Không tin vào…đấu thầu

Thứ Bảy 18:22 20-05-2006
Không tin vào... đấu thầu

Lưu Quang - Theo LĐ số 235 ngày 25 tháng 8 năm 2005

Tôi không tin luật này (Luật Đấu thầu) ra đời có thể tạo nên một chuyển biến nào đó..." - câu nói có vẻ bi quan này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bất ngờ bởi tác giả của nó là một vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Càng bất ngờ bởi đây đâu phải câu trà dư tửu hậu, mà là phát biểu công khai ngay trên diễn đàn Quốc hội, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 20.8 vừa qua.

Nhưng ngẫm cho cùng, sự "không tin" này không phải không có lý. Như đã biết, Pháp lệnh Đấu thầu đã ra đời khá lâu, nhưng trên thực tế, hiếm có văn bản pháp luật nào lại thường xuyên bị các tổ chức và cá nhân liên quan ngang nhiên vi phạm nhiều đến như vậy.

Ở ta, đến một người dân bình thường nhất cũng biết rằng đấu thầu thường đi liền với hàng loạt hiện tượng không lành mạnh như "quân xanh, quân đỏ", "chạy thầu", "đánh trận giả"... Đã có quá nhiều những vụ tiêu cực liên quan đến đấu thầu bị phanh phui. Đã có không ít kẻ vì đấu thầu mà vào tù. Chưa có những thống kê chính thức nhưng tất cả đều hiểu rằng kết quả của nhiều cuộc đấu thầu chỉ là hình thức, là "màn kịch" như người ta vẫn gọi...

Nay chúng ta đang sửa Pháp lệnh Đấu thầu để nâng lên thành luật. Các nhà làm luật đang tranh cãi về nhiều chi tiết của dự thảo luật, như: Bắt buộc các dự án nhà nước có tỉ trọng vốn nhà nước 10% trở lên phải đấu thầu (trước kia 30%); thu hẹp các trường hợp được phép chỉ định thầu xuống còn 4 (trước kia 9); quy định thêm các điều khoản về bảo mật thầu, về nâng cao đạo đức công chức v.v... và v.v...

Tất cả những chi tiết kỹ thuật trên là cần thiết, nhưng chưa phải quan trọng nhất, chưa phải bản chất của vấn đề. Bản chất của vấn đề nằm ngay trong cơ chế. Cơ chế của chúng ta hiện nay là một cơ chế khép kín. Bộ A vừa là chủ dự án, vừa ra đề, vừa chấm bài, lại vừa đi thi. Bộ B, bộ C... cũng vậy. Tất cả đều là những vòng tròn khép kín, vừa đá bóng vừa thổi còi. Và trong cái vòng tròn đó thì luật có chi tiết, tỉ mỉ, nghiêm khắc đến đâu, tiêu cực vẫn có thể xảy ra, tất yếu phải xảy ra.

Các nhà hoạt động về an toàn trên thế giới hiện nay đã đưa ra những nguyên tắc mới cho công việc của mình. Cách đây 20 năm, an toàn là làm đến mức tốt nhất, để tai nạn không xảy ra. Còn ngày nay, an toàn là phải làm tất cả để tai nạn không thể xảy ra. Một người công nhân làm việc trên giàn khoan ngoài biển chẳng hạn, công tác an toàn phải làm sao để anh ta - dù muốn - cũng không thể rơi (hoặc nhảy) xuống biển.

Tương tự trong đấu thầu cũng vậy, những quy định phải làm sao để các bên liên quan, dù muốn tiêu cực, cũng không thể tiêu cực. Nếu vậy thì chỉ có cách chống "vừa đá bóng vừa thổi còi", chống độc quyền, chống khép kín trong đấu thầu. Xét sâu xa hơn, đây chính là câu chuyện tách quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, một câu chuyện dài nhiều tập trong công cuộc cải cách hành chính, cải cách thể chế nền kinh tế, mà chúng ta nói hoài vẫn chưa chưa thấy hồi kết...

Chưa làm được điều này, e rằng sẽ còn rất lâu nữa chúng ta vẫn phải nói: Thật khó tin vào... đấu thầu!

Các văn bản liên quan