LS. Châu Huy Quang – Lương Thanh Quang góp ý Dự thảo Luật ban hành VBQPPL tại Hội thảo VCCI tp.HCM ngày 20/8/2014

Thứ Năm 11:44 21-08-2014

THAM LUẬN GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)

LS. Châu Huy Quang - Lương Thanh Quang*

I- Đối với vấn đề còn có 02 phương án. 1

1) Thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện. 1

2) Thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Xã. 2

II- Đối với những vấn đề khác của Dự thảo. 3

1) Về giải thích từ ngữ. 3

2) Về nguyên tắc xây dựng, ban hành, thi hành và áp dụng VBQPPL. 4

3) Về thẩm quyền giải thích VBQPPL. 12

Dẫn nhập

Trong nhiều năm qua, sự tồn tại song song hai Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật ("VBQPPL")[1] với nhiều quy định "vênh" nhau từ hình thức văn bản, quy trình xây dựng, hiệu lực cho đến cách giải thích, định nghĩa, áp dụng VBQPPL v.v... đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác tổ chức thi hành các văn bản này.

Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến về trường hợp Dự thảo còn có hai phương án (I) và một số vấn đề khác mà các doanh nghiệp  quan tâm (II).

I- Đối với vấn đề còn có 02 phương án

1) Thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện

Dự thảo. Điểm (l) khoản 2 Điều 3 Dự thảo đề cập đến thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện.

Ở đây, Dự thảo đưa ra hai phương án: Phương án 1 theo hướng HĐND, UBND cấp Huyện có thẩm quyền ban hành VBQPPL và việc ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện phải theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

Phương án 2 theo hướng không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện.

Phương án 2. Theo chúng tôi, Phương án 2 là thuyết phục vì lý do sau: Khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định: "Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi người trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định...". Theo quy định trên, "địa giới hành chính" cần được hiểu là địa giới hành chính của quốc gia chứ không thể là địa giới hành chính của từng địa phương trong quốc gia đó (hay còn gọi là đơn vị hành chính của quốc gia)[2]. Vì vậy, các nghị quyết của HĐND  huyện được ban hành để quyết định chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội..vv.. nhằm thi hành chính sách pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính trên địa bàn quận, huyện[3] chỉ là văn bản hành chính của huyện đó, không thể là VBQPPL. Tương tự, quyết định của UBND huyện được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội trong quá trình quản lý, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính trên địa bàn huyện[4] không phải là VBQPPL. Nói cách khác, HĐND, UBND cấp huyện không có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Như vậy, cần loại bỏ quy định tại Điều 23 Dự thảo về VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện.

2) Thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Xã

Tại nội dung "Phương án 2" trong khoản 2 Điều 3 Dự thảo chúng tôi thấy còn có quy định "không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của huyện, xã". Điều này được hiểu là nếu Phương án 2 được chấp nhận thì không những sẽ loại bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Huyện mà cả thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp Xã cũng sẽ được loại bỏ.

Tuy nhiên, theo rà soát, nội dung Dự thảo không có chỗ nào quy định về VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã, phường.

Mặt khác, như nội dung chúng tôi đã phân tích, cũng tương tự HĐND, UBND cấp Quận, Huyện, HĐND, UBND cấp xã, phường không có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Hơn nữa, hiện chúng ta đang thực hiện khá thành công mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường, xã tại địa phương[5] nên có  cơ sở để tin rằng việc loại bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp quận, huyện, phường, xã - như từng được quy định tại Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 - là phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước.

II- Đối với những vấn đề khác của Dự thảo

1) Về giải thích từ ngữ

Dự thảo tại khoản 4 Điều 132 về "Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật" có quy định "Trong trường hợp VBQPPL chungVBQPPL chuyên ngành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng VBQPPL chuyên ngành; trường hợp VBQPPL chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ thì áp dụng VBQPPL chung".

Việc nghiên cứu hệ thống pháp luật cho thấy có khá nhiều trường hợp hai hay nhiều VBQPPL cùng quy định (điều chỉnh) về một vấn đề, trong đó một văn bản quy định một cách chung nhất (thường mang tính nguyên tắc) và một văn bản quy định mang tính chất "chuyên sâu" trong một lĩnh vực quản lý cụ thể (thường được gọi là văn bản chuyên ngành)[6].

Theo chúng tôi, hiện chưa có định nghĩa thống nhất thế nào là VBQPPL chung, thế nào là VBQPPL chuyên ngành, luật nào được gọi là "luật chung", luật nào được gọi là "luật chuyên ngành" cho nên quy định như trên của Luật Ban hành VBQPPL hoàn toàn không rõ ràng, và chắc chắn không thể được hiểu và áp dụng một cách thống nhất.

Vì  vậy chúng tôi kiến nghị các nhà làm luật nên sớm nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 2 Dự thảo theo hướng giải thích rõ thế nào là VBQPPL chung, thế nào là VBQPPL chuyên ngành để doanh nghiệp có cơ sở hiểu và thống nhất áp dụng.

2) Về nguyên tắc xây dựng, ban hành, thi hành và áp dụng VBQPPL

Dự thảo. Điều 4 Dự thảo quy định về nguyên tắc "xây dựng, ban hành" và "thi hành" VBQPPL. Trong khi đó tại Điều 132 và khoản 2 Điều 143 Dự thảo chúng ta lại thấy tiếp tục đưa ra các nguyên tắc "áp dụng" và “giải thích” VBQPPL. Thực ra việc "xây dựng", "ban hành", "thi hành" hay "áp dụng", “giải thích” đều là những hoạt động được Luật VBQPPL điều chỉnh. Chỉ có một sự khác biệt nhỏ cần lưu ý đó là việc xây dựng, ban hành, giải thích và kể cả áp dụng VBQPPL đều là các hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền[7]; còn việc tổ chức thi hành VBQPPL là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong đó có các doanh nghiệp) để các VBQPPL đó được nghiêm chỉnh thực hiện trong thực tế. Do vậy, việc quy định các nguyên tắc trong việc xây dựng, ban hành, giải thích, áp dụng và thi hành VBQPPL, theo chúng tôi, là điều cần thiết trong Dự thảo. Về mặt kỹ thuật, chúng ta không nên quy định rải rác các nguyên tắc này như hiện nay mà nên tập trung quy định ngay tại phần mở đầu của Luật.

Theo chúng tôi các nguyên tắc cơ bản chi phối toàn bộ hoạt động ban hành VBQPPL cần được quy định tập trung từ Điều 4 đến Điều 7 Dự thảo, cụ thể như sau:

Dự thảo

Đề xuất sửa đổi, bổ sung

Bình luận

"Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, ban hành và thi hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

a) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thứ bậc và tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

b) Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật;

d) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

đ) Bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, đồng thời hướng tới tính dự báo của văn bản quy phạm pháp luật;

e) Không quy định một vấn đề ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau;

g) Nghiêm cấm ban hành văn bản hành chính chứa quy phạm pháp luật;

h) Việc quy định thi hành văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định tại chính văn bản đó;

i) Bảo đảm sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân;

k) Bảo đảm tính công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

l) Không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

"Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thứ bậc và tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

b) Bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

c) Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;...

d) Bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật;

đ) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

e) Bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, đồng thời hướng tới tính dự báo của văn bản quy phạm pháp luật;

g) Không quy định cùng một vấn đề ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau;

h) Nghiêm cấm ban hành văn bản hành chính chứa quy phạm pháp luật;

i) Việc quy định thi hành văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định tại chính văn bản đó;

k) Bảo đảm sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân;

l) Bảo đảm tính công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

m) Không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Kiến nghị chỉ giữ các nguyên tắc xây dựngban hành tại khoản 1 điều này (do đây là nguyên tắc chỉ áp dụng đối với cơ quan lập pháp). Theo đó, cần tách nguyên tắc “thi hành” tại khoản 2 điều này thành một điều luật độc lập (Điều 5) do đây là nguyên tắc áp dụng cho các cơ quan hành pháp.

Bổ sung cụm từ mở đầu “Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Đồng thời kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc “Bảo đảm quyền con người, quyền công dân” ngay sau nguyên tắc “a) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thứ bậc và tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Kiến nghị bổ sung thêm từ “cùng” cho câu được rõ nghĩa;

Điều 4

...

2. Nguyên tắc thi hành văn bản quy phạm pháp luật:

a) Văn bản quy phạm pháp luật phải được áp dụng trực tiếp, trừ đối với những điều, khoản, điểm cần quy định chi tiết. mọi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh văn bản quy phạm pháp luật;

b) Bảo đảm mọi đối tượng đều được thông tin chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu về văn bản quy phạm pháp luật trước khi thi hành;

c) Kịp thời, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch;

d) Bảo đảm sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân;

đ) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng;

e) Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa thi hành văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

g) Kịp thời đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

h) Cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ".

"Điều 5. Nguyên tắc thi hành văn bản quy phạm pháp luật

Việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các nguyên tắc sau:

a)...

Khoản 2 Điều 4 Dự thảo cần được tách ra thành một điều luật độc lập quy định nguyên tắc thi hành VBQPPL.

Kiến nghị bổ sung cụm từ mở đầu “Việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các nguyên tắc sau:”

Nội dung quy định tại điều này giữ nguyên không thay đổi so với khoản 2 Điều 4 Dự thảo;

Điều 132. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chung và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật chung.

5. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

6. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

7. Trong trường hợp để bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền đình chỉ việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có nội dung trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"Điều 6. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng theo các nguyên tắc sau:

a) Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó;

b) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn;

c) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d Điều này;

d) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chung và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có quy định về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; trường hợp văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không có quy định hoặc quy định không rõ thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật chung;

đ) Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới;

e) Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế;

g) Trong trường hợp để bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền đình chỉ việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có nội dung trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Tại Điều 132 Dự thảo hiện đang quy định các nguyên tắc áp dụng VBQPPL. Như đã phân tích, do đây là một nội dung mang tính nguyên tắc áp dụng xuyên suốt văn bản Luật nên kiến nghị cần đưa thành một điều luật riêng và trình bày trong phần các nguyên tắc của Luật Ban hành VBQPPL (Điều 6).

Đây là nguyên tắc cơ bản điều chỉnh các hành vi tổ chức áp dụng VBQPPL của các cá nhân, tổ chức.

Kiến nghị bổ sung cụm từ mở đầu “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng theo các nguyên tắc sau:”

Điều 143

...

2. Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó;

b) Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy phạm pháp luật mới;

c) Phù hợp với ngôn ngữ và logic của văn bản quy phạm pháp luật.

"Điều 7. Nguyên tắc giải thích văn bản quy phạm pháp luật

Việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các nguyên tắc sau:

a)                Đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó;

b)                Không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy phạm pháp luật mới;

c)                 Phù hợp với ngôn ngữ và lô gich của văn bản quy phạm pháp luật”.

Tại khoản 2 Điều 143 Dự thảo hiện đang quy định các nguyên tắc giải thích VBQPPL. Như đã phân tích, do đây là một nội dung mang tính nguyên tắc áp dụng xuyên suốt văn bản Luật nên kiến nghị cần đưa thành một điều luật riêng và trình bày trong phần các nguyên tắc của Luật Ban hành VBQPPL (Điều 7).

Như vậy nội dung Điều 132 và khoản 2 Điều 143 Dự thảo cần được lược bỏ.

3) Về thẩm quyền giải thích VBQPPL

Dự thảo. Theo nội dung tại Điều 144 Dự thảo thì thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật được hiểu như sau:

i) Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh;

ii) Quốc hội giải thích Luật;

iii) Chủ tịch nước giải thích Quyết định của Chủ tịch nước;

iv) Chính phủ giải thích Nghị định của Chính phủ;

v) Thủ tướng Chính phủ giải thích Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

vi) Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giải thích Nghị quyết của HĐTP-TANDTC;

vii) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ giải thích Thông tư;

viii) HĐND Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải thích Nghị quyết của HĐND cấp Tỉnh; UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải thích Quyết định của UBND cấp Tỉnh.

Theo chúng tôi, quy định như trên có ưu điểm là tự thân cơ quan ban hành văn bản quy phạm hiểu hơn bản chất, nội hàm văn bản do chính mình ban hành, nên dễ giải thích hơn. Tuy nhiên, điểm hạn chế là việc tự ban hành và tự giải thích dễ dẫn đến tình trạng chủ quan có thể giải thích các quy phạm pháp luật một cách “duy ý chí”. Thực tế cho thấy đa phần các nhu cầu giải thích pháp luật đều phát sinh và gắn bó hữu cơ với một sự việc, nhu cầu pháp lý cụ thể nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, chứ rất ít trường hợp cần có sự giải thích chính thức mang tính quy phạm hiện nay của cơ quan lập pháp như  Quốc hội, UBTVQH hoặc các cơ quan hành pháp như Chính phủ, các Bộ ngành vì đã có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành.  Nói cách khác, thực tế yêu cầu giải thích pháp luật đều là yêu cầu giải thích vận dụng áp dụng pháp luật cho một vụ việc cụ thể . Chẳng  trong quá trình tòa án giải quyết một vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền mà phát sinh nhu cầu giải thích pháp luật để áp dụng thì hội đồng xét xử là người giải thích các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các nội dung giải thích sẽ được ghi trong các văn bản có liên quan, đặc biệt nội dung giải thích chính thức phải được thể hiện trong bản án, quyết định giải quyết vụ việc đó. Giá trị pháp lý của nội dung giải thích chính là giá trị pháp lý của quyết định, bản án được tuyên có hiệu lực.  

Như vậy, xét nguyện vọng lâu dài  cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền, thì không thể cơ quan lập pháp hay hành pháp mà chỉ có thể là cơ quan tư pháp là cơ quan giải thích pháp luật mang tính khách quan, thiết thực.

Trên tinh thần đó , theo chúng tôi Dự thảo cần bổ sung thẩm quyền của tòa án nhân dân trong việc giải thích áp dụng pháp luật theo hướng trao một phần thẩm quyền giải thích pháp luật cho hệ thống toà án nhân dân hiện hành. Toà án là cơ quan xét xử có nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên (cả nhà nước và công dân). Nguyên tắc hoạt động của tòa án là khách quan và khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân sẽ hành động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm như vẫn thường thấy ở các cơ quan hành pháp.  Do vậy, cơ quan tư pháp độc lập mà cụ thể là toà án nên là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật, và như vậy, sẽ bảo đảm tính khách quan hơn. Vai trò giải thích luật như đề cập trên của tòa án cần ít nhiều ghi nhận trong Dự thảo lần này.

Ngoài các kiến nghị cụ thể như trên, chúng tôi cũng đề xuất Dự thảo cần cân nhắc bổ sung thêm quy định tại Điều 151 quy định hạn chế việc lợi dụng việc ban hành VBQPPL để củng cố quyền lực của Bộ-Ngành hoặc phục vụ lợi ích nhóm. Cần sớm chấm dứt tình trạng hễ cứ ban hành luật về kinh tế thuộc lĩnh vực nào thì lại “đẻ” ra một quỹ, làm “phình to bộ máy” thuộc Bộ-Ngành đó (Ví dụ: Vụ thì “lên” Cục; Cục thì “lên” Tổng cục v.v...).



* Rajah & Tann LCT Lawyers, hãng luật liên minh giữa LCT Lawyers và Rajah & Tann Asia

[1] Luật ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân năm 2004.

[2] Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, theo đó các đơn vị hành chính được phân định như sau: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường..."

[3] Khoản 1 Điều 15 Luật số 31/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND

[4] Khoản 1 Điều 16 Luật số 31/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND

[5] Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại Hội nghị tổng kết của Chính phủ tháng 06/2014 - cho biết, công tác thí điểm được thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố với 67 huyện, 32 quận, 483 phường.

[6] Đơn cử ví dụ quy định về "mức phạt vi phạm" hiện đang được quy định trong khá nhiều VBQPPL khác nhau. Theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005 thì "Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận". Tuy nhiên theo Luật Thương mại 2005 tại Điều 301 thì "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm". Còn theo Luật Xây dựng năm 2003 tại Điều 110 lại thấy quy định "mức phạt không vượt quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm". Như vậy, nếu như BLDS 2005 luôn được hiểu như Luật chung và Luật Xây dựng 2003 luôn là Luật chuyên ngành thì việc xác định Luật Thương mại 2005 là "Luật chung" hay "Luật chuyên ngành" là vấn đề không đơn giản.

[7]Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Dự thảo thì "áp dụng VBQPPL" là hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để giải quyết tình huống thực tế một cách khách quan, công bằng với từng đối tượng cụ thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Các văn bản liên quan