Góp ý Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu 15:18 26-05-2006
Góp ý cho dự thảo luật phòng, chống tham nhũng

T.S Nguyễn Trung Tín
Trưởng Phòng Biên tập và trị sự Tạp chí Nhà nước và pháp luật
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam


Sau khi đọc Dự thảo của Luật này tôi xin nêu một số ý kiến dưới đây.

- Về “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh”,

Theo tôi nên lấy các khoản 1, 2 của Phương án 2 và khoản 3 của Phương án 1 với các lý do như sau:
Theo khoản 2 Điều 1 (Phương án 1), “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi trái pháp luật vì vụ lợi”, thì hành vi tham nhũng phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế có những người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi hợp pháp song vì vụ lợi. Để đảm bảo sự trong sạch và lành mạnh của bộ máy nhà nước thì hành vi như vậy cũng cần bị coi là tham nhũng. Nếu theo cách quy định của khoản 2 Điều 1 (Phương án 1), thì hành vi trên không bị coi là tham nhũng chỉ vì không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do vậy, theo chúng tôi, cách quy định về hành vi này trong khoản 2 Điều 1 (Phương án 2) là hợp lý hơn.

- Theo khoản 5 của Điều 3, “Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc sẽ đạt được thông qua việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, theo chúng tôi, cần bỏ từ “vi phạm pháp luật” để cho phù hợp với khoản 2 Điều 1 (lý do như đã trình bày ở trên).

- Theo khoản 11 Điều 4, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng”, theo chúng tôi, cần bỏ từ vì vụ lợi đi vì người có hành vi “bao che… tham nhũng” cũng cần phải được coi là hành vi tham nhũng rồi, không cần biết có từ vụ lợi hay không.

- Về Điều 9 với tên gọi là “Trách nhiệm… thành viên”. Theo chúng tôi, cần thay từ “Trách nhiệm” bằng từ “Quyền” trong cả tên gọi và trong nội dung của Điều. Bởi vì, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là với tư cách các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp …, cho nên không thể có chuyện cơ quan nhà nước bắt các tổ chức phi nhà nước thực hiện công việc nhà nước được. Nếu đã quy định “Trách nhiệm” của các tổ chức trên, thì vấn đề đặt ra là nếu họ không thực hiện, thì phải có chế tài. Có như vậy, văn bản pháp luật mới khác các văn bản nhà nước không mang tính quyền lực. Do vậy, để từ “trách nhiệm” ở đây vừa không phù hợp mà thiếu tính khả thi. Việc ghi rõ từ “Quyền” trong đó vừa phù hợp với pháp luật (bởi đây là quyền của nhân dân), vừa có ý nghĩa khuyến khích động viên nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vừa ngăn chặn các hành vi cản trở các cơ quan trên thực hiện các hành vi như nêu trong Điều 9 này.

- Về Điều 10, cũng tương tự như đã nêu trên, theo chúng tôi, nên thay từ “Trách nhiệm” bằng từ “Quyền” là phù hợp hơn.

- Về Điều 31. Theo chúng tôi, cần bỏ mục a khoản 1 đi, vì mục này bao gồm các từ ngữ không rõ ràng theo đúng yêu cầu của văn bản pháp luật.

- Về Điều 35, theo chúng, việc tặng quà và nhận quà phù hợp với truyền thống phong tục và tập quán tốt đẹp của dân tộc chỉ có thể có trong quan hệ bạn bè, thân thích. Còn trong quan hệ mang tính quyền lực, tất cả các hành vi tặng quà và nhận quà cần phải bị nghiêm cấm. Có như vậy, bộ máy nhà nước ta mới có thể trở nên trong sạch và vững mạnh được. Vì thế, theo chúng tôi, Điều này cần được quy định lại như sau: “Nghiêm cấm mọi hành vi tặng quà và nhận quà vì vụ lợi”.

- Về Điều 65 “Đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự”, theo chúng tôi, cần bỏ khoản 4 đi (khoản này quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình quản lý). Nếu để khoản này thì xuất hiện nguy cơ người đứng đầu dễ bao che cho hành vi tham nhũng của cấp dưới. Thực tế cho thấy rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng thường gặp khó khăn nhất bởi các hành vi ô dù, bao che của cấp trên. Hơn thế, chế tài nói chung và hình phạt nói riêng của pháp luật nhằm mục đích chủ yếu là để ngăn ngừa tội phạm chứ không phải là trừng phạt.

Các văn bản liên quan