Một số quan điểm củng cố và phát triển nội dung quyền tự định đoạt của đương sự trong bộ luật tố tụng dân sự

Thứ Sáu 10:06 16-07-2010

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN NỘI DUNG QUYỀN TỰ ĐỊNH ĐOẠT CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

THS.LS. LÊ MINH HẢI – Trưởng VPLS Royal

Trong tố tụng dân sự, quyền tự định đoạt biểu hiện ở khả năng khi tham gia tố tụng, các đương sự tự do định đoạt các quyền, phương tiện tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước các xâm hại. Đó cũng là quan niệm chung nhất được pháp luật tố tụng dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận, áp dụng và trở thành một nguyên tắc tố tụng cơ bản. Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự đã khái quát:

Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó; Trong quá trình giải quyết vụ viêc dân sự, các dân sự có quyên chấm dứt, thay đổi yêu câu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Từ hành vi khởi kiện, quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện qua các nội dung như quyền khác như: quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút các yêu cầu; quyền hoà giải, thương lượng; quyền đưa ra chứng cứ và chứng minh; quyền kháng cáo. Như vậy, trên phương diện pháp lý chung nhất, quyền tự định đoạt của đương sự bao hàm tất cả các nội dung quyền trên. Nhưng trên thực tế cho thấy, trong quá trình tố tụng, đặc biệt là thực tiễn hoạt động xét xử ở nước ta hiện nay, việc áp dụng pháp luật của toà án tại các địa phương ở các cấp khác nhau là chưa thống nhất, thậm chí là trái ngược nhau về quan điểm xét xử. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số quan điểm về những nội dung còn tồn tại như sau:

a. Về vấn đề khởi kiện:

Theo quy định của Điều 2 Bộ luật Tố tụng Dân sự, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trước hết thể hiện ở quyền khởi kiện, yêu cầu toà án giải quyết vụ việc dân sự theo nghĩa rộng, bao gồm: nếu là hành vi khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì gọi chung là vụ án dân sự. Còn nếu là hành vi yêu cầu để toà án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, thì gọi chung là việc dân sự.

Như vậy, nếu là việc dân sự, thì một cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức có thể yêu cầu toà án công nhận hoặc không công nhận sự kiện pháp lý đã là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của người khác (ví dụ, đương sự có quyền yêu cầu toà án tuyên bố một người đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự). Ở đây, người có hành vi yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự đó không phải là nguyên đơn (dĩ nhiên là sẽ không có bị đơn). Còn trong vụ án dân sự, chỉ có nguyên đơn (chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; cơ quan, tổ chức trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu toà án bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thuộc lĩnh vực mình phụ trách) mới có quyền quyết định việc khởi kiện hay không khởi kiện (trừ một số trường hợp quy định tại Điều 73 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì họ không phải là nguyên đơn mà là người đại diện theo pháp luật cho đương sự). Ngoài ra, trong những trường hợp cụ thể, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có thể trở thành nguyên đơn trong vụ án. Vậy, khái niệm nguyên đơn, bị đơn chỉ được sử dụng trong vụ án dân sự. Còn trong việc dân sự không tồn tại các khái niệm trên (không có hành vi khởi kiện).

Ở phương diện khác, có quan điểm cho rằng, theo Khoản 1, Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự chỉ có quy định về các đương sự trong vụ án dân sự, bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó, pháp luật tố tụng hiện hành không thấy có quy định nào xác định các chủ thể có yêu cầu trong việc dân sự có được coi là “đương sự” hay không. Nếu là đương sự thì quyền và nghĩa vụ tố tụng của những chủ thể này có giống các đương sự trong vụ án dân sự không. Trên thực tế, hành vi của các chủ thể trong việc dân sự chính là hành vi tố tụng (ví dụ, họ cũng có quyền đưa ra các yêu cầu, quyền kháng cáo các quyết định của toà án…). Nhưng về phương diện pháp lý, “danh phận tố tụng” của những chủ thể này không được pháp luật tố tụng dân sự quy định (hoặc chưa rõ ràng) là hoàn toàn chưa đầy đủ. Điều đó dẫn tới việc các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gặp lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các “đương sự” trên.

b. Về vấn đề thương lượng, hoà giải:

Trong tố tụng dân sự, hoà giải là một trong những nội dung quan trọng, thể hiện sâu sắc và toàn diện quyền tự định đoạt của đương sự. Nhưng trong thực tiễn, như PGS.TS Phạm Hữu Nghị nhận xét: “Các quy định về hoà giải còn thiếu sự đồng bộ, thống nhất và toàn diện” . Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, hoà giải vừa là một nguyên tắc, vừa là chế định, là một thủ tục, một nội dung của quyền tự định đoạt. Chính vì tầm quan trọng của chế định hoà giải mà việc áp dụng các quy định pháp luật về hoà giải không thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn nhau. Mặt khác, trong các giai đoạn tố tụng khác nhau, hoà giải cũng được thực hiện khác nhau. Sự khác biệt đó được thể hiện rõ nhất ở giai đoạn trước khi mở phiên toà sơ thẩm và tại phiên toà sơ thẩm.

Xét ở góc độ quyền tự định đoạt của đương sự, có quan điểm cho rằng: hoà giải luôn là sự thoả thuận, thương lượng giữa các đương sự, họ là chủ thể của quan hệ dân sự trong pháp luật nội dung, nên khi mâu thuẫn, tranh chấp, thì chính bản thân họ mới có quyền thương lượng với nhau. Cơ sở của sự thương lượng là quyền tự định đoạt của đương sự về các quyền và lợi ích của mình. Mọi sự thoả thuận đều xuất phát từ ý chí tự nguyện của các đương sự. Ở đây hoà giải được lý giải trên phương diện là một nguyên tắc tố tụng, và được hiểu là một nội dung tự định đoạt của đương sự mang ý nghĩa tuyệt đối.

Trên phương diện là một thủ tục tố tụng, có ý kiến cho rằng, quyền thương lượng, hoà giải của đương sự ở đây vừa là quyền của đương sự, vừa là trách nhiệm của toà án với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng. Điều đó có nghĩa là, ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn tố tụng nào toà án cũng có thể tiến hành hoà giải. Đặc biệt, trước khi mở phiên toà sơ thẩm, hoà giải là một thủ tục bắt buộc. Như vậy, theo quan điểm này, toà án có một vị trí, vai trò đặc biệt. Toà án là nhân tố trung gian, tạo điều kiện để các bên đương sự gặp gỡ nhau, tìm kiếm cơ hội thương lượng, hoà giải.

Có quan điểm khác lại cho rằng, trong một số vụ án, sự tham gia của toà án với tư cách là chủ thể hoà giải bắt buộc sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án, phát sinh thêm nhiều chi phí. Bởi ở vụ việc này, các đương sự biết chắc rằng sẽ không thể thương lượng được hoặc không cần thiết phải thương lượng. Trong trường hợp này, toà án phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự, tức là không tiến hành hoà giải theo thủ tục bắt buộc. Ở từng giai đoạn tố tụng cụ thể, việc toà án công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý rất khác nhau. Điều này làm nảy sinh những vấn đề cần tranh luận sau:

- Trường hợp các đương sự tự thoả thuận và không yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án (Điểm đ, Khoản 1, Điều 192), thì toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Các đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, trừ một số trường hợp pháp luật quy định (Khoản 1, Điều 193). Quyết định công nhận sự thoả thuận có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kiến nghị theo thủ tục phúc thẩm.

- Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện (Điểm c, Khoản 1, Điều 192) được toà án chấp nhận và ra quyết định đình chỉ vụ án thì đương sự vẫn có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu toà án giải quyết lại vụ án đó (Khoản 1, Điều 193). Nhưng nếu cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án thì trong trường hợp này không thấy pháp luật có quy định là nguyên đơn có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết lại vụ án đó hay không. Vậy, cũng là nguyên đơn nhưng địa vị pháp lý tố tụng của họ trong hai điều luật lại quy định khác nhau.

- Tại phiên toà, người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn không yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án, thì toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, quyết định đó vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

- Còn, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự (trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà sơ thẩm) thì có hiệu lực ngay sau khi tuyên (Khoản 1, Điều 188; Khoản 2, Điều 220), trừ trường hợp có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Mặt khác, cũng là hành vi thương lượng, hoà giải của đương sự, nhưng quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự trước khi mở phiên toà xét xử sơ thẩm thì các đương sự có thời hạn 07 ngày để thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó (Khoản 1, Điều 187). Trong khi đó, nếu sự công nhận được diễn ra tại phiên toà thì có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên.

Từ thực tiễn trên đây, để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, có ý kiến cho rằng “nên chăng xử lý tình huống này bằng việc toà án sẽ ra bản án nếu các đương sự có thoả thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên toà”. Việc ra bản án sẽ tạo cho các đương sự quyền kháng cáo yêu cầu toà án xem xét lại bản án theo trình tự phúc thẩm.

c. Về vấn đề chứng cứ và chứng minh:

Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự là một nội dung quan trọng nhưng rất phức tạp. “Pháp luật tố tụng dân sự không thể được coi là hoàn thiện nếu không có những chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (…). Pháp luật mà không có chứng cứ thì chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng chứng cứ dù không có pháp luật vẫn có tất cả ý nghĩa của nó” (Kỷ yếu Hội thảo về pháp luật Tố tụng Dân sự năm 1999 tại Nhà pháp luật Việt – Pháp). Hay trong báo cáo công tác của ngành toà án trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự cho thấy “chất lượng hồ sơ vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình phụ thuộc vào chất lượng điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ có đầy đủ, chính xác và khách quan hay không và có chấp hành nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng hay không là cơ sở của một bản án, quyết định đúng đắn” (Báo cáo công tác của ngành Tòa án năm 2001).

Xét trên phương diện lý luận, vấn đề “chứng minh” và “chứng cứ” có một số quan điểm đánh giá như sau:

Thứ nhất, trên phương diện quyền và nghĩa vụ của đương sự thì việc cung cấp chứng cứ và chứng minh là nghĩa vụ chứ không phải là quyền của đương sự. Bởi lẽ, một khi đương sự đưa ra các yêu cầu để toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì phải chứng minh cho các yêu cầu đó là có căn cứ, là hợp pháp. Việc chứng minh đó không phải là tuỳ tiện, vô lý, mà phải là dựa trên các chứng cứ của đương sự cung cấp, thu thập được. Để quyền lợi của mình được đảm bảo, trước hết đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh, đó là cơ sở bắt buộc (nghĩa vụ). Nếu coi chứng cứ và chứng minh vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ là không chính xác. Bởi vì quyền là cái không bắt buộc chủ thể phải thực hiện (nhưng quyền lợi hợp pháp vẫn được bảo đảm).

Thứ hai, trên phương diện nội dung quyền tự định đoạt của đương sự, quyền đưa ra chứng cứ, bổ sung chứng cứ và chứng minh là một nội dung quyền tự định đoạt của đương sự. Theo cách phân chia của PGS.TS Phạm Hữu Nghị, thì "quyền tự định đoạt của đương sự bao gồm: quyền khởi kiện; quyền đưa ra chứng cứ, bổ sung chứng cứ và chứng minh; quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu và rút đơn khởi kiện; quyền thương lượng, hoà giải". Theo quan niệm này, chứng cứ và chứng minh là một nội dung của quyền tự định đoạt của đương sự. Còn theo cách phân chia của TS. Nguyễn Ngọc Khánh, "quyền tự định đoạt của đương sự bao gồm: Quyền đưa ra các yêu cầu khởi kiện; quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của yêu đơn; quyền rút đơn khởi kiện; quyền hoà giải; quyền kháng cáo phúc thẩm" . Như vậy, chứng minh, chứng cứ ở đây lại không được coi là một nội dung quyền tự định đoạt của đương sự.

Thứ ba, để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của đương sự được đầy đủ và toàn diện hơn thì pháp luật tố tụng dân sự không nên quá coi trọng đến mức tuyệt đối hoá nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự như hiện nay. Bởi lẽ trong quá trình tố tụng, do thiếu kinh nghiệm tham gia tố tụng hoặc vì nguyên nhân nào đó mà các đương sự không thể đưa ra được tất cả các chứng cứ để chứng minh sẽ đồng nghĩa với việc các quyền lợi hợp pháp của họ sẽ không được bảo đảm đầy đủ. Vì vậy, sự tham gia của tòa án với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng luôn luôn phải là chủ thể tích cực, chủ động tham gia thu thập chứng cứ và điều tra, xác minh chứ không phải là “chỉ điều tra, xác minh khi cần thiết” như quy định của pháp luật tố tụng hiện nay. Điều đó cho thấy rằng “qua công tác kiểm tra, xét xử, công tác xét xử phúc thẩm và xét xử giám đốc thẩm cho thấy trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình cũng còn nhiều thiếu sót, chủ yếu là do việc điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu của vụ án chưa đầy đủ, chưa chính xác, thậm chí còn có những trường hợp thiếu khách quan” (Báo cáo công tác ngành Tòa án năm 2001). Bên cạnh đó, có những vụ án dân sự phải xử đi xử lại nhiều lần là do việc các tòa án không thống nhất được việc đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về chứng cứ hiện nay là rất cần thiết.

Mặt khác, việc đưa ra các chứng cứ và chứng minh có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu chứng cứ đã đầy đủ, nhưng việc chứng minh tại phiên toà lại bị giới hạn bởi thời gian tranh tụng thì quyền lợi của đương sự có thể không được bảo đảm đầy đủ. Bởi kéo dài thời gian tranh tụng đồng nghĩa với việc các đương sự sẽ có nhiều cơ hội để tranh luận trên cơ sở các nguồn chứng cứ mà đương sự cung cấp. Thực tế hiện nay, trong các phiên tòa dân sự, hoạt động xét hỏi của Hội đồng xét xử vẫn được coi là hành vi tố tụng "trung tâm" tại phiên toà, Vì vậy, hoạt động của tòa án như hiện nay chưa phản ánh đúng và đầy đủ "quyền tự định đoạt" của đương sự trong quá trình tố tụng, đặc biệt là tố tụng tại phiên toà.

Thứ tư, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (Điều 80), nhưng lại không có quy định về những tình tiết sự kiện phải chứng minh. Điều này "không những làm mất cân đối giữa các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, mà còn làm cho các chủ thể lúng túng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ chứng minh của họ, nhất là các đương sự”. Khi tham gia tố tụng, đương sự chỉ phải chứng minh trong phạm vi yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu của họ là chưa đủ, mà còn phải chứng minh các sự kiện, tình tiết khác của vụ việc dân sự. Ngoài ra, do thiếu kinh nghiệm tham gia tố tụng nên các đương sự thường không biết phải chứng minh làm rõ sự kiện, tình tiết gì và vì vậy cũng không xác định được chứng cứ, tài liệu phải cung cấp cho tòa án để chứng minh cho quyền lợi hợp pháp của mình. Mặt khác, tại điểm c, Khoản 1, Điều 80 của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản, và được công chứng, chứng thực hợp pháp thì không phải chứng minh. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trong trường hợp tòa án có nghi ngờ về tính đúng đắn của việc công chứng, chứng thực thì những tình tiết đó vẫn phải được xác định lại. Nhưng trong Bộ luật Tố tụng Dân sự không thấy có quy định là việc đó có phải chứng minh hay không, và ai phải chứng minh (nếu có).

Thứ năm, theo như ThS. Nguyễn Công Bình, “để thực hiện việc chứng minh, dù trong tố tụng dân sự hay tố tụng hình sự thì các chủ thể đều phải sử dụng các phương tiện chứng minh nhất định do pháp luật quy định chứ không phải sử dụng bất kỳ một phương tiện nào” . Trên thực tế, trong tố tụng hình sự có quy định đầy đủ về các phương tiện chứng minh (Khoản 2, Điều 64, Bộ luật Tố tụng Hình sự), trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Dân sự lại không có quy định nào về phương tiện chứng minh. Vì vậy trong tố tụng dân sự, các chủ thể sẽ sử dụng những phương tiện nào để chứng minh và chứng minh như thế nào thì được coi là hợp pháp. Do đó, nếu không được giải thích đầy đủ, các chủ thể sẽ rất dễ nhầm lẫn, thậm chí là đồng nhất giữa các khái niệm “nguồn chứng cứ”, “phương tiện chứng minh” và “chứng cứ”.

d. Về giám đốc thẩm, tái phẩm bản án, quyết định dân sự:

Trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục xét xử lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Theo quan điểm chung nhất cho rằng, giám đốc thẩm và tái thẩm là thủ tục xét xử đặc biệt, tức là việc xem xét lại bản án, quyết định dân sự đó phải có căn cứ, điều kiện do pháp luật quy định. Vì là thủ tục đặc biệt nên các chủ thể tham gia phiên toà giám đốc thẩm và tái phẩm bị giới hạn rõ rệt, chỉ bao gồm, toà án, viện kiểm sát tham gia bắt buộc. Ngoài ra tòa án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa, nếu xét thấy cần thiết . Đương nhiên hành vi tố tụng, đặc biệt là hành vi tố tụng của các đương sự sẽ bị giới hạn. Việc này làm mất đi những cơ hội giải quyết những tranh chấp nếu các đương sự chưa có điều kiện hoặc vì lý do nào đó không thể thực hiện được trong các giai đoạn tố tụng trước đó.

Vì vậy, có quan điểm khác cho rằng, không nên coi giám đốc thẩm, tái phẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, mà coi đó là cấp xét xử đặc biệt. Nếu coi giám đốc thẩm và tái phẩm là cấp xét xử, thì các chủ thể tố tụng đều có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đặc biệt là các đương sự. Trên thực tế, xét về bản chất vụ việc, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên họ vẫn có quyền kháng cáo và tham gia ở bất cứ giai đoạn, thủ tục tố tụng nào. Do vậy, việc pháp luật quy định các đương sự và các chủ thể khác chỉ tham gia phiên toà giám đốc thẩm và tái phẩm “khi xét thấy cần thiết” là chưa thực sự đề cao quyền tự định đoạt của các đương sự trong tố tụng dân sự. Bởi lẽ rằng, các quy định về thủ tục tố tụng chỉ phản ánh về hình thức quyền, còn chính các quan hệ vật chất được xác lập trong các quan hệ dân sự trước đó mới là nội dung quyền và quyết định các hành vi tố tụng của đương sự. Hình thức chỉ phản ánh nội dung chứ không thể quyết định nội dung.

Tóm lại, qua thực tiễn xét xử và qua thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy các quy định của pháp luật tố tụng dân sự còn một số điểm hạn chế cơ bản làm cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nói riêng và quá trình giải quyết vụ án dân sự nói chung còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Bởi những hạn chế trên đây nên pháp luật chưa thực sự phản ánh đầy đủ quyền năng “tự định đoạt” của đương sự trong các quan hệ dân sự. Có thể rút ra một số nhận định khái quát như sau:

Thứ nhất, trong hệ thống pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa xác định và quy định rõ các chủ thể đưa ra các yêu cầu trong việc dân sự có được coi là “đương sự” không. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chủ thể trên được ghi nhận và bảo vệ như thế nào so với các đương sự trong vụ án dân sự.

Thứ hai, trong tố tụng dân sự, hòa giải vừa là một nguyên tắc, vừa là thủ tục, là một nội dung của quyền tự định đoạt. Chính vì tầm quan trọng của thương lượng, hoà giải trong các vụ án dân sự mà việc áp dụng các quy định của pháp luật về hòa giải hiện nay không thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn nhau. Có những trường hợp việc giải thích, hướng dẫn thủ tục về hòa giải lại làm cho vụ việc phức tạp thêm, dẫn tới quá trình giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn. Việc quy định của pháp luật về hòa giải hiện nay chưa thực sự đề cao vai trò tự quyết của các đương sự trong quá trình tố tụng. Về bản chất, cùng một hành vi tố tụng (hòa giải) được thực hiện ở những giai đoạt tố tụng khác nhau lại phát sinh những hậu quả pháp lý khác nhau làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của đương sự. Vì vậy, việc pháp luật tố tụng dân sự quy định về hòa giải như hiện nay chưa thực sự có ý nghĩa là một nguyên tắc tố tụng, một nội dung cơ bản của quyền tự định đoạt của đương sự.

Thứ ba, chứng cứ và chứng minh vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự. Đây là hai vấn đề, hai nội dung nhưng đồng thời phải giải quyết trong cùng một vụ án. Việc pháp luật tố tụng quy định về chứng cứ và chứng minh như hiện nay còn rất chung chung, chưa phân biệt rõ “nguồn chứng cứ” và “phương tiện chứng minh” dẫn tới việc các chủ thể tố tụng, đặc biệt là các đương sự gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc quá đề cao nghĩa vụ chứng minh của các đương sự và xem nhẹ trách nhiệm thu thập và bảo quản chứng cứ của tòa án như hiện nay chưa phản ánh đầy đủ nội dung quyền của đương sự khi yêu cầu pháp luật (tòa án) bảo vệ quyền, lợi ích của mình trước các vi phạm.

Thứ tư, trong pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới, việc đương sự tham gia tố tụng trong phiên tòa giám đốc thẩm là hành vi tố tụng phổ biến. Điều đó phản ánh đúng và đầy đủ bản chất của quan hệ dân sự cũng như các tranh chấp dân sự. Việc hạn chế sự tham gia tố tụng của đương sự cũng như các chủ thể khác tại phiên tòa giám đốc thẩm như pháp luật ở nước ta hiện nay là chưa thực sự phản ánh hết nội dung và bản chất quyền tự định đoạt của đương sự.

Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, quyền tự định đoạt của đương sự không phải là quyền tuyệt đối mà được đặt trong mối quan hệ với các quyền của chủ thể tố tụng khác. Ở mỗi giai đoạn tố tụng cụ thể, quyền tự đoạt của đương sự bị chi phối bởi các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là toà án.


1.  Bộ luật Tố tụng Dân sự của nước CHXHCNVN (2004), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Điều 5.

2.  Phạm Hữu Nghị (2002), “Hoà giải trong tố tụng”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (12), tr. 44.

3. Lê Thu Hà (1999), “Vấn đề hoà giải tại phiên toà sơ phẩm”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (8), tr. 11.

4. Phạm Hữu Nghị (2000), “Về nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (12), tr. 39-40.

5.  Nguyễn Ngọc Khánh (2005), “Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (5), tr. 65-68.

6.  Nguyễn Công Bình (2005), “Đặc san về Bộ Luật TTDS”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (5), tr. 9.

7.  Sđd; tr. 10.

8. Bộ luật Tố tụng Dân sự của nước CHXHCNVN (2004), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội; Điều 292.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

Theo thông tin pháp luật dân sự

 

Các văn bản liên quan