Một số điểm cần trao đổi thêm về điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004

Thứ Sáu 10:04 16-07-2010

MỘT SỐ ĐIỂM CẦN TRAO ĐỔI THÊM VỀ ĐIỀU 192 BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2004

LS. NGUYỄN VIỆT CƯỜNG – Công ty Luật Hợp Danh Luật Việt

Tham luận của Toà Dân sự Toà án nhân dân Tối cao (TDSTANTC) tại Hội nghị tổng kết ngành Toà án năm 2008 có nêu những quan điểm khác nhau về việc hiểu và áp dụng khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Qua nghiên cứu tham luận của TDSTATC về điều luật này, chúng tôi thấy có những điểm cần trao đổi thêm.

Để minh hoạ các quan điểm khác nhau về việc hiểu và áp dụng khoản 2 Điều 192 BLTTDS, TDSTANTC đã đưa ra ví dụ:

Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án đúng quy định của pháp luật. Sau khi thụ lý, có một đương sự chết, nhưng nguyên đơn không biết được địa chỉ những người thừa kế của đương sự đã chết, để Toà án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Toà án cấp sơ thẩm xác định đây là trường hợp “chưa đủ điều kiện khởi kiện” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS, nên áp dụng khoản 2 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Nguyên đơn kháng cáo không đồng ý với việc đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm, với lý do theo Điều 193 BLTTDS họ không được khởi kiện lại.

Với ví dụ trên Toà án cấp phúc thẩm có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: khoản 1 Điều 192 BLTTDS đã quy định cụ thể các căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong đó có quy định cả căn cứ dự phòng là điểm h (Các trường hợp khác mà pháp luật đã quy định), nên không còn căn cứ đình chỉ nào khác ngoài Khoản 1, Khoản 2 Điều 192 không phải là loại căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Việc áp dụng khoản 2 Điều 192 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự khi có những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 192 trùng với các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Còn các căn cứ khác quy định tại Khoản 1 Điều 168 BLTTDS nhưng không trùng với các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì Toà án trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, không phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Với lập luận trên, quan điểm này đã đưa hướng giải quyết đối với ví dụ trên như sau: Toà án không được ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Việc Toà án cấp sơ thẩm xác định “chưa đủ điều kiện khởi kiện” theo Điểm Đ Khoản 1 Điều 168 BLTTDS là đúng, nhưng không thuộc căn cứ nào quy định tại Khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Trường hợp này Toà án chỉ ra Thông báo trả lại đơn khởi kiên, các tài liêu, chứng cứ kèm theo cho đương sự và xoá sổ thụ lý. Quyền khởi kiện lại của các đương sự không bị hạn chế theo Điều 193 BLTTDS.

Quan điểm thứ hai của Toà cấp phúc thẩm cho rằng: Khoản 1 và Khoản 2 Điều 192 BLTTDS là độc lập với nhau và đều quy định các căn cứ để Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Quan điểm này nêu: Nếu đình chỉ giải quyết vụ án theo Khoản 2 Điều 192 BLTTDS và cụ thể là đối với ví dụ trên thì theo Điều 193 BLTTDS, đương sự sẽ không được quyền khởi kiện lại. Tuy nhiên, Điều 193 BLTTDS cũng có quy định dự phòng cho phép khởi kiện laị nếu thuộc “các trường hợp pháp luật có quy định khác” Vì vậy quan điểm này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật quy định thêm những trường hợp được khởi kiện lại trong đó có trường hợp nêu trên.

TDSTATC cũng có hai quan điểm khác nhau, trong đó đa số đồng ý với quan điểm thứ hai của Toà cấp phúc thẩm với lập luận:

Khoản 1 Điều 192 chỉ đề cập đến các trường hợp vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Toà án và Toà án đã thụ lý, nhưng sau khi thụ lý mới phát hiện hoặc mới phát sinh các sự kiện được quy định từ Điểm A đến Điểm H thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (Mỗi Điểm được quy định tại Khoản 1 Điều 192 là căn cứ để Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự).

Khoản 2 Điều 192 chỉ áp dụng cho các vụ án mà Toà án đã thụ lý và thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 168.

Giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 192 là hai khoản độc lập với nhau, có căn cứ khác nhau để ra quyết đình chỉ vụ án. Khi Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án thuộc các trường hợp quy định tại khoản hai Điều 192 thì Toà án phải áp dụng khoản 3 Điều 193 để trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự”.

Tham luận của TDSTATC không nêu quan điểm giải quyết ví dụ trên, nhưng với lập luận trên chúng tôi hiểu rằng TDSTATC đồng tình với cách giải quyết của Toà án cấp sơ thẩm.

Để hiểu đúng bản chất của điều 192 BLTTDS chúng tôi thấy cần phân tích từng điều khoản của điều luật.

Điều 192 BLTTDS quy định về việc đình chỉ giải quết vụ án dân sự có hai khoản cụ thể như sau:

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ

quan, tổ chức nào kế thừa quyên, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan , tổ chức đó;

c- Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

d- Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;

đ- Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;

e- Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

g- Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

h- Các trường hợp khác mà pháp luật đã quy định.

2. Toà án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 Bộ luật này.

Điều 168 BLTTDS quy định :

1.Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a- Thời hiệu khởi kiện đã hết;

b- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

c-Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

d- Hết thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

đ- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

e- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

2. Khi trả lại đơn kiện Toà án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn kiện.

Với quy định trên của Điều 192 và Điều 168 BLTTDS chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai của Toà án cấp phúc thẩm và TDSTTC cho rằng khoản 1 và khoản 2 Điều 192 BLTTDS hoàn toàn độc lập với nhau. Nếu sau khi thụ lý vụ án mà phát sinh những căn cứ quy định tại khoản 1 Điểu 192 hoặc phát hiện ra những căn cứ quy định tại khoản1 Điêù 168 BLTTDS thì Toà án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.Toà án chỉ có thể xoá sổ thụ lý khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hoăc có bản án. Tuy nhiên áp dụng khoản 1 và khoản 2 Điều 192 để đình chỉ giải quyết vụ án có điểm khác nhau cơ bản ở chỗ:

Nếu Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS, thì tiền tạm ứng án phí đương sự đã nộp được sung vào công quỹ (Khoản 2 Điều 193 BLTTDS). Còn nếu Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 192 BLTTDS thì tiền tạm ứng án phí đương sự đã nộp được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí. (Khoản 3 Điều 193 BLTTDS).

Có sự khác biệt trên vì: Căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Khoản 1 Điều 192 BLTTDS là những sự kiện phát sinh sau khi Toà án đã thụ lý vụ án, chứ không phải là những sự kiện có trước khi toà án thụ lý nhưng sau khi thụ lý Toà án mới phát hiện ra như quan điểm của TDSTATC. Còn các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án quy đinh tại khoản 2 Điều 192 BLTTDS là những căn cứ được quy định tại Khoản 1 Điều 168 BLTTDS, đây là những sự kiện phát sinh trước khi đương sự nộp đơn khởi kiện đến Toà án, trong trường hợp này theo quy định của Điều 168 BLDS Toà án phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự song do nhiều nguyên nhân khác nhau Toà có thể không phát hiện ra ngay khi nhận đơn khởi kiện của đương sự. Thực tế có nhiều vụ án sau khi thụ lý, Toà án thu thập chứng cứ mới phát hiện thời hiệu khởi kiện đã hết, nguyên đơn không có quyền khởi kiện v.v…Khoản 2 Điều 192 BLTTDS là nhằm khắc phục tình trạng này.

Trong tất cả các căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định từ Điểm A đến Điểm G Khoản 1 Điều 192 BLTTDS chỉ có một căn cứ quy định tại Điểm C “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” là có thể xảy ra trước hoặc sau khi Toà án thụ lý vụ án. Căn cứ này cũng được quy định tại Điểm B Khoản 1 Điều 168 BLTTDS, vì vậy khi có căn cứ này thì áp dụng khoả 1 hay khoản 2 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là điều phải xem xét, vì nếu áp dụng Khoản 1 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì theo khoản 2 Điều 193 BLTTDS đương sự mất tiền tạm ứng án phí mà họ đã nộp. Nếu áp dụng Khoản 2 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì theo khoản 3 Điều 193 BLTTDS, đương sự được trả lại tiền tạm ứng án phí mà họ đã nộp.Trong trường hợp này, để biết áp dụng Khoản 1 hay khoản 2 Điều 192 BLTTDS cần phải xem căn cứ đó xảy ra trước hay sau khi Toà án thụ lý vụ án. Nếu căn cứ đó xảy ra trước khi Toà án thụ lý vụ án thì áp dụng Khoản 2 Điều 192 BLTTDS, còn căn cứ đó xảy ra sau khi thụ lý vụ án thì áp dụng Khoản 1 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ví dụ nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn trả lại diện tích đất bị đơn đang chiếm giữ và sử dụng. Sau khi Toà án thụ lý vụ án, bị đơn xuất trình cho Toà quyết định thu hồi đất của Cơ quan có thẩm quyền trước khi nguyên đơn khởi kiện. Trường hợp này nguyên đơn không có quyền khởi kiện (do đối tượng kiện tụng không còn). Căn cứ này phát sinh trước khi nguyên đơn khởi kiện nên áp dụng Khoản 2 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và những tài liệu, chứng cứ kèm theo cho nguyên đơn, nguyên đơn được lấy lại tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp.

Cũng ví dụ trên , nhưng sau khi Toà án thụ lý, Cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết đinh thu hồi diện tích đất đó, trường hợp này căn cứ “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” xuất hiện sau khi Toà án thụ lý vụ án nên áp dụng Khoản 1 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Toà án không phải trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn và nguyên đơn không được lấy lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Việc áp dùng khoản 2 Điều 192 BLTTDS để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, người khởi kiện có quyền khởi kiện lại không?

Khoản 1 Điều 193 BLTTDS quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp , trừ các trường hợp quy định tại các điểm c,e và g khoản 1 điều 192 Bộ luật này và các trường hợp pháp luật có quy định khác”.

BLTTDS không đề cặp đến Khoản 2 Điều 192. Tuy nhiên cần hiểu các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án ở khoản 1 Điều 192 BLTTDS là để Toà chấm dứt giải quyết vụ án, còn các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án ở khoản 2 Điều 192 BLTTDS là để Toà trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, vụ án chưa được giải quyết, do đó trong những trường hợp đương sự khắc phục được tất cả các yêu cầu của luật pháp đề ra đối với quan hệ tranh chấp đó thì đương sự vẫn có quyền khởi kiện lại, không bị hạn chế bởi Điều 193 BLTTDS. Thực tế những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án ở Khoản 2 Điều 192 BLTTDS chỉ có 3 căn cứ quy định tại Điểm B, D, Đ Khoản 1 Điều 168 BLTTDS là đương sự có thể khắc phục được những yêu cầu do luật quy định trước khi khởi kiện, để khởi kiện lại. Hơn nữa sau khi Toà án đình chỉ trả lại đơn, đương sự đi kiện lại tuy vẫn cùng nguyên đơn, bị đơn và quan hệ tranh chấp nhưng có tình tiết mới khác với lần khởi kiện ban đầu ở chõ người khởi kiện hoặc đã có quyền khởi kiện hoặc đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoăc đã nộp tiền tạm ứng án phí hoặc dã có đủ điều kiện khởi kiện.

Trở lại ví dụ mà tham luận của TDSTATC đã nêu ở trên, chúng tôi thấy sự kiện đương sự chết sau khi Toà án đã thụ lý vụ án dân sự, nhưng nguyên đơn không biết được địa chỉ của những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự đã chết , sự kiện này không thuộc căn cứ nào quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS và cũng không thuộc Khoản 2 Điều 192 BLTTDS. Vì như trên chúng tôi đã trình bày căn cứ ở Khoản 2 Điều 192 BLTTDS phải xảy ra trước khi đương sự khởi kiện. Do đó Toà án không thể áp dụng khoản 2 Điều 192 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho đương sự như Toà án cấp sơ thẩm đã làm. Và, Toà án cũng không thể áp dụng Điều 168 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự biêt như quan đỉêm thứ nhất của Toà án cấp phúc thẩm.Trong trường hợp này Toà án phải áp dụng Khoản 1 Điều 189

BLTTDS “Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân , cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan tổ chức đó” để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi, rất mong các độc giả cùng trao đổi để tìm ra bản chất của điều luật giúp cho việc áp dụng điều luật đó được đúng đắn.

Điều 192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;

đ) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;

e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

g) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật này.

SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN SỐ 4 KỲ II THÁNG 2 NĂM 2009

Theo Thông tin pháp luật dân sự

 

Các văn bản liên quan