Luật về đầu tư đã “thoáng” hơn cho các nhà đtư

Thứ Sáu 14:33 26-05-2006
Luật về đầu tư đã "thoáng'' hơn cho các nhà đầu tư

Văn Tiến - VietnamNet ngày 21/09/2005

(VietNamNet) - Dự thảo Luật đầu tư (chung) bắt đầu thể hiện được tinh thần ''mở, thông thoáng'' với những quy định đột phá, khiến các nhà đầu tư có thể hài lòng hơn.

Hầu hết dự án đầu tư trong nước chỉ cần đăng ký

Theo dự thảo luật mới nhất vừa được Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội thẩm tra, dự án đầu tư có vốn đến 15 tỷ đồng (không thuộc danh mục dự án đầu tư có điều kiện) chỉ phải đăng ký đầu tư, trong khi quy định khống chế các dự án loại này ở mức 5 tỷ đồng.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khung đến 15 tỷ đồng bao trùm 98% các dự án đầu tư trong nước hiện nay. Như vậy, khả năng hầu hết nhà đầu tư trong nước chỉ cần viết phiếu đăng ký đầu tư theo mẫu gửi đến cơ quan đăng ký đầu tư (có thể gửi qua mạng) mà không có thủ tục chứng nhận đầu tư.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc đã hào hứng "giới thiệu" với báo chí về sự cởi mở của dự luật này đối với các nhà đầu tư: "Dự luật đầu tư ''mở'' nhất là quy trình cấp phép! Dự án trên 300 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) nhà đầu tư mới phải trình dự án và xin phép đầu tư. Từ 5 tỷ đồng đến 300 tỷ, nhà đầu tư chỉ phải đăng ký và đăng ký rồi, ''ném'' giấy lên, 7 ngày sau có giấy chứng nhận đầu tư. Còn dự án dưới 5 tỷ đồng, chỉ cần ''ném'' giấy đó hoặc bấm máy tính đưa lên mạng đăng ký đầu tư là xong!".

Dự thảo luật cũng xác định dự án đầu tư từ 15 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng, từ 300 tỷ đồng trở lên nhà đầu tư phải đăng ký để được cấp phép đầu tư. Thời hạn thẩm tra chứng nhận đầu tư tương ứng với 2 loại dự án này là 10 ngày và 45 ngày.

Tuy nhiên, nội dung thẩm định cũng chỉ xem xét phù hợp với các quy hoạch về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, xây dựng, sử dụng tài nguyên khoáng sản, giải pháp bảo vệ môi trường, tiến độ thực hiện dự án. Những yêu cầu thẩm định đưa ra trong dự thảo trước như về năng lực tài chính, giải pháp công nghệ... đã được loại bỏ. Yêu cầu về tài chính do nhà đầu tư tự xác định và chịu trách nhiệm.

Đăng ký kinh doanh và đầu tư: ''Một cửa, một giấy''

Theo Ban soạn thảo, cải cách hành chính trong quản lý đầu tư thể hiện rõ ở việc đơn giản hoá tối đa thủ tục, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Cấp phép đầu tư thể hiện tinh thần ''một cửa, một giấy'', chỉ một đầu mối thực hiện cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh, thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư.

Trường hợp đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư không cùng một lúc thì nhà đầu tư vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư, trong ''sổ'' này dành ''đất'' ghi nội dung kinh doanh, đầu tư chưa đăng ký hoặc thay đổi. Như vậy, giấy chứng nhận này cũng là tài tài liệu cung cấp mọi thông tin về sư thay đổi trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của nhà đầu tư.

Cũng nhằm cải cách hành chính trong quản lý đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp đầu tư. Theo đó, sẽ phân cấp đối với dự án có quy mô đến 40-50 tỷ USD (600 - 800 tỷ đồng) cho các địa phương (gồm cả một số dự án thẩm tra chứng nhận đầu tư). Trong khi mức phân cấp cao nhất cho Hà Nội và TP. HCM hiện chỉ là 10 triệu USD và mức phổ cập là 5 triệu USD cho tất cả các tỉnh khác trong cả nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô trung bình của các dự án hiện là khoảng 3,5 triệu USD đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dưới 5 tỷ đồng đối với các dự án trong nước. Với việc đẩy mạnh phân cấp thì quản lý đầu tư và cấp phép sẽ tập trung chủ yếu vào một đầu mối là cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh.

Bộ trưởng Phúc đã nhận định: Tôi cho rằng với những thay đổi trong dự Luật đầu tư (chung), vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài sẽ tăng rất mạnh.

Các văn bản liên quan