Luật Đầu tư chưa thực sự hỗ trợ tư nhân

Thứ Sáu 14:33 26-05-2006
Luật Đầu tư chung chưa thực sự hỗ trợ tư nhân

Thùy Trang - VNECONOMY cập nhật: 27/09/2005

Luật Đầu tư chung cùng với Luật doanh nghiệp thống nhất, là một trong hai Luật kinh doanh quan trọng đang được soạn thảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài và góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.

Luật Đầu tư chung sẽ thay thế Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài, góp phần tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế cho các hoạt động đầu tư ở Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

Tạo sân chơi bình đẳng hơn

Sau khi lấy ý kiến đóng góp và được chỉnh sửa nhiều lần, Dự luật hiện sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến nhiều chiều về tác động của luật này đối với các nhà đầu tư.

Theo phân tích của một số chuyên gia của MPDF và VCCI, Luật Đầu tư chung sẽ thống nhất khung pháp lý về đầu tư cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Xóa bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một trong những cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình cải thiện môi trường đầu tư để hội nhập quốc tế, đặc biệt là gia nhập WTO.

Cho đến nay, đã có hàng loạt những nỗ lực sửa đổi trong chính sách của nước ta về đầu tư theo hướng này như loại bỏ chế độ hai giá, các yêu cầu riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài về xuất nhập khẩu, mua nguyên liệu, hàng hóa trong nước, hay các hạn chế về chuyển giao công nghệ và tuyển dụng lao động v.v... Tuy nhiên, các thay đổi chính sách đó vẫn chưa tạo ra được sân chơi thực sự bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vì vẫn còn tồn tại một sự khác biệt căn bản giữa hai khối doanh nghiệp này trong khung pháp lý hiện hành.

Đó là việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin cấp phép cho bất cứ hoạt động đầu tư nào và chỉ được phép hoạt động trong phạm vi của giấy phép đầu tư (theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài), trong khi doanh nghiệp trong nước được tự do đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm.

Luật Đầu tư chung ra đời để điều chỉnh mọi hoạt động đầu tư tại Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, có thể coi đây là một nỗ lực quan trọng trong tiến trình xây dựng một khung pháp lý thống nhất về đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các chuyên gia của MPDF cũng cho rằng những quy định trong bản dự thảo mới nhất Luật Đầu tư chung cho phép quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng.

Hiện nay, quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế vì họ chỉ được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi của Giấy phép đầu tư và vì thế họ chịu nhiều hạn chế so với nhà đầu tư trong nước. Luật Đầu tư chung sẽ xóa bỏ hầu hết các hạn chế nói trên với việc cho phép nhà đầu tư được tự chủ trong các quyết định đầu tư của mình, đặc biệt trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư và hình thức huy động vốn.

Về lĩnh vực đầu tư, Luật Đầu tư chung mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm bằng việc xây dựng các "danh sách loại trừ và danh sách hạn chế" - điều mà các nhà đầu tư trong nước vẫn được hưởng theo Luật doanh nghiệp.

Về hình thức đầu tư, Luật Đầu tư chung cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp và được đăng ký kinh doanh một hoặc nhiều ngành nghề dưới hình thức pháp lý như nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu, cổ phiếu hay qua các quỹ đầu tư chứng khoán và định chế tài chính trung gian - đây có thể là một phương thức hữu hiệu để tạo thêm điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.

Kém thông thoáng cho đầu tư trong nước

Tuy nhiên, các chuyên gia MPDF chỉ ra rằng vẫn còn một số điều kiện kém thông thoáng được đặt ra cho các nhà đầu tư trong nước.

Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư chung đã đưa ra tiêu chí mới để phân loại các dự án đầu tư và áp dụng thêm thủ tục đăng ký/cấp phép đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước. Đây là những thủ tục mà cho đến nay nhà đầu tư trong nước không phải thực hiện.

Như vậy, bên cạnh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước sẽ có nghĩa vụ đăng ký đầu tư đối với mọi dự án đầu tư mới. Hơn thế, những dự án đầu tư nào có giá trị trên 5 tỷ đồng thuộc loại dự án phổ thông sẽ phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn các dự án đầu tư thuộc ba nhóm còn lại sẽ cần được Nhà nước thẩm định trước khi cấp phép đầu tư.

Trong những cuộc tranh luận xung quanh dự thảo Luật Đầu tư chung thời gian gần đây, vấn đề trên là một trong những lo lắng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp. Những thắc mắc chủ yếu liên quan đến việc tiêu chí để phân loại các dự án đầu tư này thiếu tính rõ ràng.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư cho rằng những quy định mới này phức tạp một cách không cần thiết và làm giảm tính minh bạch trong quản lý đầu tư. Theo thông lệ quốc tế về pháp luật đầu tư, ưu đãi đầu tư là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chính sách đầu tư của một quốc gia.

Hiện nay, ưu đãi đầu tư ở Việt Nam được ấn định dựa trên kế hoạch của nhà đầu tư và thường được quyết định trước khi dự án đầu tư được thực tế triển khai. Điều này là trái với thông lệ quốc tế, theo đó ưu đãi đầu tư phải dựa trên cơ sở kết quả hoạt động (hậu ưu đãi) chứ không dựa trên kế hoạch hay đề xuất (tiền ưu đãi). Đây cũng là một vấn đề được tranh luận nhiều trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư chung.

Cho đến thời điểm giữa tháng 8/2005, đã có thông tin là sẽ áp dụng hệ thống ưu đãi dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh, nhưng cộng đồng kinh doanh đang chờ đợi xem sự thay đổi này sẽ được thể hiện cụ thể như thế nào trong Luật Đầu tư chung.

Luật Đầu tư chung có thể đi vào cuộc sống và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh như mục tiêu đặt ra được hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tương thích của luật với các luật chuyên ngành và đặc biệt là Luật doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi Luật Doanh nghiệp tư nhân đơn giản hóa thủ tục lập doanh nghiệp, thì Luật Đầu tư chung lại nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư trong nước, bằng các thủ tục mới. Cuộc tranh luận hiện nay tại các diễn đàn và trên các phương tiện truyền thông cho thấy, hai luật được ví như "hai mặt của một bàn tay" vẫn còn vênh nhau trong việc thể hiện quan điểm của Nhà nước về tạo môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho nền kinh tế hội nhập quốc tế.


Các văn bản liên quan