Một số ý kiến góp ý

Thứ Sáu 15:17 26-05-2006
Những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng

Nguồn: Báo Nhân Dân

Sau khi báo Nhân Dân ngày 20-7-2005 đăng phụ trương hai dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đông đảo bạn đọc khắp nơi gửi thư góp ý vào hai dự thảo luật. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến:

Luật sư Ðỗ Tuấn Nga (Quảng Ninh): Về phạm vi điều chỉnh cần mở rộng phạm vi và đối tượng xử lý tất cả những ai lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Khoản 2 Ðiều 1 nên viết: Tham nhũng là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi trái pháp luật vì vụ lợi hoặc vì động cơ khác. Khoản 3 Ðiều 1 nên viết trên cơ sở khái niệm chức vụ, quy định tại đoạn 2 điều 277 Bộ luật Hình sự: Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định, có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, theo tôi cần thực hiện phương án mở rộng hơn nữa đối tượng. Ðó là những người có chức danh lãnh đạo, quản lý (thủ trưởng, phó thủ trưởng, kế toán...). Ngoài việc phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, còn phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất), không kể cùng sổ hộ khẩu hay không. Kể cả những người đang sinh sống hoặc làm việc, học tập ở nước ngoài, đây là nhóm thứ nhất. Nhóm thứ hai, là những người không phải là lãnh đạo, quản lý thì chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình. Nhóm thứ ba, là những người còn lại, có thể không phải kê khai. Chính phủ quy định cụ thể những đối tượng và phân nhóm những người phải kê khai.

Về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, có thể quy định hành vi bị tố cáo là tham nhũng được thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi chưa có kết luận (nêu hiện tượng), trừ những thông tin liên quan bí mật Nhà nước hoặc ảnh hưởng đạo đức, thuần phong mỹ tục. Làm như vậy để nhân dân giám sát cả cơ quan phòng, chống tham nhũng và tạo điều kiện để nhân dân có thể cung cấp thêm thông tin, phục vụ công việc điều tra chống tham nhũng. Người lợi dụng việc chống tham nhũng mà tố cáo sai sự thật, phải bị xử lý tùy theo mức độ và cũng phải thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những tố cáo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng cần được thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Ông Nguyễn Tiến Bình (Hưng Yên): Tham nhũng là tệ nạn nguy hại. Quốc hội thông qua kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào hai dự thảo luật là việc làm phát huy dân chủ, tập hợp suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân đề xuất thực hiện những phương pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng một cách rộng khắp, toàn diện, chính xác, hiệu quả. Tôi thấy luật cần mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước. Bởi vì, cơ quan, tổ chức nào cũng từ nhân dân mà ra, ảnh hưởng tốt hay xấu, trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của nhân dân.

Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhìn chung, được ghi trong luật khá đầy đủ. Tôi đề nghị thêm vào nội dung sau khi lấy ý kiến nhân dân, việc gì đa số nhân dân không đồng tình thì không được tiến hành, nếu cán bộ, cơ quan nào không làm đúng phải bị xử lý. Về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, khi đã ghi vào luật thì phải thực hiện triệt để, chứ không như trước đây, việc kê khai tài sản còn hình thức, làm chưa đâu vào đâu. Lấy mức độ tài sản để định loại tham nhũng là việc làm rất cần thiết, cần làm kịp thời, chính xác.

Khi đã kê khai được tài sản thì công bố công khai, làm rõ những cán bộ giàu bất chính, so với các nguồn thu nhập chính đáng của bản thân, gia đình họ. Về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, chúng tôi cho là phần quan trọng, cần thiết và có tác dụng thực thi luật tốt hay không. Bởi vì, nếu không có hoặc ít người phát hiện, tố cáo, đấu tranh thì khó nắm bắt tình trạng tham nhũng, tập thể, cá nhân nào tham nhũng, tham nhũng ở mức độ nào. Ðể thu nhận được nhiều người, nhiều thông tin về nạn nhũng nhiễu, tham ô, cần thụ lý cả đơn, thư tố cáo những vụ việc tiêu cực cụ thể nhưng giấu tên.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Quý (Nghệ An): Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về hai dự luật nêu trên còn có tác dụng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân tham gia chống những nguy cơ. Về phạm vi điều chỉnh, tôi đồng ý phương án 2, điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước. Về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, tôi đồng ý với quy định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng mà người tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình (nặc danh) nhưng có nội dung sự việc cụ thể rõ ràng. Vì hiện nay, nhiều người sợ bị trù dập, bị trả thù (thực tế đã xảy ra). Quy định như vậy chắc chắn sẽ có nhiều tố cáo hơn những vụ tham nhũng.

Về vai trò của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng cần quy định rõ hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm: Quyền thẩm tra, xác minh về các vụ việc tham nhũng, quyền công bố đưa tin về kết quả điều tra xác minh, trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng. Bởi vì báo chí là công cụ thông tin rất hiệu lực, rất kịp thời, tạo được dư luận xã hội. Về phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần nêu rõ việc chống lãng phí chất xám. Hằng năm, Nhà nước đào tạo ra hàng vạn kỹ sư, bác sĩ, lao động có tri thức, nhưng không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề, sinh viên ra trường thất nghiệp, chất xám bị chảy ra nước ngoài.

Quy định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân là rất cần thiết. Số dân nước ta có hơn 82 triệu người, nếu mọi người dân đều tự giác tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất thì dôi ra được một số tiền rất lớn, tiết kiệm được một tài sản rất lớn, trái lại nếu lãng phí thì mất một khối lượng tiền của khổng lồ. Về chế tài xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nếu chỉ xử lý hành chính, xử lý kỷ luật là chưa đủ răn đe, đề nghị phải ghi vào luật chế tài xử lý nặng hơn. Ðối với những vi phạm nghiêm trọng có hệ thống phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án nghiêm khắc.

Thư của ông Nguyễn Kim Hoạt (Hà Nội): Chống tham nhũng nên bắt đầu từ đâu để có hiệu quả cao hơn? Lâu nay, chúng ta thường chú ý việc chống tham nhũng ở những vụ tham nhũng lớn, tình tiết phức tạp mà chưa quan tâm tính chất phong trào của việc chống tham nhũng. Nói một cách khác, chúng ta mới coi trọng việc chống mà chưa phòng tham nhũng có hiệu quả. Chúng tôi đề xuất hai biện pháp chống tham nhũng: Thứ nhất, việc chống tham nhũng nên bắt đầu từ những cấp cơ sở. Như vậy, việc phát hiện tham nhũng dễ dàng hơn, biện pháp xử lý cũng có thể kiên quyết hơn. Thứ hai, phát động một phong trào quần chúng chống tham nhũng một cách thiết thực. Những người mạnh dạn tố cáo sẽ được khen thưởng và giúp đỡ. Ngược lại, những người cố tình hối lộ cán bộ để mưu lợi ích cá nhân và những người dẫn dắt, môi giới cho hành vi tham nhũng, nếu bị phát giác cũng sẽ bị xử lý cùng với kẻ tham nhũng.

CTV Hồ Lê Thanh (Bình Thuận): Theo tôi, công tác chống tham nhũng tuy có nhiều tiến bộ, các biểu hiện tham nhũng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời hơn so với trước, song tính chất các vụ tham nhũng tinh vi và phức tạp. Sự quản lý của một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát; thủ trưởng buông lỏng trong việc phân công trách nhiệm; công tác kiểm tra chấn chỉnh về chuyên môn nghiệp vụ chưa tiến hành thường xuyên cho nên đã tạo điều kiện cho những tiêu cực, tham nhũng phát sinh. Một số tổ chức, cá nhân ý thức chấp hành luật pháp kém, những sai phạm cũ không được khắc phục triệt để.

Chúng tôi cho rằng muốn đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Nhất là vai trò của thanh tra nhân dân cơ sở cấp xã, thị trấn cần chủ động trong việc thực hiện chức năng được giao, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các văn bản pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân. Dự thảo luật cần nêu rõ hơn những biện pháp xử lý về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc dung túng, bao che hoặc buông lỏng quản lý để nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Bạn đọc Bùi Ðình Chiến (Quảng Ninh): Có thể nói trong những năm qua, sự lãng phí diễn ra ở rất nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương trong cả nước. Lãng phí về vật tư, thiết bị, tiền vốn, lao động, đất đai, tài nguyên, chất xám... Người dân ra khỏi nhà là bắt gặp sự lãng phí. Những cây cột điện bê-tông đúc sẵn còn mới nguyên nằm rải rác ven quốc lộ hằng năm không thấy cơ quan nào thu hồi sử dụng; những hè phố ở đô thị vừa lát gạch phẳng phiu được vài tuần thì mấy "ông" cấp thoát nước, bưu điện lại đào lên, lấp xuống. Một số công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng được vài năm đã lại đập phá, cải tạo, nâng cấp. Lãng phí và tiết kiệm tuy là hai khái niệm khác nhưng có sự liên hệ biện chứng, khách quan, tác động qua lại.

Các văn bản liên quan