LĐT phải góp phần tạo ra MT ĐT thực sự hấp dẫn

Thứ Sáu 14:24 26-05-2006
Luật Đầu tư phải góp phần tạo ra môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn

Vũ Quốc Tuấn

Đất nước chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu về vốn đầu tư là rất lớn. Thế nhưng, kêu gọi đầu tư không phải là một việc dễ dàng, vì nhà đầu tư có quyền đầu tư và cũng có quyền không đầu tư. Do vậy, kêu gọi đầu tư phải được thể hiện bằng môi trường đầu tư đủ sức hấp dẫn, trước hết là từ Luật Đầu tư.

Yêu cầu tăng nhanh vốn đầu tư phát triển

Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt khoảng 975,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 259,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,6%, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài 161,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,6%. Dự kiến, trong 5 năm 2006-2010, để đạt được tốc độ tăng trưởng 7,5 - 8%, bảo đảm mục tiêu "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá năm 2005) phải đạt 1.850 - 1.960 nghìn tỷ đồng, tức là gấp gần hai lần năm năm trước, trong đó vốn của dân cư và tư nhân chiếm khoảng 30,7 - 31%, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm khoảng 13,7 - 14%.

Có thể thấy: yêu cầu tăng vốn đầu tư phát triển là rất lớn, trong đó, đầu tư khu vực dân cư và tư nhân sẽ phải chiếm tỷ trọng cao hơn những năm trước. Không có đầu tư, không thể có tốc độ tăng trưởng 7,5 – 8% và phấn đấu đạt trên 8% mỗi năm như mong ước trong thời gian tới. Muốn vậy, phải đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc vµo ®Çu t­ ph¸t triÓn nh­ Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX (ngày 12, 13-7-2005) đã khẳng định: "giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và trong xã hội" (Thông báo Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành trung ương Đảng).

Chính là để đáp ứng yêu cầu tăng nhanh đầu tư phát triển cho công cuộc phát triển đất nước, từ đầu năm 2004, Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng 02 luật: Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Đầu tư (áp dụng chung cho các thành phần kinh tế. Văn bản về Tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng hai luật đã xác định phải "kế thừa và phát huy những tư duy mới, kinh nghiệm tốt từ những nhân tố mới trong cuộc sống xã hội. Nội dung của luật không xoá bỏ hoặc đi ngược lại mà phải phát triển thêm những cải cách, đổi mới và tiến bộ đã đạt được trong thành lập, tổ chức quản lý nội bộ của doanh nghiệp đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Doanh nghiệp 1999". Thủ tướng cũng nhấn mạnh: phải "tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh: các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền đầu tư và kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được pháp luật bảo hộ. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng phổ biến chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xoá bỏ những quy định "xin-cho", "phê duyệt", "chấp thuận" bất hợp lý, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh, gây phiền hà cho doanh nghiệp" (trích Tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản về việc soạn thảo 02 luật, ngày 26-4-2004).

Đó là những tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ mà việc xây dựng Luật Đầu tư phải tuân thủ và quán triệt.

Một số điểm cần xem lại trong Dự thảo Luật Đầu tư

Đối chiếu với những quan điểm về phát triển kinh tế mà Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã xác định và Tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng 02 Luật đã dẫn ra ở trên, Bản Dự thảo Luật Đầu tư (bản nhận được ngày 20-7-2005) có một số quy định không quán triệt, thậm chí thụt lùi so với những tiến bộ đã đạt được trước đây. Cụ thể như sau.

1. Đối với nhà đầu tư trong nước.

Theo các quy định hiện hành, sau khi đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tự quyết định đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, tự chịu trách nhiệm tổ chức đầu tư theo các quy định về đầu tư và xây dựng, như quy hoạch, thủ tục về đất đai, môi trường, kiến trúc, v.v... Đúng ra, những quy định hiện hành về các mặt nói trên vẫn cần được xem xét, sao cho đơn giản, thuận tiện hơn nữa cho nhà đầu tư.

Thế nhưng, Dự thảo Luật Đầu tư đã đi ngược lại: đối với dự án phổ thông (có quy mô dưới 5 tỷ đồng), nhà đầu tư phải "đăng ký đầu tư" để được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư" (Điều 60), còn cơ quan có thẩm quyền thì có quyền kiểm tra nôi dung đăng ký đầu tư. Như vậy, tức là lại đẻ thêm một bước và thêm một loại "giấy phép con" nữa; không những thế, cũng không rõ dựa trên tiêu chí nào mà cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nội dung đăng ký đầu tư, rồi cấp "Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư " ? Làm thế nào đẻ ngăn chặn tái diễn cơ chế "xin-cho" trong khâu này ? Đây là một bước thụt lùi đối với quy định về đầu tư trong nước.

2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư kinh doanh theo dự án; chế độ đăng ký kinh doanh và thủ tục đầu tư được thực hiện theo chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư. Giấy phép đầu tư có giá trị như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cũng tức là việc đăng ký kinh doanh và cấp phép đầu tư cùng được tiến hành một lần, coi như một bước.

Nay, nếu quy định: nếu nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam thì dù dự án thuộc diện các dự án phổ thông, nhà đầu tư vẫn phải có dự án để đăng ký đầu tư, rồi sau đó, mới được thành lập, đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp trong nước; còn đối với dự án lớn, dự án quan trọng, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam cũng vẫn phải được cấp phép đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh. Giấy phép đầu tư không được coi như giấy đăng ký kinh doanh. Cũng tức là nhà đầu tư phải có dự án được cấp phép đầu tư trước rồi mới được đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức là hai bước; thêm một bước so với quy định hiện hành.

Vì vậy, cần thiết quy định lại theo hướng: các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc đăng ký kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư như các nhà đầu tư trong nước; tức là thực hiện đăng ký kinh doanh trước và chủ động tiến hành đầu tư sau khi đã đăng ký kinh doanh. Đương nhiên, khi quyết định đầu tư, nhà dầu tư phải thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan, như tuân thủ quy hoạch, các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường, v.v... tùy theo loại dự án.

3. Một số điểm cụ thể.

- Điều 60, khoản 1: "Các dự án phổ thông do nhà đầu tư trong nước thực hiện không thuộc diện ưu đãi đầu tư có quy mô dưới 5 tỷ đồng chỉ cần đăng ký đầu tư mà không cần có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư": quy định này nên áp dụng chung cho cả nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ riêng cho nhà đầu tư trong nước.

- Điều 66, khoản 2: "Đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thuộc diện thu hồi đất, nhà đầu tư có trách nhiệm tự tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng": trong tình hình hiện nay, giải phóng mặt bằng đang là một khâu nóng bỏng, quy định như thế này sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư. Tuy có quy định "Trường hợp không thực hiện được, nhà đầu tư có yêu cầu, thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có dự án đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo tiến độ dự án", việc thi hành quy định này cũng không dễ dàng. Vì vậy, nếu theo tư duy tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thì tốt hơn cả là quy định "Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có dự án đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo tiến độ dự án".

Trong Dự án Luật, còn nhiều quy định cụ thể có thể cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung; trên đây, chỉ xin nêu ra một số quy định quan trọng nhất mà nếu không sửa đổi, sẽ không quán triệt đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng hai luật, không ăn khớp giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và nhất là có nguy cơ thụt lùi so với hiện nay.

Về việc soạn thảo Dự án Luật Đầu tư

Xin nói thêm rằng: việc đề ra thể chế, chính sách để thu hút đầu tư là việc của Nhà nước, còn việc có đầu tư hay không, đầu tư ít hay nhiều là quyền của nhà đầu tư. Nếu như thể chế, chính sách thể hiện đầy đủ tư duy đổi mới, phù hợp với các cam kết quốc tế, đủ mức hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh, đồng thời thủ tục hành chính được cải tiến, nhà đầu tư (kể cả trong nước và nước ngoài) được bảo đảm lợi ích chính đáng, thì chắc chắn họ sẽ đầu tư; nếu ngược lại, vốn trong dân sẽ không dược huy động đúng với tiềm năng, còn nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ bỏ đi đến nơi nào có môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nước ta. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, mục tiêu "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển" chậm được thực hiện; và đó là trách nhiệm của người hoạch định thể chế, chính sách thu hút đầu tư.

Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo Luật Đầu tư - một đạo luật có tác động hết sức mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cần thu hút trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của các doanh nhân. Phải khẳng định rằng đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng đông đảo, nhất là lớp trẻ được đào tạo bài bản, có trí tuệ, có tâm trong sáng muốn đóng cho sự phồn vinh của đất nước. Nhiều tổ chức tư vấn, công ty luật, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đang có những chuyên gia giỏi, có thể đóng góp thiết thực vào việc hoạch định thể chế, chính sách. Các hội, hiệp hội nghề nghiệp cũng là một kênh chñ yÕu để góp phần làm cho thể chế, chính sách sát với cuộc sống, đủ tính khả thi. Đó chính là nguồn lực trí tuệ hết sức dồi dào rất cần được các cơ quan hoạch định thể chế, chính sách tôn trọng và quan tâm khai thác, bảo đảm nâng cao chất lượng của dự án Luật.

Ngày 25-7-2005

Các văn bản liên quan