Minh bạch hóa hoạt động đấu thầu

Thứ Bảy 18:21 20-05-2006
Luật Đấu thầu mua sắm công

Minh bạch hóa hoạt động đấu thầu

Trung Linh – Theo Báo Công lý ngày 01/09/2005

Dự thảo Luật Đấu thầu mua sắm công đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sự ra đời của luật này sẽ góp phần làm minh bạch hóa hoạt động đấu thầu, bạn chế những tiêu cực đã và đang diễn ra trong lĩnh vực này.

Sự khác biệt.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thành viên Ban soạn thảo cho rằng: Các chế tài được đề nghị trong Dự thảo Luật Đấu thầu mua sắm công có thể được khẳng định là cụ thể hơn các luật khác và được xem là điểm khác biệt nổi bật so với các quy định hiện hành về đấu thầu. Ví dụ, việc công khai, minh bạch hóa trong xử lý khiếu nại đấu thầu lần đầu tiên được đề cập một cách chi tiết.

Bên cạnh đó, hàng loạt các hành vi được coi là gian lận, tiêu cực trong đấu thầu như đưa, nhận hoặc đòi hỏi bất cứ thứ gì có giá trị về vật chất có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng dẫn tới những hành động thiếu trung thực, không khách quan trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng; dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp làm ảnh hưởng, sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu…đều được xử lý bằng chế tài cấm tham gia hoạt động đấu thầu.

Việc Ban soạn thảo đưa ra những hành vi bị cấm cùng hình thức xử phạt, các quy định về quyền khiếu nại trong quá trình đấu thầu được đánh giá cao và được cho là những công cụ cần thiết để có thể đưa hoạt động đấu thầu vào trật tự. Trình tự và thủ tục khiếu nại trong hoạt động đấu thầu là hình thức tài phán hành chính đang được nhiều nước áp dụng và Việt Nam nên chuyển sang hướng này. Việc sửa đổi, giảm phạm vi được áp dụng hình thức chỉ định thầu từ 6 trường hợp theo Quy chế Đấu thầu hiện hành còn xuống 4 trường hợp cũng được coi là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định thầu, nguyên nhân của nhiều vụ việc tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, chỉ các gói thầu trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa; các gói thầu liên quan đế lợi ích chung; lợi ích quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; các gói thầu có tính chất nghiên cứu thử nghiệm; cung cấp dịch vụ tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng; mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp có giá trị dưới 1 tỷ đồng được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định do Chính phủ quy định.

Phải đảm bảo tính khả thi

Ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội cho rằng, điều quan trọng là kết quả đấu thầu phải mang tính pháp lý để tránh tình trạng hiện nay là nhà thầu chấp nhận mọi giá để sau đó thương thảo điều chỉnh hợp đồng. Việc làm rõ mọi tiêu chí, nội hàm các quy định cũng là cách để đảm bảo tính khả thi của các quy định trong Luật Đấu thầu, là điều kiện để mọi hoạt động đấu thầu sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước đều nằm trong tầm kiểm soát. Tiến sỹ Nguyễn Minh Chí – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: Về cơ bản, Dự thảo Luật được xây dựng khá công phu với kết cấu chặt chẽ, đầy đủ. Tuy nhiên, đề nghị cần phải cân nhắc thêm về một số vấn đề mang tính chất cốt lõi của văn bản, cụ thể như: Tên gọi của văn bản là “Luật Đấu thầu mua sắm công”, tuy nhiên, nội dung của văn đưa ra những phương pháp lựa chọn nhà thầu khác ngoài những hình thức đấu thầu thông thường (đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế) là chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh và tự thực hiện, những phương pháp lựa chọn nhà thầu này thực chất không phải là hình thức đấu thầu. Vì vậy, cần phải khẳng định rằng nội dung của văn bản không phù hợp với tên gọi của văn bản. Dó đó, cần phải được cân nhắc để sửa đổi lại tên gọi là văn bản để phù hợp với nội dung Dự thảo quy định đối tượng áp dụng là “Dự án sử dụng vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia) cho mục tiêu đầu tư phát triển”. Đối với vấn đề này phải tính đến quyền lợi không chỉ của việc sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư phát triển, mà cần tính đến quyền lợi của chủ dự án khi họ sử dụng vốn của bản thân họ. Với quan điểm như vậy, chỉ nên quy định theo hướng khi nào vốn của nhà nước tham gia dự án chiếm tỷ lệ chi phối, tức là nhà nước có quyền quyết định thì dự án đó mới là đối tượng của Luật này (dự án sử dụng vốn nhà tham gia từ 50% trở lên (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia) cho mục tiêu đầu tư phát triển).

Về điều kiện tham gia dự thầu, Dự thảo quy định điều kiện nhà thầu muốn tham dự thầu thì phải có “tên trong hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu theo quy định của Chính phủ”. Về vấn đề này, đề nghị cần phải được cân nhắc lại. Quy định này là không cần thiết, vì đây không phải là điều kiện về năng lực mà chỉ là điều kiện về thủ tục hành chính. Mặt khác, các gói thầu khác nhau thì đối tượng nhà thầu cũng khác nhau và việc bắt buộc phải có tên trong hệ thống thông tin cũng không có ý nghĩa và ảnh hưởng đến mục đích của đấu thầu mua sắm công. Ông Vũ Gia Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng nêu ý kiến: Bản Dự thảo Luật Đấu thầu thực chất là bản quy chế đấu thầu ban hành theo Nghị định của Chính phủ. Vì vậy nội dung của Luật không thể như nội dung của quy chế và không thể lấy quy chế nâng cấp thành Luật. Quy chế “Thông tin về gói thầu…đăng tải trên tờ thông tin về đấu thầu và trong Web về đấu thầu” như vậy lại là một hình thức giấy phép và rất vô lý vì dự thầu là các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, tại sao Nhà nước quản lý chuyện nhỏ này khi mà quyền duyệt dự án đã được phân cấp và trách nhiệm kiểm tra người dự thầu là việc chủ đầu tư phải làm. Đối với quy định về kiểm tra và thanh tra: Đề nghị kiểm tra và thanh tra vào lúc mở thầu, nhận, nghiên cứu các khiếu nại và có trách nhiệm ký biên bản biên nhận hoặc hủy bỏ quyết định đấu thầu. Kiểm tra định kỳ 6 tháng và 1 năm sau, như vậy là vô tác dụng.

Các văn bản liên quan