Không nên phục hồi quy định cũ đã bị bãi bỏ

Thứ Sáu 14:24 26-05-2006
Góp ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư (chung)

Không nên phục hồi những quy định cũ đã bị bãi bỏ

Vũ Duy Thái
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công thương Tp. Hà Nội


Đầu tư là tiền đề phát triển của mọi quốc gia. Nhưng muốn huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển thì trước hết phải tạo dựng được khung pháp lý về đầu tư thật sự hấp dẫn, nhất quán, có tính cạnh tranh và khả thi cao.

Các nhà hoạch định chính sách nước ta, nhận thức rất rõ điều này, song do bối cảnh lịch sử (luật đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ban hành năm 1987, Luật khuyến khích đầu tư trong nước (KKĐTTN) ban hành năm 1994) và “tính nhạy cảm” của nền kinh tế chuyển đổi nên chính sách khuyến khích và bảo hộ đối với hai chủ thể đầu tư (trong nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) còn nhiều khác biệt không tương thích với nguyên tắc không phân biệt đối xử quốc gia của WTO mà ta đang cố gắng gia nhập vào cuối năm nay.

Những khác biệt này và ảnh hưởng của nó đã được nhiều cơ quan, vụ viện nghiên cứu phân tích. Song cuộc khảo sát gần đây với 800 văn bản pháp luật liên quan đến việc thành lập, tổ chức, và hoạt động của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tại Việt Nam) cho biết hiện có 13 chế định khác biệt bất hợp lý về thuế, phí, lệ phí, tài chính và đất đai; 21 lĩnh vực chuyên ngành và 6 hình thức hạn chế quyền tự do kinh doanh; và 12 định chế bất hợp lý về quản trị công ty cần được xoá bỏ để tạo khung pháp lý bình đẳng cho các chủ thể đầu tư khi tiến hành soạn thảo Luật doanh nghiệp (thống nhất) và Luật đầu tư (chung). Về nội dung Chính phủ xem Luật đầu tư (chung) là luật bảo hộ và khuyến khích đầu tư, chỉ luật hoá các chính sách tác động trực tiếp đến 2 lĩnh vực này, nhằm bảo đảm tính bình đẳng, nhất quán, công khai, minh bạch,… về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, cũng như thủ tục xác nhận, cấp ưu đãi phải đơn giản, cụ thể dễ thực hiện.

Nhưng Dự thảo luật đầu tư (chung) ngoài các nội dung trên còn bao gồm nhiều điều khoản dành cho việc phân loại, quản lý dự án đầu tư, nhưng lại không nêu bật được sự đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư. Khiến cho các nhà đầu tư trong nước cảm nhận rằng:

1.Dự thảo Luật đầu tư (chung) chưa dứt khoát với cơ chế xin cho, chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản trong phương pháp từ tiền ưu đãi sang hậu ưu đãi (ưu đãi dựa trên kết quả đầu tư - mà doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị) nhưng lại nêu ra một số ưu đãi (về thuế, đất đai…) khác với các quy định đã có ở các Luật chuyên ngành! nên vừa thiếu lại vừa trùng lặp rất khó thực hiện.

2.Chưa tìm được giải pháp thỏa đáng để thực hiện ý tưởng: Vừa tạo được sân chơi bình đẳng, vừa quản lý được các dự án đầu tư (nước ngoài), nên đã áp dụng biện pháp “chiết trung” buộc các nhà ĐTTN ngoài Đăng ký kinh doanh còn phải lập và Đăng ký dự án đầu tư gây thêm khó khăn phức tạp cho các nhà đầu tư trong nước. Trong khi những mong muốn của các doanh nghiệp hạn chế danh mục các ngành nghề bị cấm, nới lỏng điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện; và thành lập cơ quan đăng ký và thông tin doanh nghiệp ở cấp độ quốc gia, làm cơ sở cho giao dịch minh bạch chưa được đáp ứng, lại bị gánh thêm thủ tục đăng ký dự án, báo cáo kết quả và chịu sự giám sát, thanh kiểm tra trong qúa trình thực hiện dự án!

Trước những thủ tục nhiêu khê này, ai giám chắc rằng, doanh nghiệp sẽ không gặp trở ngại khó khăn và tăng thêm chi phí?

Mọi người còn nhớ, hơn 2 năm trước đây, cuộc chiến về giấy phép, quyết liệt đến mức Thủ tướng phải quyết định, mới bãi bỏ được 186 giấy phép con. Số còn lại khoảng 160 giấy giao cho các bộ ngành rà soát, để tự bãi bỏ hay chuyển thành điều kiện kinh doanh nhưng đến năm 2004 số giấy đã tăng lên 246, và đến tháng 6/2005 đã là 301. Có ngành, như nông nghiệp và phát triển nông thôn tới (37 giấy), ngân hàng (34 giấy), Văn hoá thông tin (32 giấy), tài chính (31 giấy)… Có lẽ ít ai có thể tin rằng chỉ 1 chiếc biển quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp phải chạy qua 4 cửa để xin 4 giấy phép con!.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có người cho rằng LĐT (chung)đối với doanh nghiệp trong nước là một bước lùi mở đường cho các giấy phép con phát triển.

3. Qui chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành theo Nghị định 52/1999 NĐ-CP và các NĐ 12, NĐ 07 sau đó không quy định phải trình duyệt đối với các dự án mà nguồn vốn đầu tư không thuộc sở hữu của nhà nước. Nay dự thảo quy định phải quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ở cả 3 giai đoạn: ra quyết định đầu tư, thủ tục đầu tư, và thực hiện đầu tư là phục hồi các quy định cũ cản trở đầu tư, đã được Chính phủ bãi bỏ.

4.Dự thảo còn đòi hỏi mọi dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đặc biệt phải có các giải pháp về công nghệ kỹ thuật, nguồn lực ban đầu, các quy định về tài nguyên môi trường, an ninh và an toàn quốc gia, có đánh giá về tác động kinh tế – xã hội của dự án (điều 61), giám định máy móc thiết bị nhập khẩu, về quyết toán công trình mới được hoạt động (điều 69)… Có thể nói những quy định này chẳng những không hợp lý đối với doanh nghiệp, không khả thi đối với nhà nước, mà còn đi ngược lại tư duy đổi mới, nhà nước không làm thay mà từng bước giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp và các định chế xã hội tự quản.

5. Nhiều người nói LDN (thống nhất) và LĐT (chung) là 2 mặt của một vấn đề, nhưng vẫn thấy sự “vênh” đáng kể giữa 2 dự thảo. Ví dụ dự thảo LDN (thống nhất) không bao gồm loại hình DNNN (trừ khi nó được sắp xếp lại) nhưng dự thảo LĐT (chung) lại đề cập đến vấn đề đầu tư từ nguồn vốn của nhà nước… Hay, trong luật doanh nghiệp (thống nhất) thừa nhận quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc tổ chức, lương, thưởng nội bộ, cũng như việc ra các quyết định kinh doanh…, thì dự thảo luật đầu tư (chung) lại quy định một loạt quy trình thủ tục phải xin chấp thuận; Khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, những thông thoáng của luật doanh nghiệp có nguy cơ bị “vô hiệu” bởi những quy chế và thủ tục quy định trong luật đầu tư (chung)!

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa dự thảo Luật đầu tư (chung) (i) thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh; (ii) không đặt thêm những quy định thủ tục có tính áp đặt hoặc đã bị bãi bỏ trước đây để dành thuận lợi cho mình gây khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư trong nước, (iii) không đặt ra những ưu đãi khác biệt với những ưu đãi đã được quy định ở các luật chuyên ngành, (iv) chuyển từ tiền ưu đãi sang hậu ưu đãi, để hạn chế sự lạm dụng quyền hành để cản trở đầu tư hoặc phục hồi cơ chế xin cho.

Trong trường hợp cần thiết phải phân loại để quản lý, thì nên áp dụng tiêu chí phân loại theo tính chất và tầm quan trọng của dự án, nghĩa là chỉ những dự án có quan hệ đến quốc kế dân sinh, an toàn xã hội, hay an ninh quốc phòng mới phải đăng ký xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Còn đối với các dự án thông thường, năm ba chục tỷ không cần thiết phải đăng ký hay xét cấp làm gì. Vì nếu muốn cũng không “giám sát” xuể; Thực trạng việc quản lý sau đăng ký kinh doanh đối với vài trăm ngàn doanh nghiệp hiện nay còn chưa tổ chức, hay hiệp hội nào làm nổi, huống chi (theo dự thảo) số dự án sẽ lớn hơn số doanh nghiệp rất nhiều (do 1 doanh nghiệp có thể có nhiều dự án) thì bộ máy nào kham nổi? Hơn nữa báo cáo kết quả thực hiện dự án đầu tư cũng là một phần của báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp hà tất phải tách ra làm báo cáo riêng cho cơ quan quản lý đầu tư.

Các văn bản liên quan