi thấy có sự thiếu thống nhất trong cách hướng dẫn về thủ tục này. Điều này dẫn đến thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan. Chẳng hạn thủ tục mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp 100% vốn trong nước sẽ thực hiện theo thủ tục đăng ký điều chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không có quy định rõ ràng là sau khi đăng ký kinh doanh họ có phải thực hiện thủ tục đầu tư hay không và nếu có thì thời hạn bắt buộc phải thực hiện thủ tục đầu tư là bao lâu. Và nếu cần thiết, sau khi đã làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận ĐKKD, doanh nghiệp lại tiếp tục phải thực hiện thêm một thủ tục hành chính là thủ tục đăng ký/thẩm tra đầu tư (tùy thuộc vào lĩnh vực đầu tư và quy mô vốn). Do vậy, theo chúng tôi, nên có hướng dẫn để có sự phối hợp giữa hai thủ tục này (cụ thể là sự phối hợp của hai cơ quan phụ trách về đăng ký kinh doanh và đầu tư). Như vậy doanh nghiệp chỉ cần phải thực hiện một bước với một bộ hồ sơ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ tự luân chuyển hồ sơ để giải quyết theo thẩm quyền mà không bỏ ngỏ như hiện nay. Thực chất, thủ tục đăng ký kinh doanh không xem xét về các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và cam kết WTO. Vậy, nếu sau khi thực hiện điều chỉnh đăng ký kinh doanh do chuyển nhượng vốn cho nhà ĐTNN và doanh nghiệp tiến hành thủ tục đầu tư mà cơ quan nhà nước về đầu tư nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong trường hợp này, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề.

4. Có nên bãi bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra đầu tư trong Luật Đầu tư hay không?

Chúng tôi không thực sự bị thuyết phục trước đề xuất bỏ thủ tục thẩm tra đầu tư mà sẽ chuyển thủ tục này sang gắn với thủ tục giao đất cho thuê đât. Với kiến nghị này thì việc thẩm tra đầu tư chỉ gắn với những dự án đầu tư có sử dụng đất và cần thuê đất mà không áp dụng đối với những dự án không thuộc loại này. Vậy, những dự án đầu tư vào những ngành nghề trong cam kết vWTO đặc biệt là những dự án đầu tư về viễn thông, tài chính, bảo hiểm phải chăng không cần có sự thẩm tra?

 

 

Các văn bản liên quan